Kinh tế xã hội hôm nay

4 tiếng điều tra thần tốc vụ cháu bé 2 tuổi bị bắt cóc: Cử trinh sát nữ về tận nhà nghi phạm để âm thầm điều tra

Liên quan đến vụ việc cháu Nguyễn Cao Gia Bảo bị bắt cóc tại công viên Nguyễn Văn Cừ, TP. Bắc Ninh, công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 Bộ Luật hình sự năm 2015 đối với Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, ở TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Sau khi tiếp nhận tin báo cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (2,5 tuổi) mất tích ở công viên Nguyễn Văn Cừ (TP. Bắc Ninh) vào chiều ngày 21/8, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Sau hơn 1 ngày tích cực điều tra, đến tối 22/8, bé Gia Bảo đã được giải cứu thành công tại Tuyên Quang khi đang ở cùng nghi phạm bắt cóc bé là Nguyễn Thị Thu.

Đối tượng Nguyễn Thị Thu tại cơ quan công an.

Để bắt giữ được nghi phạm Thu, lực lượng chức năng đã phải vào cuộc nhanh chóng, quyết đoán và thần tốc. Đặc biệt là công an tỉnh Tuyên Quang - đơn vị trực tiếp bắt giữ nghi phạm khi đang có mặt trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Tuyên Quang) cho biết, khoảng 17h30 ngày 22/5, công an Tuyên Quang nhận được thông tin từ công an tỉnh Bắc Ninh gửi hình ảnh qua camera về đối tượng nghi vấn đi trên chiếc xe máy hiệu Vision, mang biển kiểm soát tỉnh Tuyên Quang.

Do chất lượng hình ảnh kém, khó xác định được chính xác biển kiểm soát chiếc xe máy trên, công an tỉnh Tuyên Quang đã lọc ra được 3 chiếc xe nghi vấn giống như hình ảnh được cung cấp.

Trong số 3 chiếc xe trên, công an xác định có một chiếc xe hiệu Vision do Đặng Văn Bằng là chủ sở hữu mới trở về địa phương, có một đứa trẻ đi cùng.

4 tiếng điều tra thần tốc vụ cháu bé 2 tuổi bị bắt cóc: Cử trinh sát nữ về tận nhà nghi phạm để âm thầm điều tra - Ảnh 2.

4 tiếng điều tra thần tốc vụ cháu bé 2 tuổi bị bắt cóc: Cử trinh sát nữ về tận nhà nghi phạm để âm thầm điều tra - Ảnh 3.

Toàn bộ quá trình di chuyển của nghi phạm Thu sau khi bắt cóc cháu Gia Bảo đều được camera giám sát giao thông ghi lại.

"Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng Bằng và Thu cưới nhau (chưa đăng ký kết hôn) đã vài năm thì có con nhỏ đi cùng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, để chắc chắn chúng tôi vẫn phải kiểm tra kỹ lưỡng để không bị lọt thông tin. Vì thế, tôi đã cử trinh sát về tận gia đình Bằng để xác minh", một lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự cho biết.

Ngay lập tức, một nữ trinh sát được cử đi làm nhiệm vụ, xác minh. Nhắc đến lý do lựa chọn trinh sát nữ, cơ quan công an cho biết, do tính chất nhạy cảm của vụ việc. Cụ thể, nếu kẻ tình nghi là người bắt cóc trẻ em thật thì nữ trinh sát với sự nhạy cảm của người đã từng làm mẹ sẽ phát hiện được những điểm bất thường.

"Khi vào gia đình, nữ trinh sát của chúng tôi phải làm sao để mọi người không nghi ngờ, phải đưa ra lý do khách quan, đủ độ tin tưởng với gia đình. Sau khi nữ trinh sát báo cáo lại sự việc có nghi vấn, chúng tôi tiếp tục đưa một trinh sát khác vào để xác minh lần nữa. Khi đối chiếu mọi thông tin, xác định chính xác cháu bé, chúng tôi tiến hành kế hoạch hành động", vị lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự chia sẻ.

4 tiếng điều tra thần tốc vụ cháu bé 2 tuổi bị bắt cóc: Cử trinh sát nữ về tận nhà nghi phạm để âm thầm điều tra - Ảnh 4.

Khu trọ, nơi đối tượng Thu sinh sống trước khi bị bắt giữ.

Trước khi thực hiện kế hoạch giải cứu cháu bé, khống chế đối tượng nhanh nhất, Công an tỉnh Tuyên Quang đã đặt ra nhiều giả thiết có thể xảy ra và lựa chọn phương án giải cứu phù hợp nhất có thể.

Cụ thể các tình huống được cơ quan chức năng vạch ra:

- Tình huống 1: Sẽ có 2 đối tượng cần khống chế do lực lượng chức năng chưa biết Đặng Văn Bằng có vai trò như thế nào trong vụ bắt cóc.

- Tình huống 2: Nếu ập vào không có sự chuẩn bị, không loại trừ đối tượng sẽ cầm hung khí khống chế cháu bé. Nếu tình huống này xảy ra thì mọi thứ sẽ rất phức tạp.

- Tình huống 3: Địa hình nơi ở của đối tượng rừng núi nhiều, trong trường hợp đối tượng ôm cháu bé chạy lên rừng thì việc giải cứu cháu bé sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt lại là thời điểm buổi tối.

Bé Gia Bảo được giải cứu thành công và an toàn.

- Tình huống 4: Khi ập vào vây bắt phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ do Thu là thành phần bất hảo. Thu từng phải đi giáo dưỡng, sống kiểu giang hồ, ra ngoài xã hội nhiều nên có thể đã có kinh nghiệm trong việc đối phó lực lượng chức năng.

- Tình huống 5: Hạn chế tối đa việc can thiệp của người nhà. Gia đình nơi đối tượng đang ở là người dân tộc, trong trường hợp người thân trong gia đình nghĩ rằng cháu bé là con cháu trong nhà, họ sẽ phản ứng, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Từ những trường hợp trên, lực lượng công an tỉnh Tuyên Quang đã lên kế hoạch xử lý cụ thể trong tất cả các trường hợp có thể xảy ra. Sau cùng là chọn thời điểm hợp lý nhất để giải cứu cháu bé an toàn.

Sau khi hoàn tất các kế hoạch, những mũi trinh sát bắt đầu tiến hành giải cứu cháu bé. Khu vực đối tượng ở cách xa trung tâm xã 16km, tuy nhiên đơn vị không thể dùng xe hay triển khai lực lượng dồn dập vì sợ đánh động đến đối tượng.

Chính vì vậy, bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng công an triển khai nhiệm vụ một cách khẩn trương và bí mật nhất, với mục tiêu và yêu cầu tiên quyết: "Cứu cháu bé an toàn đặt lên trên tất cả".

Sau cùng, đơn vị đã chọn thời điểm triển khai lực lượng vào buổi tối do thời điểm đó người dân ít ra đường, không gây sự chú ý. Đồng thời, Bằng và Thu mới di chuyển quãng đường xa về nên có thể sẽ đi nghỉ sớm vì mệt mỏi nên việc giải cứu và bắt giữ có thể thuận tiện và không gây nguy hiểm cho cháu bé.

Từ khi nhận được thông tin đến khi giải cứu thành công cháu bé, công an tỉnh Tuyên Quang trải qua 4 tiếng điều tra, xác minh thần tốc, quyết đoán. Sau cùng, cháu bé đã an toàn tuyệt đối đúng như kế hoạch ban đầu đề ra, đối tượng bị bắt giữ không có bất kỳ sự phản kháng nào.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Copy link

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/4-tieng-dieu-tra-than-toc-vu-chau-be-2-tuoi-bi-bat-coc-cu-trinh-sat-nu-ve-tan-nha-nghi-pham-de-am-tham-dieu-tra-20200825151654859.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY