Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Virus viêm gan B tấn công và gây bệnh trên cơ thể người như thế nào?

Virus viêm gan B được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Bởi, nó gây rối loạn về gan nhưng hầu như người bệnh không hề có triệu chứng rõ ràng, lâu ngày dẫn tới tổn thương gan và nguy cơ ung thư gan.

Theo thống kê, những người mắc viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn đến 15-20 lần so với người không mắc viêm gan B.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2010-2016 trong số gần 25.000 ca mắc ung thư gan, thì có đến 2/3 số trường hợp có nhiễm virus viêm gan B. Hiện, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B của người Việt chiếm 8-20%.

Giải mã vì sao viêm gan B được gọi tên là sát thủ thầm lặng

Gan nằm ở phía bên phải trong ổ bụng, đằng sau các xương sườn, cân nặng khoảng 1,2-1,3kg và kích thước cỡ chừng quả bóng. Đây là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiều chức năng thiết yếu cho cơ thể như:

  • Đào thải độc tố: Những độc tố tan trong mỡ sẽ được tế bào gan phân giải thành những chất ít nguy hiểm hơn hoặc dễ tan trong nước hơn. Khi phát hiện chất độc hoặc chất nào không có ích, nó sẽ biến chúng thành thứ không gây hại cho cơ thể hoặc cô lập, thải ra ngoài qua đường thận và ruột.

  • Lưu trữ các chất: Gan được xem là kho tích trữ nhiều loại khoáng chất và vitamin như A, D, E, B12 cho cơ thể. Thời gian các vitamin tồn tại “dự phòng” trong gan có thể đến vài năm.

  • Chuyển hóa: Gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hóa chúng thành glucose khi cơ thể cần để hấp thu vào máu, cân bằng lượng đường huyết, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động.

  • Hấp thu và chuyển hóa bilirubin: Bilirubin được hình thành từ sự phân hủy của hemoglobin- một loại phân tử protein có trong hồng cầu, có nhiệm vụ vận chuyển oxy và tạo sắc tố đỏ cho hồng cầu. Chất sắt giải phóng từ hemoglobin được lưu trữ trong gan hoặc tủy xương. Tủy xương sẽ sử dụng các chất sắt này để tạo ra các tế bào máu thế hệ tiếp theo.

Viêm gan B được mệnh danh là sát thủ thầm lặng vì bệnh hầu như không hề có triệu chứng rõ ràng

Trong trường hợp bị virus viêm gan B tấn công, gan không còn đảm bảo được các chức năng này nữa. Theo các chuyên gia, 90% người bị viêm gan B không biết mình mắc bệnh. Nguyên nhân là do bệnh tiến triển lặng lẽ, âm thầm, ban đầu hầu như không có triệu chứng gì, chỉ có thể phát hiện thông qua các xét nghiệm máu. Nếu virus phát triển đến lúc xuất hiện dấu hiệu, bệnh đã bước vào giai đoạn muộn.

Hành trình lặng lẽ của virus viêm gan B

Khi virus viêm gan B đến được gan, chúng sẽ xâm nhập vào các tế bào gan và lợi dụng chính các vật chất bên trong tế bào chủ để liên tục tạo ra các bản sao. Khi phát hiện sự xâm nhập của virus, cơ thể sẽ gửi tế bào miễn dịch đến tấn công các tế bào gan đã bị nhiễm virus. Việc này khiến các tế bào gan nhiễm virus bị viêm và chết đi. Qua thời gian, tại các tế bào gan bị chết, các mô sẹo sẽ được hình thành. Điều này khiến chức năng gan bị ảnh hưởng.

Khi mắc viêm gan B, nếu không được chữa trị, bệnh có thể diễn tiến nặng thành suy gan. xơ gan hoặc ung thư gan

Khi mắc viêm gan B, nhiều trường hợp cơ thể có thể tự đào thải virus và khả năng tự khỏi là 75-90%. Nếu sau 6 tháng điều trị kể từ khi phát hiện mắc bệnh, cơ thể không thải được virus thì người bệnh đã bước vào giai đoạn viêm gan B mạn tính, cần được bác sĩ theo dõi và điều trị. Nếu không được điều trị hoặc không tuân theo điều trị, bệnh sẽ có khuynh hướng trầm trọng hơn dẫn đến các biến chứng sau:

  • Suy gan cấp: Là tình trạng tổn thương tế bào gan do virus tấn công liên tục, dẫn đến tình trạng cấp tính như bệnh lý não gan, suy đa tạng, rối loạn đông máu. Nếu không được điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

  • Xơ gan: Virus HBV tấn công khiến tế bào gan bị viêm, mô gan bị tổn thương và dần thay thế bằng các tổ chức xơ và làm xơ hóa lá gan.

  • Bệnh não do gan: Khi mắc bệnh này, người bệnh thường cảm thấy khó chịu, trạng thái tâm thần không ổn định bứt rứt, khó ngủ, mất định hướng về không gian và thời gian. Thậm chí còn có thể bị rối loạn tâm thần cấp tính, mê sảng rồi hôn mê sâu.

  • Ung thư gan: Người mắc viêm gan B mạn tính, có khả năng bị ung thư gan gấp 20 lần so với người không mắc bệnh, nguy cơ tử vong rất cao.

Những phương pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B hiệu quả

Để chủ động giảm nguy cơ viêm gan B và chuyển hóa viêm gan B thành các biến chứng nguy hiểm khác, bạn nên trang bị cho mình những việc sau: Khám bệnh định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để tầm soát các viêm gan B và tiêm vaccine phòng viêm gan B. Ngoài ra, bạn nên tuân thủ 5 cách phòng tránh sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

  • Không dùng chung bàn chải, dao cạo râu, hoặc dụng cụ có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người khác.

  • Băng ngay các vết thương tránh tiếp xúc với máu của người khác.

  • Không chạm vào máu hoặc dịch tiết của bất kỳ người nào mà không dùng dụng cụ bảo hộ.

  • Trẻ em có mẹ mắc bệnh viêm gan B, khi sinh ra đều được chủng ngừa ngay.

Tiêm vaccine là một trong những phương pháp phòng ngừa viêm gan B hiệu quả

Cuối cùng, khi phát hiện có những triệu chứng: mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da nhẹ... bạn nên tới khoa gan mật để được thăm khám. Vì đó có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn mắc virus viêm gan B mạn tính.

My Lê

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/virus-viem-gan-b-tan-cong-va-gay-benh-tren-co-the-nguoi-nhu-the-nao-29641/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY