Ban tổ chức cho biết, theo các nghiên cứu thống kê, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa, và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu…
Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài vai trò chính giúp tiêu hóa thức ăn tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa. Do đ,ó có thể nói, tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật.
Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tiêu hóa đối với sức khỏe của người dân, với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, báo sức khỏe và đời sống cùng viện dinh dưỡng quốc gia tổ chức phát động chương trình truyền thông thường niên hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5.
Chương trình sẽ diễn ra trong suốt tháng 5/2022, gồm một chuỗi hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng với thông điệp “khỏe tiêu hóa - khỏe hơn mỗi ngày” nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khỏe, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khoẻ mạnh tự nhiên.
Thầy Thu*c Nhân dân, GS, TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ, từ xa xưa, thông qua những quan sát sinh hoạt hằng ngày ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rất quan trọng “Bệnh là từ miệng vào”. Cho tới ngày nay, nhận xét này vẫn có ý nghĩa xét từ góc độ khoa học. Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.
Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.
Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbon hydrat là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể... Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng.