Khoa học hôm nay

Vắc-xin COVID-19 của Đại học Oxford được kỳ vọng sẽ về đích sớm trong năm nay

Với các kết quả khả quan từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II này, các nhà khoa học sẽ nhanh chóng đưa vắc-xin của mình vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Đây là giai đoạn quyết định của một loại vắc-xin, trong đó các nhà khoa học sẽ phải trả lời một câu hỏi Yes/No: Loại vắc-xin của họ có thực

Đại học Oxford, Anh Quốc mới đây cho biết thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II trên người của một loại vắc-xin COVID-19 do họ phát triển đã cho kết quả rất khả quan. Hơn 500 người tình nguyện đã được tiêm một mũi vắc-xin có tên là ChAdOx1nCoV-19, trong đó có 10 người được tiêm 2 mũi, một mũi nhắc lại sau 28 ngày.

Kết quả cho thấy vắc-xin không tạo ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Có 127 tình nguyện viên đã sản xuất được kháng thể đối với virus SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể ghi nhận được trên tình nguyện viên tiêm vắc-xin tương đương với những bệnh nhân phục hồi sau khi mắc COVID-19.

"Chúng tôi đã thấy phản ứng miễn dịch mạnh nhất xuất hiện trên 10 người tham gia được tiêm 2 mũi vắc-xin", Giáo sư Andrew Pollad đến từ Đại học Oxford cho biết. "Điều đó cho thấy đây có thể là một chiến lược tốt để chủng ngừa [COVID-19]".

Vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 được phát triển bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Oxford, Đại học Philipps và công ty dược phẩm AstraZeneca. Trong đó, họ đã chọn một chiến lược phát triển vắc-xin dựa trên véc-tơ để chống lại căn bệnh COVID-19.

Trong hướng phát triển này, các nhà khoa học sẽ chọn một loại virus lành tính (được gọi là véc-tơ), rồi gắn lên bề mặt của chúng các mảnh nhỏ của virus gây bệnh. Hệ miễn dịch sau đó sẽ nhận diện được virus gây bệnh, trong khi virus lành tính không thể khiến cơ thể chúng ta mắc bệnh.

Đối với ChAdOx1 nCoV-19, virus véc-tơ được chọn là một chủng adenovirus lây nhiễm trên tinh tinh. Virus này có thể khiến những con tinh tinh bị cảm lạnh, nhưng không thể lây bệnh cho con người.

Các nhà khoa học sau đó còn sử dụng một kỹ thuật để ngăn chặn sự nhân lên của chúng trong tế bào người, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho loại vắc-xin mà họ sử dụng. Virus adenovirus sau đó mới được gắn các protein gai của SARS-CoV-2 lên trên bề mặt để đánh lừa hệ miễn dịch nhận diện nó là virus nguy hiểm này.

Trong các thử nghiệm trên động vật trước đó, ChAdOx1 nCoV-19 đã bảo vệ được những con khỉ khỏi bị viêm phổi, sau khi các nhà nghiên cứu tiêm vắc-xin rồi cho chúng phơi nhiễm dưới liều cao của virus SARS-CoV-2.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I/II trên người sau đó được tiến hành từ tháng 4 năm 2020. Trong đó, các nhà khoa học đã tuyển chọn 1.077 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi, 543 người trong số đó được chỉ định ngẫu nhiên để tiêm ChAdOx1 nCoV-19 và 534 người còn lại được tiêm vắc-xin não mô cầu MenACWY để làm nhóm đối chứng.

Trong số những người được tiêm vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19, họ lại chọn ra 10 người để tiêm một mũi nhắc lại sau 28 ngày. Những người tham gia còn lại chỉ được tiêm một liều.

Theo dõi tác dụng phụ, các nhà khoa học nhận thấy vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm đau, cảm thấy sốt, ớn lạnh, đau cơ, nhức đầu và khó chịu. Một số tình nguyện viên cần paracetamol (acetaminophen / Tylenol) để giảm sốt tuy nhiên không có ai gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hơn thế.

Về mặt hiệu quả, cả 127 người tham gia được tiêm vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 đã sản xuất các kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể nằm trong mức ngang với những bệnh nhân COVID-19 sau hồi phục.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành hai xét nghiệm riêng biệt để tìm kiếm các kháng thể trung hòa ở 35 người tham gia. Trong một thử nghiệm, 32 người (tương đương 91%) cho kết quả dương tính với kháng thể trung hòa ở thời điểm 28 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Xét nghiệm còn lại thậm chí cho tỷ lệ 100%.

Kháng thể trung hòa là các kháng thể liên kết và vô hiệu hóa được virus SARS-CoV-2. Trong số 10 người tham gia được tiêm 2 mũi ChAdOx1 nCoV-19, tất cả đều tạo được kháng thể trung hòa thậm chí nồng độ còn có thể cao hơn cả bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19.

Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo rằng ChAdOx1 nCoV-19 gây ra phản ứng tế bào T. Điều đó có nghĩa là nó có thể kích thích các tế bào miễn dịch tiêu diệt các tế bào đã nhiễm virus SARS-CoV-2, chặn đường nhân lên của chúng.

Với các kết quả khả quan từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II này, các nhà khoa học sẽ nhanh chóng đưa vắc-xin của mình vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Đây là giai đoạn quyết định của một loại vắc-xin, trong đó các nhà khoa học sẽ phải trả lời một câu hỏi "Yes/No": Loại vắc-xin của họ có thực sự bảo vệ được tình nguyện viên khỏi COVID-19 hay không?

Dự tính, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của ChAdOx1 nCoV-19 sẽ được thực hiện trên hơn 30.000 tình nguyện viên tại Mỹ, Brazil, Anh và Nam Phi.

Để tối đa hóa các phản ứng miễn dịch, các nhà khoa học cho biết thử nghiệm giai đoạn III sẽ cho phép toàn bộ tình nguyện viên nhận 2 liều ChAdOx1 nCoV-19. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, chúng ta có thể sẽ biết kết quả của thử nghiệm này vào cuối năm nay.

Tham khảo Thenextweb

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/vac-xin-covid-19-cua-dai-hoc-oxford-duoc-ky-vong-se-ve-dich-som-trong-nam-nay-20200727120141611.htm)

Chủ đề liên quan:

Covid 19 vắc xin ZKNIGHT

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY