Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

3 cách tự kiểm tra tình trạng cột sống thắt lưng tại nhà, bác sĩ nhắc nhở người trẻ lười vận động dễ mắc bệnh nhất

Khoảng 10 năm trước, thoát vị đĩa đệm thường chỉ xảy ra ở người trên 40 tuổi. Nhưng do đặc thù công việc, thói quen sinh hoạt khiến bệnh này trẻ hóa nhanh chóng, trở thành căn bệnh phổ biến ở người trẻ tuổi ngày nay.

Bệnh thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với biến chứng khó lường. Số lượng bệnh nhân phải điều trị bệnh này phổ biến ở lứa tuổi từ 25 - 30 và chiếm đa số là bệnh lý về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, sau đó đến thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới, cứ 10 người thì có 8 người bị đau thắt lưng ít nhất 1 lần trong đời. Tại Mỹ, có 15 - 20% người dân đến phòng khám vì đau thắt lưng mỗi năm và người trẻ chiếm phần lớn.

Đĩa đệm thắt lưng được cấu tạo bởi 3 phần: nhân tủy, nhân xơ và đĩa sụn. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là sự vỡ của bao xơ do lão hóa, chấn thương hoặc căng thẳng mãn tính lâu dài của đĩa đệm cột sống thắt lưng, chèn ép các dây thần kinh dẫn đến đau đớn và các biến chứng khác. Năm nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh này bao gồm:

- Nhân viên văn phòng hoặc người phải ngồi lâu liên tục trên 6 giờ mỗi ngày. Những người ngồi sai tư thế, thường ngủ gục ngay trên bàn.

- Người có công việc đặc thù phải đứng hoặc ngồi nhiều, ít có sự thay đổi tư thế trong quá trình làm việc như lễ tân, sinh viên, tài xế, thợ may…

- Nhóm người lao động phổ thông làm việc vất vả, thường xuyên khuân vác nặng nhọc hoặc bê vật nặng không đúng tư thế.

- Người có thói quen sinh hoạt không khoa học như: đeo túi nặng lệch vai, ngồi vắt chéo chân, gối đầu quá cao khi ngủ…

- Người thừa cân, béo phì khiến cột sống chịu nhiều áp lực, đĩa đệm nhanh bị tổn thương.

Tuy nhiên, rất nhiều người trẻ chủ quan, xem nhẹ bệnh dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy giảm chức năng, khó vận động, teo cơ, tàn phế, thậm chí là nằm liệt giường.

Nhưng cũng không ít người thực sự chưa đủ nhận thức về triệu chứng phát hiện bệnh, hoặc không có thời gian đến bệnh viện kiểm tra kịp thời, vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng 3 phương pháp tự kiểm tra sau:

1. Kiểm tra qua độ cao của chân

Đây là bài kiểm tra chức năng cột sống thắt lưng cơ bản, được áp dụng trong cả Đông và Tây y, bạn có thể tự làm 1 mình hoặc nhờ người hỗ trợ.

Đầu tiên hãy nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng, sau đó từ từ tự nâng hoặc nhờ người khác nâng 1 chân lên cao không quá 60 độ. Lưu ý, lúc này cả 2 chân vẫn phải duỗi thẳng, không gập gối.

Nếu bạn cảm thấy đau lưng, đau mông, đau chân rõ rệt khi nâng chân lên 1 chút hoặc trước khi đưa lên 60 độ thì đó có thể là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

2. Kiểm tra qua việc duỗi chân

Bạn hãy nằm ngửa trên giường hoặc trên mặt sàn phẳng, nhờ 1 người nắm lấy phần cổ chân và kéo từ từ về phía đối diện.

Nếu bạn thấy xuất hiện cảm giác đau ở phần cẳng chân thì đó chính là một trong những dấu hiệu ban đầu bệnh thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, hãy sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

3. Kiểm tra lực kéo dây thần kinh đùi

Bài kiểm tra này được cho là phức tạp nhất trong 3 bài và nên có 1 người hỗ trợ để có độ chính xác cao hơn.

Người cần kiểm tra sẽ nằm sấp trên giường,1 chân duỗi thẳng, nâng bắp chân còn lại lên 90 độ so với đùi. Lúc này, người hỗ trợ nắm cổ chân đang gập và từ từ nâng đùi có người cần kiểm tra lên cao ít nhất là 10cm so với mặt phẳng hoặc giường.

Cần lưu ý, người nằm phải duỗi thẳng chân còn lại, giữ thăng bằng toàn thân trong khi kiểm tra. Nếu có cảm giác đau lan tỏa ở mặt trước của đùi, có thể cho thấy đĩa đệm cột sống thắt lưng đã có vấn đề.

Để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, muốn xác định chính xác thì vẫn cần điều tra bệnh sử chi tiết, làm các xét nghiệm kiểm tra, chụp X-quang, CT hoặc MRI. Vì vậy, tốt nhất là hạn chế ngồi lì 1 chỗ thời gian dài, điều chỉnh tư thế ngủ, ngồi hay làm việc, thường xuyên tập thể thao và đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường.

Lăng Khuê

Nguồn và ảnh: Sohu, WHO, SundayMore

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/song-khoe/3-cach-tu-kiem-tra-tinh-trang-cot-song-that-lung-tai-nha-bac-si-nhac-nho-nguoi-tre-luoi-van-dong-de-mac-benh-nhat-2021091014595423.htm)
Từ khóa: sống khỏe

Chủ đề liên quan:

sống khỏe

Tin cùng nội dung

  • Không bao giờ quá muộn khi bạn tìm cách thay đổi cuộc sống để tăng thêm cơ hội sống tốt và sống khỏe.
  • Cuộc sống hiện đại càng cần chú trọng vận động thường xuyên. Đi bộ là một trong những cách tập (vận động) đơn giản nhất...
  • Mẹo làm đẹp xin giới thiệu cùng các bạn 6 phép dưỡng sinh của người Nhật để bạn tham khảo cho mình những bí quyết để có thể sống khỏe, trẻ lâu.
  • Một số gợi ý nhỏ có thể giúp bạn sống lạc quan - Chìa khóa để bạn yêu đời, sống khỏe và trẻ lâu.
  • SKĐS- Hãy áp dụng 36 cách đơn giản dưới đây để có một cuộc sống khỏe mạnh và tràn đầy hạnh phúc.
  • Nếu bạn muốn sống thọ hơn, hãy chú ý đến các thói quen của mình ngay từ bây giờ.
  • Tôi biết ông từ những năm sức khỏe còn sung mãn, mỗi năm cho ra đời vài vở diễn. Nhưng cho cả đến lúc này, sau hơn chục năm chung sống với bệnh đái tháo đường...
  • Trong cuộc sống hàng ngày, để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe, mọi người phải ăn uống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi có thời lượng nhất định, bảo đảm giấc ngủ đủ, sống có kỷ luật, vân vân.
  • Người cao tuổi (NCT) sống lâu, sống có ích là một điều rất mừng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để sống vui, sống khỏe, sống có ích lại là một việc không hề đơn giản, nó cần phải có sự nỗ lực của chính bản thân NCT.
  • Bí quyết trường xuân khá đơn giản, nằm trong tay của mỗi người và ai cũng cần phải thực hiện hàng ngày: đó là ăn uống, thư giãn và vận động cơ thể.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY