Khoa học hôm nay

Việt Nam gắn sao cho các trường đại học châu Á

MangYTe - Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục do Việt Nam phát triển mang tên University Performance Metrics đã được công bố tại ĐH Quốc gia Hà Nội sáng 18-8.

ĐH Quốc gia Hà Nội và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về "Đối sánh chất lượng giáo dục đại học" và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên "University Performance Metrics" - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hệ thống xếp hạng các trường ĐH trong nước và trong khu vực châu Á. UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì. 

Hiện nay, top 1.000 ĐH thế giới chiếm khoảng 3%. UPM quan tâm đến 97% các trường còn lại (gồm hơn 28.000 trường ĐH) của Việt Nam và khu vực. Hệ thống UPM nhằm giúp các cơ sở giáo dục ĐH xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của ĐH châu Á.

Hệ thống UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường ĐH có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. 

Các trường ĐH (đặc biệt là các ĐH định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế. 

Các ĐH 4 sao là các trường có uy tín trong nước và khu vực. Các trường ĐH 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trong đổi sinh viên trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tạo ra hệ thống xếp hạng các trường ĐH trong nước và khu vực châu Á - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Phát biểu tại hội thảo Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, việc xây dựng và vận hành hệ thống như bộ chỉ số UPM có rất nhiều ý nghĩa. 

"Trước hết, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục ĐH quốc gia, cũng như các cơ sở giáo dục ĐH trong nước và trong khu vực. Các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác.

Người học có được những thông tin chính xác về các trường ĐH để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, cho biết: "Tham gia đánh giá qua hệ thống UPM, trường có được bức tranh toàn diện về tất cả các mặt hoạt động, thấy rõ được điểm mạnh và những mặt hạn chế cần cải tiến, hoàn thiện trong hệ thống quản trị, trong tổ chức, quản lý triển khai của trường. 

Đồng thời thể hiện được sự cam kết và minh bạch về chất lượng đào tạo của trường, tạo sự tin tưởng cho người học và nhà tuyển dụng".

UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), Công nghệ thông tin và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).

Lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng lĩnh vực đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy, UPM vừa giúp nhận diện tổng thể vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của cơ sở giáo dục ĐH.

3 trường đại học Việt Nam và 1 trường đại học Thái Lan đạt tiêu chuẩn 5 sao

Hiện có gần 40 trường đại học Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng.

Theo kết quả ban đầu, các cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn 5 sao bao gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kasetsar (Thái Lan).

Nhóm cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm: Trường ĐH Y-Dược (ĐH Huế), Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Thủy Lợi, Trường ĐH Mỏ-Địa chất, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Phenika và ĐH Burapha (Thái Lan) và ĐH Malang (Indonesia). Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Huế là trường ĐH khối khoa học xã hội đầu tiên đánh giá theo định hướng nghiên cứu đạt chuẩn 3 sao.

Theo định hướng ứng dụng, đạt chuẩn 4 sao có các trường: Trường ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH West Visayas (Philippines).

Nhóm 3 sao có: Trường ĐH Thành Đô, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Phan Thiết, ĐH Centro Escalar.

ĐH Quốc gia Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng đại học Việt Nam

TTO - Hệ thống xếp hạng giáo dục đại học (ĐH) quốc tế uniRank ™ vừa công bố Bảng xếp hạng 67 trường đại học tại Việt Nam năm 2018.

NGỌC DIỆP

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/viet-nam-gan-sao-cho-cac-truong-dai-hoc-chau-a-20200818091614737.htm)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY