Thẩm mỹ hôm nay

Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, nhưng nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người.. Vai trò của những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần cũng tương tự như vai trò của những thước do đạo đức trong đời sống xã hội.

Trần ai có một… kiếp người!

Sinh ra ông, cha mẹ ông cũng đặt cho ông một cái tên hết sức đàng hoàng: Trịnh Văn Mền. Nhưng do “căn bệnh” ăn khỏe, ăn không biết no nên đời ông cơ nhọc, bao hệ lụy buồn ập đến. Hiện nay chưa ai có thể lý giải về “căn bệnh” ăn không biết no của ông.

Nửa đời chỉ được bốn lần ăn no!

Mới đầu, nghe những tin phong thanh về “căn bệnh” ăn khỏe, ăn không biết no của ông Trịnh Văn Mền ở thôn Cẩm Hoa (Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) chúng tôi bán tin, bán nghi. Nhưng khi đánh đường, ngược lên khu miền núi của tỉnh xứ Thanh, bước vào đầu xã, đưa tên và danh ông ra hỏi chúng tôi chắc thông tin trên là sự thực. Những người được hỏi nhao nhao: Tưởng ai chứ, ông Mền với cái bệnh ăn khỏe này đã nổi tiếng từ lâu rồi. Không chỉ người lớn mà đến trẻ con ở đây đều biết mặt, biết tên, biết “bệnh” của ông còn hơn cả biết lãnh đạo. Các chú đến nhà, có gì ăn được thì mua cho ông ấy, nhất là món mì tôm hay miến. Hai thứ ấy, với ông này bao nhiêu cũng thiếu!

Trong thôn Cẩm Hoa, ngôi nhà ông Mền có vẻ khiêm nhường nhất. Bà hàng xóm bảo, ăn khỏe như ông ấy thì phải khổ thôi. Người ăn núi lở mà! Ông Mền năm nay bước vào tuổi 60. Gặp, ai cũng thấy ấn tượng và la lạ với ngoại hình của ông. Khuôn mặt ông khắc khổ, cặp quai hàm thì bạnh ra còn đôi mắt lúc nào cũng hau háu.

Ông Mền, người được cho là ăn khỏe vô địch thiên hạ.

Sau lời chào, ông Mền dồn sự chú ý của mình vào 5 gói mì tôm chúng tôi mang theo, vừa là quà, vừa là vật để chứng thực cho sự ăn khỏe của ông. Hỏi ông có ăn hết được không, đôi mắt hấp háy, ông nói: Gấp đôi như vậy cũng hết! Lâu lắm tôi chả được bữa mì tôm nào no rồi! Ông Mền chụm củi, đổ nước vào cái nồi gang cũ rích, đợi nước sôi rồi bóc cả 5 gói mì cho vào. Chưa chờ nồi mì chín, ông bê ra, cứ thế vục bát mà ăn. Bát nọ nối bát kia, vèo cái, nồi chưa kịp nguội, mì đã hết. Ăn xong 5 gói mì tôm, ông chép miệng, tỏ ra vẫn còn thòm thèm.

Ngồi uống ngụm nước trắng, ông Mền bộc bạch: Thú thực với các chú, nếu con người ta lấy chữ thọ là 100 thì nay tôi đã đi được hơn nửa đời người. Nhưng nửa đời người của tôi, đến nay mới được ăn no có… 4 lần. Một lần no do xin được còn 3 lần kia thì được no trong sự thách đố của thiên hạ.

Lần được ăn no đầu tiên của ông Mền ấy là khi ông đi vào bản làm thuê và xin được bộ da trâu. Ông bảo, hôm ấy thấy người ta thịt trâu, ông thèm lắm. Lân la đến, định bụng có thứ gì đó vụn vặt người ta bỏ đi thì xin về. Nhưng bản làng này cũng thiếu thốn, con trâu bị tận thu hết nên ông chỉ xin được mỗi bộ da. Đem bộ da ấy về, ông đun nước vôi, ngâm và đánh sạch phần lông rồi luộc chín. Cứ vậy, 3 ngày trời ông “rả rích” với món đấy, đó là lần no đầu tiên của ông.

Lần thứ 2 ông được bữa no là vào năm 1984. Năm ấy lụt lội trắng đồng, không còn kế mưu sinh nên ông cùng anh em lên mạn ngược đào vàng thuê. Một hôm mưa lớn, hầm đầy nước, không làm được nên anh em ngồi chơi. Lúc đó có bà chuyên gánh bánh cuốn vào bán cho phu làm vàng đi tới. Trời mưa, hàng ế, thấy vậy, mấy anh em ở lán tỷ thí ông. Họ bảo nếu ông ăn hết gánh bánh cuốn ấy sẽ trả cho 4 chỉ vàng. Ông gật đầu nhận lời, thú thực lúc này chỉ nghĩ đến có ăn và được ăn no chứ không nghĩ đến vàng. Ông xoạc cẳng, ăn một mạch hết gánh bánh cuốn 500 cái.

Lần thứ 3 trong đời ông Mền được ăn no đấy là lại do người ta nghe tiếng và thách đố. Hôm ấy cũng đi làm thuê, nhân gặp bà bán kẹo lạc quẩy gánh đi tới. Anh em gạ ông xem có ăn hết 30 gói kẹo lạc hay không. Ông lại gật đầu chấp nhận. Ăn hết 30 gói, lúc ấy đã gần trưa. Sợ thua, mấy anh em lại tỷ thí ông xem có ăn hết thêm 2,5 bơ gạo nữa không, ông lại gật đầu. Anh Đinh Văn Cần, người chứng kiến cuộc tỷ thí này đến nay vẫn còn bàng hoàng kể lại: Em đã tận mắt chứng kiến. Thú thực trong đời, em đã lang thang khắp nơi nhưng chưa thấy ai ăn khỏe đến mức không thể tưởng tượng nổi như ông ấy.

Lần thứ 4 ông Mền tiếp tục được ăn no ấy là khi ông đi đào ao thuê. Nhà thuê ông đào ao cũng làm nghề tráng bánh cuốn để kinh doanh. Hôm ấy cũng trời mưa, không làm việc được nên ông đã lân la đến bếp tráng bánh. Sẵn cơn thèm và cơn đói, được bà chủ gạ, mới đầu nghĩ ăn ít cái cho đỡ thèm. Nhưng khi ngồi vào bàn, ông không kìm được trước căn bệnh ăn không biết no của mình. Cứ cái nọ nối cái kia, lúc ông đứng dậy thì 700 cái bánh cuốn đã đi tong.

Khổ vì bệnh lạ

Anh Nguyễn Văn Ninh, hàng xóm của ông Mền bảo, đâu xa thì không biết chứ người ở đây chả có ai lạ với cái bệnh ăn khỏe của ông ấy. Thương ông ấy có gì thì cho thôi chứ chả ai dám dại mà đi tỷ thí. Trước, có mấy người khách hiếu kì, nghe chuyện ông ấy đã lên đây. Họ đến, không dám thách ông ấy bánh cuốn, kẹo lạc, mì tôm vì nghĩ đó là món sở trường. Lần này họ thách ông ấy ăn hết 2kg miến dong nấu không và 5 chai mật. Một phần vì muốn được ăn, phần nữa để chứng kiến khả năng của mình nên ông ấy cũng đã xơi hết. Ai cũng mắt tròn, mắt dẹt vì miến thì không sao chứ ăn từng đấy mật mía thì phải uống nước và sẽ ch*t vì no nước và say mật. Nhưng tuyệt nhiên ông Mền đã không gặp điều ấy.

Hiện nay, ngoài ruộng nương, để có cái bù đắp cho căn bệnh ăn khỏe của mình, ông Mền đã phải đi làm thuê. Nhưng theo chị Trịnh Thị Hường, hàng xóm của ông Mền thì mọi thu nhập và làm ra của ông cũng chỉ đủ nuôi sống đàn con 4 đứa và sự cầm cự trong hoàn cảnh đói nhiều hơn no của ông.

Ông Trịnh Văn Mền sinh ra trong gia đình có 4 anh em. Cha mẹ và các anh em ông không một ai có chứng bệnh kì lạ như ông. Vì ăn khỏe, lúc nào cũng đói nên năm 15 tuổi ông đã phải bỏ học và tự đi làm thuê để kiếm cái ăn cho mình. Năm 1986, ông đã gặp người vợ đầu là chị Bùi Thị Phượng và có một con chung. Nhưng sau, vì không hợp, trong đó có cả lý do ăn quá nhiều của ông nên hai vợ chồng chia tay.

Năm 1989, nhờ mọi người mai mối, ông đã gặp chị Lê Thị Thúy. Hai vợ chồng có với nhau 2 đứa con chung, nhưng do làm việc lam lũ để kiếm cái ăn bù đắp cho người chồng có căn bệnh lạ này nên chị Thúy cũng đã qua đời khi đứa con út mới được 10 tháng tuổi. Bố con ông Mền đắp đổi nuôi nhau đến năm 2007. Thương ông, hàng xóm lại mai mối và ông đã cưới chị Hoàng Thị Nên làm vợ. Hiện vợ chồng ông đã có với nhau một con gái.

Bữa ăn hàng ngày của bố con ông Mền.

Chị Hoàng Thị Nên, người vợ thứ 3 của ông Mền cho biết thương ông lắm. Chị bảo hiện nay do có tuổi, lại thêm căn bệnh lúc nào cũng đói ăn nên ông Mền bắt đầu yếu ra trông thấy. Nhưng dù yếu ông vẫn phải làm việc. Ngoài công việc đồng áng, rỗi lúc nào ông lại đi làm thuê, từ gánh lúa, cắt gỗ thuê, đào giếng, đào ao… Ông đi từ 4 giờ sáng đến tối mịt mới về. Nhưng thu nhập cũng chỉ đủ tiền đong gạo và mua ít muối mắm để ăn. Quan niệm của gia đình và bản thân ông Mền là cố gắng sao kiếm đủ cái ăn tuy nhiên với ông thì không lúc nào được ăn no cả.

Lo ăn và mong được no bụng luôn là nỗi đeo đẳng của cuộc đời ông Mền.

Là gia đình nghèo, bản thân chưa được ăn no nhưng các con ông Mền lại học rất giỏi. Thương ông, hàng xóm láng giềng thường bảo nhau người cho ông bơ gạo, đấu thóc, kể cả ngô khoai để ông thêm thắt bù cho những bữa no đói phập phù của mình. Vì ăn khỏe nên ông cũng chẳng dành ra được tiền để mua sắm và sửa chữa nhà cửa. Theo ông Nguyễn Văn Thê, chuyện ăn khỏe và ăn không biết no của ông Mền đã được nhiều người biết đến. Trước hoàn cảnh của ông, vừa qua UBND xã đã huy động người dân cùng nhau quyên góp tiền để hỗ trợ ông Mền làm nhà. Bằng nguồn kinh phí này ông Mền và gia đình đã có một căn nhà cấp 4, rộng 18m2 để làm nơi sinh sống của 6 con người.

Đơn Thương

Mạng Y Tế
Nguồn: Khỏe 365 (http://khoe365.nguoiduatin.vn/tran-ai-co-mot-kiep-nguoi-72591.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY