Bệnh ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày, đồng thời có thể gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư. Việc dùng Thu*c điều trị hợp lý và kịp thời sẽ cải thiện tình trạng bệnh và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.
Hội chứng TNDDTQ còn được gọi là viêm thực quản và có các triệu chứng khá giống nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng, hay viêm thanh quản… Những triệu chứng rõ nét nhất của hội chứng TNDDTQ có thể kể đến như:
Cảm giác nóng rát: sau xương ức giữa ngực, hay xảy ra sau bữa ăn hoặc lúc cúi mình về phía trước, hoặc lúc nằm ngửa; đau nóng rát khu trú ở bụng trên... Ợ chua, buồn nôn, nôn kèm theo tình trạng khó nuốt cũng là triệu chứng đặc trưng của TNDDTQ.
Các biểu hiện về tai mũi họng: họng mất cảm giác; cảm giác nuốt nghẹn như có dị vật hoặc vướng, sau xương ức hay sau yết hầu; viêm họng hay tái phát; khản tiếng, sáng dậy khản đặc rồi hết nhanh...
Các biểu hiện ở phổi: khó thở ban đêm do hít phải dịch vị acid vào phế quản ít gặp, nhưng nặng. Có khi có cơn như hen suyễn.
Đau ngực: TNDDTQ là nguyên nhân thông thường nhất của đau ngực không do bệnh tim. Đau thường sau bữa ăn hoặc ban đêm; đau kéo dài nhiều giờ, sau xương ức, không lan sang bên. Khởi phát đau có liên quan tới một đợt dịch vị acid.
Các biến chứng của bệnh TNDDTQ có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản và hệ thống hô hấp. Điển hình như viêm mũi xoang mạn, viêm thực quản trào ngược, hẹp thực quản, ung thư thực quản, thậm chí còn đột tử trong một số trường hợp ở trẻ nhỏ.
Viêm đường hô hấp: Chỉ một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi. Triệu chứng thường gặp là ho kéo dài. Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số trường hợp còn bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Đây là hậu quả của tình trạng dịch acid ở dạ dày trào vào vùng hầu họng. Gần đây, các nhà khoa học cũng chỉ ra mối liên quan mật thiết ở những người bị bệnh TNDDTQ và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, người bị bệnh TNDDTQ có thể bị mòn răng, viêm tai…
Trào ngược dạ dày - dẫn tới hẹp thực quản: Một biến chứng khác của TNDDTQ là viêm rồi dẫn đến loét, hẹp thực quản. Dịch dạ dày trào lên thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm. Do vậy, TNDDTQ còn có tên khác là viêm trào ngược. Biến chứng có thể làm người bệnh gặp các hệ quả như: khó nuốt, nuốt đau, đau ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản.
Barrett thực quản: Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống. Biến chứng nặng nề nhất là Barrett thực quản. Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với acid dạ dày. Chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ của những người bị TNDDTQ sẽ phát triển thành Barrett thực quản. Tuy nhiên, sự biến đổi của tế bào trong bệnh Barrett là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản. Đây là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của TNDDTQ.
Ung thư thực quản: TNDDTQ dẫn đến Barrett và gây ra ung thư là biến chứng hiếm gặp, nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Ung thư thường gặp ở người trên 50 tuổi, kèm với các triệu chứng như nuốt nghẹn, nôn, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả hai bên. Sau một thời gian mắc bệnh thì toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút hơn 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng.
Điều trị bệnh TNDDTQ cần dựa trên cơ sở bệnh sinh. Biểu hiện lâm sàng mỗi người một khác, có người triệu chứng thì rầm rộ nhưng lại không có tổn thương thực thể, có người không có triệu chứng lại có ngắn Barrett hoặc hẹp. Thông thường bệnh nhân hay có viêm trợt ở đoạn nối tâm vị - thực quản. Điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.