Tin y tế hôm nay

Tin y tế

6 khuyến cáo phòng chống bệnh tay - chân - miệng từ Bộ Y tế

Bệnh tay- chân- miệng (TCM) đang được ghi nhận có sự gia tăng về số lượng và biến chứng nguy hiểm trên địa bản TP.HCM cũng như nhiều địa phương.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện tốt các khuyến cáo để phòng chống bệnh TCM, đặc biệt là cho trẻ nhỏ.

Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bệnh TCM tại Việt Nam phổ biến quanh năm ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-11.

Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển sang mùa hè, với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng, chống. Trên địa bàn TP.HCM và nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng về số lượng cũng như biến chứng.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đến hết tuần 11 của năm 2021, toàn thành phố có hơn 2.500 ca TCM, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình bệnh TCM đang gia tăng nhanh ở mức báo động, từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 11, bệnh TCM tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó; 21/25 quận, huyện, thành phố trên địa bàn đều xuất hiện bệnh, trong đó một số quận như quận 1, 4, 7… ghi nhận sự gia tăng số lượng ca bệnh ở mức báo động.

Tại Khoa Nội nhi C - BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày có khoảng từ 20-30 trẻ nhập viện điều trị bệnh TCM. Bác sĩ Lư Lan Vi – Trưởng khoa Nội nhi C - BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, đối với các bệnh nhi mắc tay chân miệng từ độ 2A trở lên mới có chỉ định nhập viện, còn ở độ 1 thì được điều trị ngoại trú. Số lượng bệnh nhi nhập viện và điều trị ngoại trú đều gia tăng.

Không chỉ gia tăng về số lượng ca nhiễm, nhiều trường hợp bệnh nhi mắc TCM gặp nhiều biến chứng nguy hiểm được ghi nhận. Tại BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận bé gái T.H.D. (15 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) trong tình trạng suy hô hấp TCM được chuyển lên từ BV Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Theo thông tin từ gia đình, khi bé sốt cao 3 ngày không hạ; nôn, giật mình chới với, nổi nhiều mụn nước ở lòng bàn tay thì đưa đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhi dần rơi vào tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi hồng ban và được chẩn đoán mắc TCM độ 4. Sau đó bệnh nhi diễn tiến nặng, suy hô hấp tuần hoàn, được các bác sĩ xử trí đặt nội khí quản thở máy, chống sốc, dùng Thu*c vận mạch… và chuyển lên BV Nhi đồng TP.HCM. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi được tiếp tục thở máy, dùng Thu*c vận mạch và lọc máu liên tục. Sau 2 ngày lọc máu, tình hình được cải thiện, trẻ hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở sau đó.

Cũng theo bác sĩ Tiến, từ đầu tháng 3 đến nay, số bệnh nhi mắc TCM bắt đầu tăng về số lượng lẫn bệnh nhân nặng, nhiều trường hợp phải thở máy, phải sử dụng Thu*c và điều trị tích cực. Nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, trẻ có thể mắc các di chứng não và thần kinh nặng nề.

Sự gia tăng các trường hợp mắc TCM cũng được ghi nhận trên nhiều địa phương. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, số ca mắc TCM trên toàn tỉnh có hơn 1.500 ca, tăng gần 1,2 nghìn ca so với cùng kỳ năm 2020. Đáng nói là những tuần gần đây, bệnh TCM tăng cao. Chỉ tính riêng trong 3 tuần cuối tháng 3/2021, toàn tỉnh ghi nhận 396 ca, tăng 367 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

BỆNH TCM CÓ THỂ BỊ TÁI NHIỄM NHIỀU LẦN

Trẻ có thể bị mắc bệnh TCM lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn, vì những lý do như sau:

- Trẻ em và người lớn sau khi bị nhiễm vi rút gây bệnh TCM, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh ít nhiều vẫn có thể có kháng thể chống lại vi rút, nhất là vi rút EV71. Tuy nhiên, lượng kháng thể này không nhiều và không bền vững theo thời gian, nên không đủ để bảo vệ trẻ khi có sự lây nhiễm kế tiếp khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây.

- Ngoài hai chủng vi rút gây bệnh TCM phổ biến ở trẻ em Việt Nam hiện nay là vi rút EV71 và chủng vi rút Coxsackie A16, còn có hơn 10 chủng vi rút thuộc nhóm vi rút đường ruột (Enterovirus) có thể gây bệnh TCM cho trẻ. Đây chính là lý do trẻ có thể bị mắc bệnh TCM nhiều lần.

- Khi trẻ bị nhiễm bệnh TCM do một chủng vi rút nào đó, trẻ chỉ có kháng thể chống lại loại vi rút mà trẻ vừa bị nhiễm. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng vi rút gây bệnh TCM ở trẻ.

HOÀNG NGỌC

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/6-khuyen-cao-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-tu-bo-y-te-n190252.html)

Chủ đề liên quan:

bệnh tay - chân - miệng

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY