Các bước làm
Chuẩn bị nguyên liệu
Mì ăn liền là món ăn yêu thích của rất nhiều người vì tính tiện dụng cũng như hương vị hấp dẫn. Thế nhưng nhiều người lo ngại ăn mì gói sẽ không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu như khi nấu mì ăn liền chúng ta sử dụng các loại gia vị của riêng mình và kết hợp đa dạng thực phẩm như ăn kèm với các loại rau, thịt thì món mì sẽ trở nên đầy đủ dinh dưỡng hơn.
Dưới đây là gợi ý vài cách chế biến mì ăn liền tốt cho sức khỏe các chị em có thể tham khảo nhé!
1
- 2 gói mì ăn liền, 150g thịt băm, 1/8 cây bắp cải, 1/2 củ hành tây, 1/3 đầu hành lá, 2 quả trứng, 1 thìa ớt bột, 15ml nước tương, 15ml dầu ăn, gia vị nêm nếm vừa ăn.
- Bắp cải thái sợi, hành tây thái lát, đầu hành lá thái nhỏ. Đun nóng chút dầu ăn trong chảo, cho thịt băm vào xào sơ qua sau đó đổ bắp cải, hành tây vào xào cho chín mềm.
- Thêm ớt bột và nước tương vào đảo chung. Đổ 1,5 lít nước vào nồi đun sôi.
- Cho mì và nêm nếm gia vị theo ý thích rồi đun sôi khoảng 4 phút. Cuối cùng thêm đầu hành và đập trứng vào là xong.
Muốn ăn mì nấu mà sợ nóng và không tốt cho sức khỏe thì bạn hãy kết hợp mì với thịt, rau, trứng nhé! Cách nấu đơn giản nhưng món mì lại vừa ngon và đủ chất.
2
- 200g bắp cải trắng, 200g bắp cải tím, 1 củ cà rốt, 1 gói mì ăn liền, hành, ớt trái, bơ nhạt, hạt mè, đậu phộng, dầu mè, tiêu, tỏi, nước tương, dấm gạo, mật ong, chanh.
- Băm nhuyễn 3 tép tỏi để pha nước trộn. Pha 1 thìa nước tương, dấm gạo, nước cốt chanh, dầu mè, mật ong, nhúm nhỏ muối và tiêu xay vào. Trộn đều tất cả, sau đó cho 1 thìa dầu olive vào sau cùng.
- Rửa sạch và thái sợi hai loại bắp cải, cà rốt. Rửa sạch và thái nhỏ hành lá, ớt trái.
- Làm nóng chảo trên bếp, cho vào 1 thìa cà phê bơ, đun đến khi bơ tan chảy. Khi bơ đã tan chảy, vò nát sợi mì gói khô và cho vào chảo rang chín giòn cùng với hạt mè và đậu phộng bóc vỏ.
- Khi mì đã được rang thơm và giòn thì tắt bếp. Cho hỗn hợp rau đã thái sợi ở trên vào bát lớn cùng mì vừa rang, thêm nước sốt và trộn đều.
Mì trộn rau củ trộn tươi ngon, mát rượi ăn cùng với nước sốt chua ngọt là hết ý. Đây là một món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng.
3
- 1 gói mì ăn liền, 1 quả dưa chuột, 1 củ cà rốt, 2 quả ớt đỏ, 4 - 5 con tôm sú, 1 củ hành tây, 1 quả chanh, vài quả cà chua bi, rau mùi, cần tây.
- Gia vị trộn: 4 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 2 thìa tỏi băm, 1/2 thìa nước cốt chanh, 3 thìa ớt đỏ xắt nhỏ.
- Mì ăn liền trụng chín với nước sôi rồi vớt ra.
- Tôm bóc vỏ, bỏ đầu rồi đem luộc sơ trong nồi nước có thả ít muối. Ngay khi thấy thịt tôm chuyển màu thì vớt tôm ra đĩa.
- Dưa chuột gọt đầu, xoa nhựa rồi bổ làm tư. Cắt bỏ phần ruột mềm ở giữa rồi cắt lát mỏng.
- Cà chua bổ làm tư. Cà rốt thái sợi mỏng. Hành lá thái nhỏ. Hành tây thái mỏng, đem ngâm trong nước đá cho bớt hăng. Ớt bỏ hạt, bằm nhỏ. Rau mùi thái nhỏ.
- Chuẩn bị một bát con, cho tất cả các nguyên liệu gia vị trộn vào trộn đều.
- Gắp mì ra đĩa sâu lòng, xếp thêm tôm, dưa chuột, cà rốt, cà chua, hành tây và rau thơm lên trên mặt. Phần nước trộn mì có thể để riêng ra bát hoặc rưới lên trên mặt tùy ý.
Món mì trộn kiểu Thái có vị chua thơm nhè nhẹ của nước cốt chanh và cay nồng nước mắm tỏi ớt. Với dưa chuột, cà chua, chanh tươi hay tôm nõn, những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng lại hỗ trợ tốt cho việc giảm cân, bạn hoàn toàn yên tâm có thể ăn mì mà không lo tăng cân nhé!
Mì ăn liền có thành phần chính là bột lúa mì, được xếp vào nhóm cung cấp chất đường bột như các loại thực phẩm khác như bún, cơm, phở, bánh mì… Trung bình một gói mì ăn liền khoảng 75g sẽ cung cấp cho cơ thể 300 - 350kcl – tương đương 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành. Theo đó, mì ăn liền có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể là chính.
Chủ đề liên quan:
chế biến mì ăn liền