Vào tháng 7, gia đình của Nooria bị tấn công bởi một nhóm người có vũ trang.
Theo lời kể của Nooria trong buổi phỏng vấn với BBC, khoảng 1h sáng, khi ngôi làng nhỏ nằm trong khu vực bất ổn của Afghanistan chìm trong sự tĩnh lặng và đen đặc của màn đêm, toán người đạp tung cửa xông vào nhà cô gái.
Sau khi bị đánh thức bởi tiếng ồn, Nooria nằm im trong phòng ngủ, lo lắng nghĩ về em trai 12 tuổi của mình đang ngủ trong phòng riêng.
Âm thanh tiếp theo mà Nooria nghe được là tiếng đám người kia kéo bố mẹ cô ra khỏi ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi, và rồi kế đó là tiếng súng vang lên.
“Chúng đã hành hình bố mẹ tôi”, cô gái kể lại.
Những phụ nữ sống ở vùng chiến sự như Nooria thường phải học cách bảo vệ bản thân từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: Getty. |
Sinh trưởng trong vùng loạn lạc, thiếu nữ có vẻ ngoài nhút nhát vốn từ nhỏ được cha dạy kỹ thuật bắn súng chuẩn xác để tự vệ, nên đêm đó, thay vì bỏ chạy, Nooria chộp lấy khẩu AK-47 và nổ súng vào những người đàn ông bên ngoài. Cô xả súng cho đến khi gần hết đạn mới ngừng.
|
Những tay súng Taliban thường tổ chức cuộc tập kích nhắm vào khu vực trung gian giữa vùng được kiểm soát bởi chính phủ và lực lượng nổi dậy. Ảnh: Reuters. |
Cuối cùng toán người tấn công gia đình cô phải rút lui vào màn đêm sau khi đột nhập vào ngôi làng trong gần một giờ đồng hồ.
Có năm thi thể nằm bên ngoài nhà Nooria: cha mẹ cô, một người họ hàng sống gần gia đình cô và hai trong số những kẻ đã hành quyết cha mẹ cô.
“Thật kinh khủng và dã man. Cha tôi tàn tật còn mẹ tôi thì vô tội, vậy mà chúng nỡ giết hại họ”, Nooria chua xót.
Lớn lên ở Afghanistan, những thanh thiếu niên như Nooria không biết gì nhiều ngoài chiến tranh. Xung đột diễn ra liên miên trong 25 năm giữa các lực lượng thân chính phủ và các phe phái ủng hộ phong trào Taliban.
Trong khi lực lượng ủng hộ chính phủ kiểm soát hệ thống thành phố và thị trấn, các nhóm Taliban chiếm giữ các khu vực rộng lớn và hẻo lánh. Những ngôi làng như của Nooria thường kẹt ở giữa.
Ở tỉnh Ghor nơi gia đình Nooria sinh sống, những cuộc đột kích của các nhóm chiến binh Taliban lẻ tẻ nhắm vào hệ thống tiền đồn thân chính phủ không phải hiếm.
|
Những khu vực kẹt ở giữa thành phố và nông thôn như tỉnh Ghor nơi Nooria sinh sống thường là vùng giao tranh ác liệt giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban. Ảnh: Getty. |
Nooria và anh trai kế của cô, một sĩ quan quân đội, cho rằng cha họ là mục tiêu hàng đầu của quân nổi dậy bởi ông là trưởng lão có uy tín trong vùng đồng thời là lãnh đạo cộng đồng ủng hộ chính phủ ở khu vực.
Ba tuần sau khi cuộc tấn công xảy ra, những bản tin tường thuật sự vụ đến từ nhiều nguồn có liên quan đã tạo nên những phiên bản hoàn toàn khác nhau của câu chuyện.
Theo một số nguồn cung cấp cho BBC, một trong những tay súng trong nhóm vũ trang đêm đó thực ra là chồng của Nooria, do đó câu chuyện về nữ thiếu niên anh hùng chống lại các chiến binh Taliban thực chất là hậu quả ngoài dự tính của một vụ tranh chấp trong gia đình.
Những phiên bản mang tính xung đột với những gì Nooria kể lại tiết lộ thực tế bi thảm về việc những phụ nữ trẻ ở vùng nông thôn của Afghanistan thường bị kiểm soát bởi chế độ phụ hệ, do đó hầu như không có quyền tự do cá nhân hay quyền được tiếp cận giáo dục, đồng thời bị cuốn vào những vòng xoáy bạo lực.
Yếu tố gây tranh cãi nhất về sự kiện diễn ra trong đêm hôm đó là sự có mặt của những người đàn ông vũ trang và lý do tại sao họ lại đến nhà Mooria. Tuy vậy, tất cả đều nhất trí rằng đã xảy ra vụ tấn công nhằm vào ngôi làng trong rạng sáng hôm đó.
Theo Nooria, đám người lạ mặt tự nhận là “mujahideen” – tên gọi thường được dùng bởi những chiến binh Taliban – và lý do họ đến là vì cha cô.
Taliban phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến cuộc đụng độ với cô gái 15 tuổi. Tuy nhiên, lực lượng này xác nhận có tổ chức cuộc đổ bộ vào ngôi làng của cô vào đêm cùng ngày với mục tiêu là một đồn cảnh sát địa phương. Không có người ch*t, chỉ có hai binh sĩ Taliban bị thương.
Trong khi đó, chính quyền Afghanistan tuyên bố vụ việc trên là chiến thắng lớn trước “cuộc tấn công quy mô” của Taliban và vinh danh Nooria là “anh hùng thực sự”.
Sau khi Nooria và em trai được trực thăng quân sự đưa đến một cứ điểm an toàn ở địa phương, mạng xã hội bùng nổ với câu chuyện về cô gái trẻ dùng súng bắn hạ Kh*ng b* để tự vệ.
Chuyện thường dân được tổng thống khen ngợi vì đánh bại các cuộc tấn công của Taliban không phải hiếm ở Afghanistan, nhưng việc Tổng thống Ashraf Ghani mời Nooria đến thủ đô Kabul đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều.
Một số người coi Nooria là anh hùng thực sự, nhưng một số khác lại cho rằng cô chỉ là đứa trẻ vô tội mắc kẹt giữa hai phe tham chiến – bị một phe tấn công sau đó bị phe còn lại sử dụng làm diễn viên quảng bá hình ảnh.
|
Nooria và em trai được đưa đến thủ đô Kabul bằng trực thăng quân sự. Ảnh: Chính phủ Afghanistan. |
“Tôi thật tình không hiểu nổi tại sao ở đất nước nơi người dân đã chứng kiến quá nhiều sự giết chóc và tàn phá để hiểu được giá trị của sự sống và hòa bình mà bạo lực lại có thể được tôn vinh và ca ngợi như vậy”, một người dùng Twitter bức xúc. “Bạo lực không phải là cách để đáp trả bạo lực!”.
Một người khác lại coi Nooria là “đại diện cho những phụ nữ Afghanistan đã bảo vệ thành công tính mạng của mình”.
“Nhiều nạn nhân Afghanistan đã không thể làm gì để chống trả, chỉ có thể chịu đựng nỗi đau gây ra bởi sự cuồng tín và hiếu chiến của Taliban”, người này chia sẻ.
Tại hiện trường vụ xung đột, cảnh sát địa phương phát hiện chứng minh thư trên thi thể của hai người đàn ông. Các sĩ quan cho biết cả hai đều là những người ủng hộ Taliban.
Được biết, hai người đàn ông nói trên khoảng ngoài 20 tuổi, mặc trang phục truyền thống của Aghanistan với quần ống rộng và áo sơ mi sặc sỡ nhưng thấm đầy máu sau khi bị bắn.
Cũng theo nguồn tin cảnh sát, người đàn ông thứ ba dính đạn của Nooria nhưng may mắn thoát ch*t là Sayed Massoum Kamran, một chỉ huy cấp cao của Taliban.
Những người thân cận với Taliban cho biết chỉ huy của lực lượng này bị cảnh sát nêu tên hiện đã bỏ trốn và quả thực đang dưỡng thương, song không tiết lộ vị trí, thời điểm và lý do ông ta bị thương.
Một tuần sau vụ đột kích, các báo bắt đầu lan truyền thông tin rằng những kẻ tấn công bị bắn hạ không chỉ bao gồm các tay súng không rõ danh tính tham gia vào cuộc xung đột thông thường mà thực tế là chồng của Nooria.
|
Nạn tảo hôn ở Afghanistan là nguyên nhân khiến nhiều em gái ở quốc gia này không được tiếp cận giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ảnh: BBC. |
Họ hàng và nguồn tin địa phương nói với BBC rằng Rahim, chồng của Nooria, đến làng với ý định đòi lại vợ sau khi một xung đột trong gia đình khiến cha Nooria phải đưa cô về nhà.
Những nguồn tin trên cũng cho biết Rahim có quan hệ với lực lượng Taliban địa phương và những tay súng đã đến nhà Nooria đêm hôm xảy ra vụ đột kích.
Người đàn ông mà gia đình Nooria xác nhận là chồng cô là một trong những thi thể được tìm thấy sau khi vụ nổ súng xảy ra. Tuy nhiên, Nooria phủ nhận thông tin cô đã kết hôn.
Một vài người khác cho biết Nooria là một phần của thỏa thuận “mokhi” – hình thức trao đổi thành viên giữa hai gia đình bằng cách gả chéo con gái cho nhau.
Theo đó, Rahim sẽ lấy Nooria làm vợ thứ trong khi cha của cô sẽ kết hôn với cháu gái của Rahim. Tuy nhiên, vì cả hai cô dâu đều còn quá trẻ nên họ thống nhất sẽ đợi vài năm trước khi chính thức kết hôn.
Shafiqa, mẹ của Rahim, hiện sống cùng con dâu trưởng và hai người cháu ở tỉnh Nimruz, Tây Nam Afghanistan, xác nhận rằng con trai bà đã kết hôn với Nooria ba năm trước theo thỏa thuận “mokhi” và đổi lại, cháu gái bà cũng đã gả làm vợ lẽ cho cha của Nooria.
Nhưng khoảng hai năm trước, khi Rahim đang làm việc ở Helmand, cha của Nooria bất ngờ đến nhà và đưa con gái đi, bỏ lại người vợ mới của ông, tức cháu gái của Rahim. Bà Shafiqa cho rằng cuộc trao đổi đã bị hủy bỏ.
Mẹ của Rahim cũng cho biết gia đình bà đã nhờ những người lớn tuổi và có uy tín giúp hàn gắn những rạn nứt giữa hai bên nhưng vô hiệu vì gia đình Rahim nghèo hơn nên hoàn toàn bất lực trong việc ngăn cản cha của Nooria.
|
Hoàng hôn trên thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: BBC. |
Bà xác nhận rằng Rahim đã đến nhà Nooria vào đêm xảy ra vụ tấn công nhưng phủ nhận chuyện con trai bà đến đó với ý định Gi*t người.
“Gia đình họ là những người quyền lực và có ảnh hưởng còn chúng tôi thì gia cảnh bần hàn. Rahim rõ ràng đã không đến đó vào buổi tối chứ không phải là sau nửa đêm. Con tôi đến nhà Nooria theo lời mời của cha cô ấy nhằm giải quyết vấn đề giữa hai bên, thậm chí là tính đến chuyện ly hôn”, bà Shafiqa cho biết.
Mẹ của Rahim cũng phủ nhận chuyện con trai bà là binh sĩ Taliban. Tuy nhiên, lời kể của bà về việc Rahim đến Helmand làm việc khoảng hai năm trước trùng khớp với thời gian cung cấp bởi các nguồn tin Taliban về khoảng thời gian Rahim tham gia vào lực lượng của phong trào này.
“Con trai tôi không phải thành viên của Taliban, nó là công nhân xây dựng. Cả đời Rahim chưa từng đụng đến khẩu súng bao giờ. Chúng tôi là người nghèo nên chẳng ai tin lời tôi nói cả”, bà Shafiqa phân trần.
|
Nhiều thanh niên Afghanistan có liên quan đến phong trào Taliban nhưng người thân không hề hay biết. Ảnh: Sky News. |
Cảnh sát địa phương nơi Nooria sinh sống phủ nhận thông tin cô và Rahim từng kết hôn, đồng thời cho biết cuộc tấn công vào nhà cô gái là cuộc đột kích thường lệ của Taliban. Mục tiêu của Taliban là cha Nooria.
Rất ít người biết điều gì thực sự xảy ra đêm hôm đó: chỉ có Nooria và em trai cùng tay súng bị thương nhưng đã tẩu thoát. Không ai nắm rõ tường tận toàn bộ câu chuyện.
Sau vụ hành quyết kinh hoàng của các tay súng, hàng xóm đã giúp Nooria dựng những ngôi mộ tạm cho cha mẹ cô ở gần nhà.
Cùng lúc đó, chính phủ Afghanistan đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên với Taliban.
Cuộc đàm phán thắp lên hy vọng về viễn cảnh khác ở Afghanistan - viễn cảnh không có bạo lực và chiến tranh, nơi những phụ nữ và trẻ em vô tội như Nooria được bảo vệ về cả thể chất lẫn tinh thần và tạo điều kiện để phát triển một cách toàn diện nhất.
Theo Zing.vn