Từ lâu mẹ đã xăng xái chuẩn bị măng, đậu xanh, gạo nếp Phì Điền, miến, mỳ Chũ. Ba tháng trước mẹ mua giống gà đồi Yên Thế về nuôi để dành dịp Tết. Năm nào mẹ cũng gói bánh chưng. Đó là việc kỳ công mà từ ngày về làm dâu của làng, mẹ luôn giữ với tâm trạng háo hức. Hai tám Tết, tôi được mẹ giao rửa lá dong. Mấy bác, mấy chị hàng xóm tụ về bên sân giếng khơi nhà tôi rửa lá. Vừa làm vừa chuyện trò, thật thích. Thằng Dũng ngồi tí toáy bấm điện thoại, đã không giúp thì thôi, còn càu cạu: “Mẹ gói làm gì cho mệt, ăn được đâu. Đi đặt mua vài cái cho xong. Thời buổi công nghệ này…”. Mẹ quở: “Ơ cái thằng này. Không gói bánh chưng thì sao ra được cái Tết. Không làm thì để mẹ và chị làm”.
Nhà có ba chị em. Tôi là cả. Tính tôi khác thằng Dũng và cái Hân. Cả hai đứa hờ hững với việc chuẩn bị Tết nhất và công việc gia đình. Chúng thích đắm mình vào thế giới ảo, ngại giao tiếp, ngại việc nhà và không chịu mở lòng với những khoảnh vườn đầy nắng, hoa xuân và tiếng chim. Ở Thủ đô học hành, làm việc ba chị em ở cùng để tiện chăm sóc, bảo ban nhau. Thằng Dũng và cái Hân chỉ thích đặt đồ ăn sẵn. Hở miệng ra là nói Cách mạng công nghiệp 4.0, thích gì cứ đặt, người ta “ship” đến tận nơi. Tôi buộc phải kìm giữ hai em, neo lại với truyền thống được chút nào hay chút đó. Như chịu khó nấu cơm và dạy cái Hân làm những việc đó, kẻo sau này đi lấy chồng… Cái Hân cũng nấu được vài món. Dù là sống xa quê nhưng cũng phải biết nấu những món quê dân dã, hoặc món mẹ thường nấu. Mẹ là người con gái ở miệt sông Thương, về làm dâu gia đình có nền nếp, bên dòng sông Thương, mẹ hiểu không bao giờ được phép lơ là chuyện vun đắp giá trị gia đình. Vun đắp trước hết phải bằng bữa cơm. Tôi từng nói với hai em: “Con gái đi làm dâu thì phải biết nấu nướng. Con trai cũng vậy, lấy vợ vào, lúc vợ nghỉ đẻ, hay ốm đau cũng phải làm sao để đừng bị đói”. Thằng Dũng bĩu môi: “Chị y như mẹ. Lũ trẻ chả cần những điều đó mà. Xưa rồi chị ơi. Ngồi ấn nút, người ta mang đến, rất tiện mà chả phải rửa bát”.
Nhiều lần Dũng nhắc tôi, chị khó tính vừa thôi, đến hai sáu tuổi còn chưa có người yêu. Lời em trai khiến tôi chùng lòng. Cũng yêu đương đấy chứ, nhưng nó cứ vuột trôi theo cách này, cách khác. Hay tôi quá khắt khe với mình? Mấy năm qua hai người con trai ngỏ lời với tôi. Đầu tiên là Tùng. Tôi theo Tùng về quê chơi. Mẹ anh hiền và dễ gần. Nói chuyện với bà tôi thấy ấm áp. Bố anh mất sớm, mình bà nuôi hai anh em ăn học. Tùng là con thứ nên có lẽ được chiều hơn, có lẽ vì thế anh vô tư và có lúc trẻ con. Tôi kém Tùng hai tuổi nhưng suy nghĩ của tôi hơn anh đến hai tuổi. Có lúc đang trò chuyện anh giở điện thoại ra bấm, dán mặt vào các trò vô bổ trên mạng, chuyện thành loãng và khiến tôi hụt hẫng. Tùng có vô tâm quá không? Hay quá trẻ con và thuộc về thế giới khác chứ không phải tôi? Thế rồi tôi lãng ra…
Người thứ hai là Tuấn. Tuấn không đưa tôi về quê sớm như Tùng. Anh thích quán xá, cà phê. Lời nói đôi khi bốc đồng. Giới trẻ gọi là “chém gió”. Có lần Dũng bảo: “Chị cho em đi cà phê với anh Tuấn một hôm”. Vậy là nó đi cùng. Cái Hân cũng muốn đi theo để “nom mặt” người yêu chị. Cả ba “chém gió” thành thần. Nhìn vậy có vẻ hợp nhau. Về phòng, Dũng bĩu môi: “Ông Tuấn này “chém gió” phần phật. Hơi quan ngại”.
Tôi nhìn ra điều đó lắm chứ. Tuấn có khuôn mặt vuông vức, ăn to nói lớn, nhưng hai hàm răng thưa. Ông bà ta bảo không giữ được của. Điều đó cũng đúng phần nào bởi Tuấn có lúc quá phóng túng. Ngay chuyện mua sắm, ăn uống, Tuấn cũng thích được phục vụ. Anh luôn thích ngồi quán hoặc gọi người ta mang đến. Tôi ngược lại. Nên có lúc mâu thuẫn. Tuấn trề môi giễu nhại: “Em y như mẹ anh. Luôn muốn động tay, động chân làm, mà chỉ mua mệt nhọc vào người”. Tôi đấu lại: “Bác gái muốn tự tay làm là vì bác thích tình cảm. Trong mỗi bữa ăn, việc kỳ công chế biến, nâng niu từng món cũng là cách thể hiện tình cảm dành cho gia đình. Anh nên thấy tự hào vì điều đó”. Một cảm giác lao xao, vừa như hụt hẫng, vừa như đắng đót ập vào lòng. Tôi khó tính hay dòng chảy cuộc đời này đang xáo xới, cào vào lòng người ta cái tâm thức tiện lợi, nhưng lại chẳng biết rung cảm trước một cử chỉ ân cần, cách thức nấu một bữa ăn dù giản dị, nhưng là trọn vẹn cảm xúc và tình cảm mà người này dành cho người kia.
Tôi tìm cách chấm dứt với Tuấn. Dẫu sao tình cảm mới chớm nên dễ thoái lui. Nhưng cũng là vết thương trong lòng đứa con gái. Tuấn gặng hỏi nhiều lần vì sao. Vì sao ư? Có những thứ chẳng thể giải thích cặn kẽ. Đơn giản vì không hợp nhau. Tôi không phải cổ hủ. Tôi hợp với những ý nghĩ và cách làm còn neo đậu nền nếp truyền thống. Chứng kiến chuyện của tôi, Dũng vỗ tay. Nó bảo: “Chị nghe lời em dứt khoát cắt đứt anh ấy ư? Tốt nhất là nghe con tim chị”. Với câu nói này, tôi nghĩ Dũng có tí chút chín chắn. Chẳng biết tôi làm đúng hay sai.
Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, được về chăm hoa, chăm rau với mẹ, tìm lại cảm giác thân thương bên gia đình thật ấm cúng. Bao nhiêu năm, bao nhiêu bè bạn, người thân, các mối quan hệ xã hội, tất cả cuồng quay trong dòng chảy mưu sinh chóng vánh đến vô tình. Nay được dịp sống chậm hơn, nhìn nhau kỹ, lo lắng, chăm chút cho nhau nhiều hơn, mới thấy tình cảm, sức khỏe đáng quý hơn mọi thứ vật chất trên đời.
Một lần đi xe máy về quê tôi gặp lại Quân mà tôi quen vài năm trước qua một người bạn nữ. Quân quê ở Nhã Nam. Lần gặp ấy, Quân chẳng để lại ấn tượng gì. Chỉ nói chuyện xã giao. Ai ngờ lại đường đột như sự xui khiến của tạo hóa. Hôm đó tôi rẽ vào đổ xăng, anh nhận ra, gọi. Tôi ngớ ra một lúc rồi mới cất tiếng chào anh. Quân lấy lại số điện thoại, kết bạn facebook rồi làm ấm sự quen biết bằng những tin nhắn chia sẻ trong thời gian giãn cách. Anh hay làm. Mảnh vườn được xới xáo để gieo cải, trồng mồng tơi, mướp đắng. Tôi ở bên này cũng giúp mẹ làm đất, gieo lên đó những hạt mầm hy vọng. Hai bên “báo cáo” nhau từng ngày. Tôi thấy Quân dí dỏm và có vẻ là người thích nấu ăn. Càng trò chuyện tôi càng cảm mến cách anh nói, chăm sóc mẹ, vườn cây và ứng xử với hàng xóm, láng giềng. Anh ở Thủ đô nhiều năm nhưng chất mộc mạc của người Nhã Nam vẫn chẳng vơi phần nào. Quân cũng chẳng phải tuýp người thích đặt đồ ăn sẵn, hay tiêu dùng láo nháo vội vàng. Điều đó hợp với tôi và hợp ý mẹ.
Trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi phải gắng gấp đôi để hoàn thành công việc cơ quan của mỗi người. Điều tôi vui nhất là khi đi bên Quân, tôi có cảm giác được chia sẻ, an toàn. Anh chỉnh chu, cẩn thận và không biết “chém gió”. Anh không chọn cách sống nhanh, sống gấp và lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Thằng Dũng thấy tôi vui khi đi bên anh, nó mừng, nhưng thi thoảng chêm vào vài câu trêu ghẹo: “Chị hí hửng với người yêu. Giờ nở mày nở mặt ra, có lúc lại thành vênh váo”. Tôi đá xoáy: “Cũng là đàn ông, người ta thì biết nấu đủ thứ, còn cậu thì chỉ biết mỗi cắm nồi cơm”. Nó vặc lại: “Biết gì khổ nấy. Em không biết nên có người phục vụ. Sau này em có cưới vợ thì cũng chọn người giống mình”.
Bao nhiêu người trẻ vẫn bao biện cho trào lưu của mình. Phải chăng khi đã quá đủ và công nghệ đang tràn ngập đời sống, nó sẽ khiến trái tim ta thành một cái máy? Tôi bật nhạc, nghe những bản nhạc không lời được chuyển soạn riêng cho ghita. Lòng ấm lại. Tôi chùng mình xuống và lúc ấy nhớ đến Tùng và Tuấn. Hai người đã đặt những nụ hôn đầu tiên lên môi tôi. Tình cảm của tôi với họ chỉ vừa chớm nở đã tàn. Đó là một cái duyên, hay chỉ là có duyên mà chưa có phận. Tôi không giải thích được. Có lúc cảm giác tôi là phận gái nhưng dang tay ra che chở cho người đàn ông. Thì thôi, đành coi đó như những nấc thang của cuộc sống mà ta phải chấp nhận để lớn lên từng ngày. Nay đi với Quân, ập vào tôi là sự ấm áp và tin tưởng.
Quân nhắn tin sẽ đến chơi. Tôi vâng. Lúc anh đến thì việc rửa lá dong cũng hoàn tất. Mẹ tôi vui ra mặt khi có mặt Quân. Anh ngồi xuống gói bánh cùng mẹ, chuyện trò rôm rả. Còn tôi phụ cắt lá. Xem chừng mẹ rất vui. Thằng Dũng ngồi ở bên cạnh gọi điện, livestream cho biết bao nhiêu bạn bè ở xa. Nó còn ví von: “Thời này mà gia đình tớ vẫn hào hứng với chuyện gói bánh. Đúng là mùa xuân cất cánh…”.
Mẹ lườm yêu Dũng: “Thế hệ cu cậu khác quá. Chả biết đong cảm xúc, thưởng thức mùi xuân. Chỉ thích mùi công nghệ. Giờ thanh niên mà gói bánh khéo như anh Quân đây, hiếm lắm”. Mẹ lại thở dài: “Mẹ cứ nghe trên tivi nhắc mãi đến chuyện trí tuệ nhân tạo nó thay thế bộ óc con người. Chẳng phải sau này máy móc cũng đón Tết thay con người hết hay sao!”. Tôi chêm vào: “Mẹ ơi, quan trọng là ở lòng mình. Mình cứ giữ thì chả máy móc nào thay được”. Quân khẳng định: “Đúng đó bác ạ. Máy móc không thể có cảm xúc đón xuân mới như con người”.
Giờ gói bánh chưng xôn xao. Bố tôi chất củi lửa luộc bánh và hồi hộp chờ chín. Quân xin phép đưa tôi đi chùa. Anh cũng đưa tôi về nhà anh chơi. Mẹ anh có nhiều nét tương đồng với mẹ tôi. Không khí chuẩn bị Tết bên gia đình anh giản dị, ấm cúng như bao năm tháng tuổi thơ tôi đã thấy ở miền quê.
Ngày ba mươi làm bữa cơm tất niên, gia đình tôi mỗi người một việc, chế biến, nấu nướng. Thằng Dũng lúc thì tiếp bạn, lúc lại chụp ảnh gia đình nuôi facebook. Chậu bạch mai Quân tặng đang bung nở. Đó là hoa được trồng ở làng hoa mới bên bờ sông. Lúc ngơi tay, tôi nhận được tin nhắn của Quân: “Anh vừa cùng mẹ làm xong mâm cơm tất niên, chờ ông nội và mọi người quây quần…”.
Tôi nhắn lại: “Em cũng vậy. Thật ấm áp. Và em tin…”. Tôi bỏ lửng. Quân nói thêm lời yêu tôi. Má tôi bỗng nóng ran.
Lúc ăn cơm, mẹ nhắc: “Giá mà thằng Quân ở đây vui cùng nhỉ! Con trai gì mà vừa khéo, vừa hiền. Con Hiên mà cưới được nó…”. Mắt mẹ long lanh. Ý chừng mẹ rất hy vọng. Bố cũng vui lây. Chiều ấy ra đê sông Thương, nhìn về làng, về nhà, thấy nồng nàn ấm đượm. Một làn gió mỏng, nhưng ấm, thổi dọc sông, thổi bời bời qua vai. Làn gió quen gắn bó suốt tuổi thơ kỳ diệu, nhắc nhớ và neo giữ lòng tôi với nơi này.