Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Trở thành tỷ phú nhờ gói tăm 1.000 đồng

(MangYTe)-Không chỉ là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương, Nguyễn Bách Trường, Giám đốc Công ty TNHH thương hiệu Trường Thịnh, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội còn luôn gương mẫu, đi đầu, nhiệt tình với các hoạt động Đoàn, Hội, thiện nguyện tại địa phương.

Gặp “tỷ phú tăm tre” tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, sau 10 năm khởi nghiệp và thành công. Ấn tượng đầu tiên của tôi với anh Nguyễn Bách Trường là một chàng trai giản dị, khuôn mặt vuông vức toát lên vẻ trầm lặng, nói ít nhưng cởi mở. Lối kể chuyện của anh cũng khiêm tốn như chính sản phẩm đã làm nên tên tuổi của anh. 

Không chỉ là một tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương, anh Nguyễn Bách Trường - Giám đốc Công ty TNHH thương hiệu Trường Thịnh, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội còn luôn gương mẫu, đi đầu, nhiệt tình với các hoạt động Đoàn, Hội, thiện nguyện tại địa phương.

 Ngoài giỏi kinh doanh, Nguyễn Bách Trường còn tích cực và nhiệt huyết tham gia công tác từ thiện xã hội.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, từng có thời gian phải nghỉ học để đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi hai em. Ngay từ bé, Nguyễn Bách Trường đã ấp ủ ước mơ kinh doanh để thoát nghèo. Rời quân ngũ năm 2009, Trường bắt đầu xây dựng, phát triển sự nghiệp. 

Theo Trường, thời điểm đó, thị trường tăm rất ưa chuộng loại tăm tre 2 đầu. Tuy  nhiên, do tăm tre 2 đầu thường được làm bằng loại nguyên liệu tre kém chất lượng, giòn, dễ gãy, nhiều dăm và được ngâm hoá chất chống ẩm mốc. Vì vậy, khi tự sản xuất, Trường mong muốn thay đổi thói quen của người tiêu dùng để bảo vệ sức khoẻ.

Sau thời gian tìm hiểu, Trường đã lựa chọn giang để làm tăm. Trường cho biết, giang có đặc tính dai, dẻo, ít dăm, có mùi thơm đặc trưng và màu xanh tự nhiên, ếu sấy đúng tiêu chuẩn có thể bảo quản sử dụng đến 1 năm. 

Nguyễn Bách Trường đã từng trải qua không ít khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp, từ việc loay hoay tìm thị trường, nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm cho đến nguồn nguyên liệu, sau đó là nhân công, máy móc, vốn… khó khăn này chưa qua, trở ngại khác lại đến, có lúc đã khiến anh nản lòng muốn từ bỏ. Nhưng những năm quân ngũ đã tôi rèn cho anh sự kiên trì, bền bỉ, khó khăn đến mấy cũng không bỏ cuộc. Dần dần, mồ hôi, nước mắt, công sức của Trường cũng đạt được kết quả. Từ đơn hàng đầu tiên với 200 gói tăm khiến anh rơi nước mắt vì hạnh phúc, đến nay, thị trường tiêu thụ của tăm Trường Thịnh đã lên tới 60 đại lý phân phối rộng khắp cả nước. 

Thành công với tăm giang, Trường mạnh dạn mở rộng thêm nhiều sản phẩm: Đũa, hương trầm, gia vị,… Hiện, Công ty TNHH Thương hiệu Trường Thịnh của Nguyễn Bách Trường sở hữu xưởng sản xuất gần 1000m2 tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng một năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Trường Thịnh cũng tạo việc làm thời vụ cho khoảng 60 – 70 hộ gia đình với mức thu nhập khoảng 2 – 3 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về dự định tương lai, tỷ phú tăm tre chia sẻ, anh đang ấp ủ một sản phẩm tăm mới, “tiện dụng hơn, dễ dùng, tốt cho sức khoẻ răng miệng hơn. đặc biệt rất thân thiện với môi trường và có thể … ăn được”- trường vui vẻ nói. 

Lập nghiệp và thành công trên chính quê hương mình, vì vậy, Nguyễn Bách Trường luôn mong muốn được đóng góp công sức cho sự phát triển chung của địa phương. Bên cạnh điều hành và quản lý công ty, Nguyễn Bách Trường còn là Uỷ viên Ban Chấp hành huyện đoàn Hoài Đức, Phó Chủ tịch CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội. 

Hàng năm, Trường đều dành 10 suất học bổng trị giá 3 triệu đồng/suất cho 10 em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn của trường Tiểu học và THCS Cát Quế B. Dành 10 phần quà vào mỗi dịp Tết, Trung Thu cho các em nhỏ ở Thôn 9, xã Cát Quế, trị giá 2 triệu đồng mỗi phần quà… Ngoài ra, Trường còn thường xuyên quyên góp, ủng hộ thông qua các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, giúp đỡ các gia đình nghèo, đồng bào bị thiên tai tàn phá.

Nguyễn Bách Trường nhận Bằng khen do TƯ Hội Chữ thập đỏ trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo năm 2017 

Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác Đoàn và hoạt động xã hội, Trường đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý, như : Bằng khen gương Thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi; Bằng khen Doanh nhân trẻ Thủ đô tiêu biểu; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên; Bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tiêu biểu; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ... Đặc biệt, Nguyễn Bách Trường vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt" năm 2018.

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế đô thị (http://kinhtedothi.vn/tro-thanh-ty-phu-nho-goi-tam-1000-dong-360305.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY