Kinh tế xã hội hôm nay

Vì sao hóa đơn điện tháng 4 tăng vọt?

Theo lý giải của ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, việc hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao một phần là do trong tháng số ngày nắng nóng nhiều nên lượng điện sử dụng tăng.
Cuối giờ chiều ngày 27/4, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp báo về tình hình hoạt động ngành công thương và thương mại tháng 4/2015. Tại buổi họp báo, câu chuyện về việc hóa đơn tiền điện trong tháng 4 tăng vọt do tác động của đợt điều chỉnh ngày 16/3 vừa qua, đã thu hút được nhiều phóng viên quan tâm.

Bộ Công Thương không thiên vị cho EVN

Ngày 16/3 vừa qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh.

Với biểu giá mới này, biểu giá điện chi tiết được áp dụng với 8 nhóm đối tượng khách hàng. Trong đó, riêng giá bán lẻ điện sinh hoạt có 6 bậc thang tính theo lũy tiến. Cụ thể, đối với bậc 1 (0 - 50 kwh) có đơn giá 1.484 đồng/kwh; bậc 2 (từ 51 - 100 kwh) có đơn giá 1.533 đồng/kWh; bậc 3 (từ 101 - 200 kwh) có đơn giá 1.786 đồng/kwh; bậc 4 (từ 201 - 300 kwh) có đơn giá 2.242 đồng/kwh; bậc 5 (từ 301 - 400 kwh) có đơn giá 2.503 đồng/kWh và bậc 6 áp dụng cho kwh 401 trở lên có đơn giá 2.587 đồng/kwh.

Ngay sau biểu giá điện mới được áp dụng và thực hiện, trong tháng 4 vừa qua, nhiều hộ dân đã không khỏi “ngỡ ngàng” khi hóa đơn tiền bị đẩy lên khá cao. Điều này đặt ra câu hỏi về cách thức tình tiền điện mới của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang làm khó người tiêu dùng?.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương lý giải, hiện nay có đến 18 triệu hộ khách hàng dùng điện, nên EVN không thể chốt công tơ cho tất cả người sử dụng điện vào ngày thay đổi giá. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tất cả số điện dùng trong tháng 4 vừa qua đều được áp mức giá tăng 7,5%, mà EVN tính giá mới theo phương pháp nội suy.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Phúc cho biết, giả sử khách hàng được ghi hóa đơn điện">hóa đơn điện vào ngày 10 hàng tháng, thì hóa đơn tiền điện sẽ được tính từ ngày 16/3 - 10/4 và như vậy sẽ có 5 ngày theo biểu giá cũ, 26 ngày còn lại theo giá mới.

Cụ thể hơn, ông Phúc ví dụ, sản lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình là 500kWh/tháng sẽ được chia đều cho số ngày trong tháng là 31 ngày. Sau đó, 5 ngày sẽ được tính theo giá cũ, 26 ngày còn lại sẽ được tính theo mức giá mới. Biểu giá tính tiền điện hiện nay có 6 bậc và mức tính giá thành điện sẽ được tiếp tục chia thành 6 bậc.

Một nguyên nhân nữa cũng được ông Phúc lý giải cho tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao là, nắng nóng và thiết bị điện được sử dụng nhiều hơn. “ Trong tháng 4 vừa qua, số ngày nắng nóng nhiều nên sử dụng điện tăng. Mặc dù các gia đình đã ý thức được việc tiết kiệm điện, nhưng đây là nhu cầu thiết yếu. Các gia đình phải bật điều hòa, bản thân tủ lạnh phải dùng nhiều hơn, đồ làm lạnh nhiều hơn, động cơ phải hoạt động nhiều hơn”, ông Phúc lý giải.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, không có chuyện biểu giá mới lợi cho ngành điện để người dân phải chịu thiệt. “Khi quyết định điều chỉnh, biểu giá đã được Bộ Công Thương. Mặc dù mức điều chỉnh giá điện này nằm trong quyền hạn của Bộ Công Thương, nhưng Bộ vẫn trình lên Chính phủ và được xem xét kỹ lưỡng, bởi đây là mặt hàng rất nhạy cảm, liên quan đến đời sống người dân”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

EVN sẽ hạn chế mua điện từ Trung Quốc

Cũng liên quan đến tình hình mua điện của Trung Quốc trong thời gian quan đã được phóng viên đặt câu hỏi.

Theo ông Đinh Thế Phúc, điện mua của Trung Quốc tính chung trong tháng 4 chiếm 1,1%. Hiện nay, các nhà máy điện tại khu vực miền Trung đang phải tích cực điều tiết nước, để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp do đó sản lượng điện từ các nhà máy điện có giảm.

Tuy nhiên ông Phúc cũng cho biết, EVN sẽ điều tiết phát điện tăng từ các nhà máy điện phía Bắc, không nhất thiết sẽ phải tăng lượng điện mua từ Trung Quốc trong thời gian tới. “Năm 2015, Việt Nam vẫn mua điện của Trung Quốc, nhưng hạn chế mức tối thiểu trong hợp đồng đã ký giữa hai quốc gia”, ông Phúc khẳng định.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong tháng 4, hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thuỷ điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước cho mùa khô, đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du, mua điện Trung Quốc ở mức hợp lý theo điều kiện tải khu vực và chất lượng điện áp.

Điện sản xuất tháng 4 năm 2015 ước đạt 12,87 tỷ kWh, tăng 11,1% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, điện sản xuất ước đạt 47,3 tỷ kWh, tăng 12,1% trong đó, điện thương phẩm ước đạt 42,57 tỷ kWh, tăng 10,5% so cùng kỳ.

“Khi sản lượng điện tăng có nghĩa là nhu cầu của xã hội, của người tiêu dùng và các ngành sản xuất cũng được đảm bảo, hứa hẹn các chỉ số phát triển tích cực tiếp theo của các ngành công nghiệp và các ngành kinh tế”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Minh Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-vi-sao-hoa-don-dien-thang-4-tang-vot-10605.html)
Từ khóa: hóa đơn điện

Chủ đề liên quan:

hóa đơn điện

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY