EVN cho biết sẽ thực hiện ngay việc giảm giá điện khi có quyết định và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. ẢNH: TL
Bộ Công thương vừa có Báo cáo số 22/BC-BTC trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc giảm giá điện và giảm tiền điện từ tháng 4 - 6/2020 cho các khách hàng sử dụng điện. Dự kiến mức hỗ trợ này sẽ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7/2020.
Cụ thể, đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh sẽ được giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm, với mức giảm 10% so với đơn giá hiện hành.
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, giảm 10% so với đơn giá đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 - bậc 4 (dưới 300kWh/tháng).
Đối với khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, điều chỉnh giá điện giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ này xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng sẽ tiến hành giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Đồng thời, giảm 20% tiền điện cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.
Với các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng.
Việc giảm giá điện trong 3 tháng (4, 5 và 6/2020) của Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đồng thuận, bởi đây là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân bị tác động bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận, một số người cũng nêu các ý kiến xung quanh mức giảm giá điện này.
Chị Đỗ Thị Nga (32 tuổi), giáo viên mầm non một trường tư thục trên địa bàn phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động của trường chị cũng phải dừng lại. Đến nay, chị Nga mới chỉ được tạm ứng lương tháng 1/2020, trong khi đó mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình lại không thể tạm dừng. Vì vậy, chị Nga cho rằng, như gia đình chị thì giảm 10%/hóa đơn điện cũng không đáng bao nhiêu, nên chăng giảm 30% mới hợp lý?
Cùng quan điểm với chị Nga, chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, ở Tân Tiều, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Mức giảm 10% là hơi thấp đối với những lao động thất nghiệp. Người lao động thu nhập thấp, hoặc thất nghiệp rất căn cơ trong việc chi tiêu, đặc biệt là vấn đề điện sinh hoạt. Hóa đơn điện hàng tháng của gia đình tôi không quá 300.000 đồng. Tôi nghĩ là mức này đã rất tiết kiệm. Tuy nhiên, mức giảm tiền điện của gia đình tôi khoảng 30.000 đồng thì số tiền này quá nhỏ, trong chúng tôi bị giảm đến 50% nguồn thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh. ".
Ngày 13/4, trả lời phỏng vấn PV Báo Gia đình & Xã hội, Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, Bộ Công Thương nên xem xét kỹ hơn về mức áp dụng giảm hóa đơn điện. Với mức giảm 10%, những người thu nhập thấp, người nghèo gần như sẽ không "cảm nhận" được gì. Trong khi đó, người khá giả có mức tiêu thụ nhiều hơn thì được giảm thấy rõ. Đơn cử như mức hóa đơn 5 triệu đồng thì thấy rõ mức giảm 500.000 đồng; còn hóa đơn 300.000 đồng chỉ được giảm 30.000 đồng.
TS Đinh Thế Hiển cho biết: "Với điện sinh hoạt cơ bản, tôi cho rằng mức giảm này chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng người dùng. Quan điểm của tôi là nên áp dụng mức giảm theo lũy tiến với hóa đơn điện sinh hoạt cơ bản từ mức 2 triệu đồng trở xuống. Ví dụ, miễn 100% tiền điện với hóa đơn dưới 200.000 đồng/tháng/hộ gia đình; giảm 50% đối với hóa đơn điện dưới 500.000 đồng; giảm 30% với hóa đơn từ 500.000 - 1 triệu đồng; giảm 20% cho hóa đơn từ 1-2 triệu đồng và không giảm đối với hóa đơn trên 2 triệu đồng".
Theo TS Đinh Thế Hiển, qua những hóa đơn điện có thể thấy được đâu là gia đình khá giả và gia đình thu nhập thấp. Theo ông, đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất là tầng lớp công nhân, người thất nghiệp, hoặc thu nhập bị giảm do dịch COVID-19. Thực tế, những gia đình thu nhập thấp thường sử dụng điện, nước rất tiết kiệm. Với mức giảm lũy tiến trên, những người thất nghiệp, thu nhập thấp có thể sử dụng mức hỗ trợ này bù vào mức thu nhập bị hụt để lo cho cuộc sống, sinh hoạt.
Nước ta đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, nhất là các tỉnh phía Nam, cùng với việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng chống dịch, khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt gia tăng. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo khách hàng tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đặt điều hòa nhiệt độ làm mát từ 26 độ C trở lên… Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên để không khí lưu thông, thoáng mát, vừa giúp tiết kiệm điện, vừa giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn hạn chế dịch bệnh lây lan.
Chủ đề liên quan:
3 tháng bộ công thương điện sinh hoạt giá điện giá điện sinh hoạt giảm giá giảm giá điện hỗ trợ người dân hóa đơn điện phương án thương xã hội