Thêm vào đó, rất nhiều vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ lan truyền trên mạng khiến bố mẹ có cái nhìn cảnh giác hơn với giáo viên mầm non. Để có thể cho trẻ môi trường giáo dục tốt nhất, việc bố mẹ và cô giáo của con có một mối quan hệ tốt, thông cảm và hiểu nhau vô cùng quan trọng. Có những điều các cô chưa bao giờ nói, nhưng rất mong bố mẹ có thể hiểu, đó là….
Làm giáo viên mầm non rất mệt, các cô phải chăm sóc nhiều trẻ một lúc, bắt đầu công việc từ 7h sáng, đến trước để chuẩn bị đón trẻ và kết thúc lúc 6h, sau khi tất cả trẻ đã ra về. Trường nào có tạp vụ còn đỡ, trường nào không thì cô còn phụ trách dọn dẹp lớp và cả trường, vệ sinh đồ chơi và vô số những việc không tên khác ngoài việc chăm sóc trẻ trên lớp.
Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn chịu áp lực rất lớn từ các phụ huynh, mỗi người một kì vọng khác nhau: con có ăn đủ không, con có được chơi nhiều không, tại sao con lại bị xước…. Các bé lại có những thời kì khủng hoảng, mè nheo khác nhau…
Vì thế, đơn giản như mỗi buổi sáng hãy chào các cô và mỉm cười khi các cô đón con. Nhiều phụ huynh mỗi sáng đưa con đến trường rồi quay đi mà không hề cười hay chào cô giáo một câu. Và buổi chiều, hãy mỉm cười và hỏi han cô khi đón con. Chỉ những việc đơn giản như vậy cũng đã tiếp thêm động lực cho các cô rồi.
Trừ khi bé có vấn đề đặc biệt về ăn uống hay dị ứng khiến bạn phải gửi thức ăn riêng cho bé, bình thường đừng gửi sữa bột, nước cam hay bất kì món ăn nào cho bé ở trường. Bởi vì các cô sẽ mất thêm thời gian để pha chế, chuẩn bị đồ ăn riêng cho bé, chưa kể đến việc có thể bé sẽ cảm thấy mình khác biệt so với các bạn, ăn chế độ ăn riêng. Hãy để bé hòa đồng và làm quen với đồ ăn ở trường.
Với đồ chơi, khi mang đến lớp có thể khiến trẻ xao nhãng, thậm chí là các trẻ trong lớp cũng sẽ tranh nhau món đồ chơi đó, chỉ vì nó mới lạ. Vì thế, hãy để trẻ chơi đùa với đồ chơi và các hoạt động ở lớp.
Đối với bạn, con là tất cả, là trung tâm của vũ trụ. Nhưng đối với cô, một mình phải phụ trách rất nhiều trẻ. Vì thế có thể đôi khi có sơ suất, chưa kịp thay quần khi trẻ tè dầm, mải trông bạn này để hai bạn giằng nhau…. Những sơ suất nhỏ như vậy, các cô rất mong bố mẹ không quá khắt khe và chỉ trích.
Bên cạnh đó, ngoại trừ bé có vấn đề đặc biệt về sức khỏe và tâm lí cần lưu ý, ngoài ra đừng ép cô phải tuân theo những thói quen hay có sự chăm sóc riêng với bé nhà bạn như phải tết tóc chứ không được buộc tóc, phải ru con ngủ…. Những việc nhỏ nhặt như thế nhưng sẽ tạo thêm rất nhiều áp lực cho các cô.
Cho dù các cô giáo có tập trung làm việc đến mức nào cũng không thể đảm bảo trẻ không bị thương trong suốt quá trình đi học. Trẻ rất hiếu động và kĩ năng vận động thô còn kém nên sẽ dễ dàng bị vấp ngã, bị thương. Ở trẻ, kĩ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc còn kém nên có thể sẽ đánh nhau bất chợt lúc cô giáo đang mải trông bạn khác. Cách tốt nhất để ngăn ngừa T*i n*n là bắt trẻ ngồi một chỗ và hạn chế hoạt động, đó là điều bạn không hề mong muốn. Vì thế, để khuyến khích sự phát triển của trẻ, phải để chúng tiếp xúc với những rủi ro, phải để trẻ khám phá và bị thương đôi khi là một phần của quá trình đó. Nên hãy bình tĩnh và đừng khắt khe với cô nếu khi bạn đón con con bị xước xác, quần áo xộc xệch, mồ hôi hay lấm bẩn. Bởi nếu bạn muốn đón một đứa trẻ sạch sẽ thơm tho, có thể cô sẽ không dám cho con vui chơi, vận động mà chỉ được ngồi một chỗ.
Và tương tự như vậy, khi con trẻ bảo chúng không muốn đi học hay nói có vấn đề gì đó ở trường, hãy bình tĩnh hỏi chuyện con và quan sát trước khi bạn muốn lên tiếng nói chuyện với cô. Bởi vì khả năng diễn đạt của trẻ chưa hoàn thiện nên có thể có những vấn đề nói không rõ ràng khiến bạn hiểu sai. Vì thế, hãy quan sát trước và nhẹ nhàng trò chuyện với cô về những lo lắng của mình. Việc để trẻ chứng kiến bố mẹ “lên lớp” với cô giáo không phải là chuyện nên làm. Nếu bạn cảm thấy có vấn đề, hãy giải quyết bằng việc chuyển trường hoặc phương án khác, nhưng tuyệt đối không nên lớn tiếng với cô giáo, ít nhất là trước mặt con.
Câu nói mà các cô giáo mầm non muốn nghe nhất từ phụ huynh là: “Cô không cần ép bé ăn, bé ăn được bao nhiêu là tùy bé” nhưng rất hiếm khi được nghe. Lịch trình ở một trường mầm non với 5 bữa ăn một ngày, chiếm khá nhiều thời gian. Và rất nhiều bố mẹ tạo áp lực cho các cô về chuyện ăn uống, hôm nay con ăn bao nhiêu, có hết bát không… dẫn đến việc các cô phải ép con ăn. Rất nhiều trường hợp các cô căng thẳng, áp lực và dùng bạo lực với trẻ chỉ vì áp lực ăn.
Camera thực sự không phải là một ý kiến hay trong trường mầm non. Bởi vì, những gì bạn nhìn thấy qua camera đôi khi không phản ánh đúng vấn đề. Và bạn cũng có thể chủ quan chỉ vì những gì nhìn thấy trên camera. Vì thế, nếu phát hiện ra một bất thường khi xem camera, hãy bình tĩnh xem xét và nói chuyện với cô giáo trước khi gọi điện hay đến trường và lên tiếng về những gì bạn nhìn thấy.
Bên cạnh đó, đừng kì vọng hay yêu cầu trường up thật nhiều ảnh bé lên dù bạn muốn biết con ở trường học và sinh hoạt thế nào. Vì nếu phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để sắp xếp và chụp những tấm hình long lanh thì cô còn thời gian hoạt động và chơi với con không, các con có còn được tự do chơi thoải mái không? Hãy tin vào trực giác và quan sát của bạn hơn là những tấm ảnh và camera.
Váy vóc và quần bò, quần bó, áo sơ mi… không phải là những trang phục phù hợp để đi học. Vì bé cần hoạt động rất nhiều trong ngày, không hớ hênh thì cũng sẽ không thoải mái vận động với những trang phục đó. Tốt nhất là những bộ quần áo cotton thoải mái để bé có thể thoải mái vận động cả ngày ở trường.
Hầu hết cha mẹ đánh giá thấp những việc trẻ có thể làm. Ở trường, bé có thể cho ba lô vào tủ, cởi giày cho lên giá, thu dọn đồ của mình sau khi kết thúc buổi học. Bố mẹ cũng nên yêu cầu và kì vọng bé sẽ làm những việc này ở nhà.
Trẻ học hỏi qua thực hành, làm sai và thử lại. Hãy cho bé cơ hội để làm thay vì nhảy vào và làm hộ bé. Ở lớp các cô rất khó khăn để xây dựng tính tự lập cho bé nên rất cần sự hỗ trợ từ gia đình.
Có rất nhiều hành động không bao giờ xảy ra ở nhà mà trẻ chỉ thể hiện nó ở trường bởi vì môi trường ở trường khác ở nhà: đó là một môi trường xã hội rộng hơn với nhiều mối quan hệ hơn. Do đó, hành động của trẻ ở trường có thể khác hẳn ở nhà. Và có những hành động bình thường ở nhà bố mẹ xem là chấp nhận được nhưng ở lớp thì hành động đó có thể sẽ ảnh hưởng đến cả lớp, hậu quả lớn hơn ở nhà rất nhiều. Vì thế, hãy bình tĩnh khi cô giáo thông báo với bạn một hành động nào đó của bé khác hẳn với suy nghĩ của bạn bình thường về bé ở nhà hay một hành động mà bạn nghĩ là “không thành vấn đề”.
Nhiều bố mẹ cho rằng chỉ cần cho bé học ở trường, tìm một trường thật tốt, thật nhiều tiền cho con vào học là đủ. Nhưng dù trường tốt đến đâu, vai trò và giáo dục gia đình cũng vô cùng quan trọng và không bao giờ kết thúc. Hãy tiếp tục dạy bé và đừng phụ thuộc vào cô giáo và việc học ở trường. Khi bố mẹ phối hợp với các cô, việc dạy trẻ trên lớp cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, hãy chịu khó theo dõi những thông báo của trường và phối hợp với các cô trong những hoạt động, ví dụ như cần mang món đồ nào đến lớp, cần bé mặc trang phục đặc biệt nào đó để chuẩn bị cho hoạt động ở trường. Nếu bé có vấn đề hay biểu hiện nào đó đặc biệt bạn cũng nên thông báo với các cô để các cô có thể điều chỉnh hoạt động ở trường tốt hơn.
Cuối cùng, chúng mình chỉ muốn nhắn nhủ với bố mẹ một điều thôi, khi tìm trường cho con, hãy nói chuyện và hiểu giáo viên của con. Sau đó, hãy dùng sự tin tưởng và tình cảm trong mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên, đó là điều tốt nhất cho trẻ. Các cô giáo cũng có rất nhiều áp lực và rất cần sự chia sẻ, bao dung của bố mẹ.