Bên cạnh những cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị ảnh hưởng đến toàn cầu, thì cũng có những khủng hoảng nghe có vẻ khá kì lạ và khó tin. Dưới đây chính là những khủng hoảng kì lạ nhất trong lịch sử loài người.
Tháng 2 năm 2018, người dân Đài Loan vội vàng đến các trung tâm thương mại và cửa hàng nhỏ lẻ để điên cuồng mua sắm... giấy vệ sinh. Một nhà bán lẻ trực tuyến đã bán hết 5 triệu gói giấy vệ sinh trong vòng 3 ngày.
Điều này khiến cho các nhà chức trách ngay lập tức yêu cầu công chúng không hoảng loạn và không nên vội vã mua hàng. Việc mua giấy vệ sinh "điên cuồng" này bắt đầu sau khi các siêu thị lớn thông báo rằng mặt hàng này sẽ tăng giá từ 10 - 30% do giá bột giấy quốc tế tăng. Cháy rừng ở Canada và gián đoạn sản xuất ở Brazil là một trong những yếu tố bị đổ lỗi.
Trước đó, vào năm 1973, do lo ngại tình hình chiến sự giữa các nước Ả rập và Isreal nên một Bộ trưởng Nhật Bản đã khuyến cáo người dân nên sử dụng giấy vệ sinh một cách tiết kiệm. Ngay lập tức, hàng trăm người đã đổ xô đến các cửa hàng và siêu thị để "hốt" toàn bộ giấy vệ sinh có trên kệ. Một quan chức sau đó đã cố gắng làm dịu tình hình bằng cách nói rằng chính phủ vẫn đủ giấy vệ sinh để cung cấp. Tuy nhiên, điều đó đã phản tác dụng và người dân càng kéo nhau đi mua nhiều hơn.
Hàn Quốc nổi tiếng với tên gọi là xứ sở kimchi. Nói thế mới thấy, kimchi chính là "món ăn quốc dân" của đất nước này. Người ta ăn kimchi trong mọi món ăn, thậm chí các nhà hàng tại Hàn Quốc còn miễn phí kimchi cho thực khách. Một người dân còn nói rằng: "Người Hàn Quốc không thể sống mà thiếu kimchi."
Năm 2010, một cuộc khủng hoảng kimchi đã xảy ra khi giá bắp cải napa, nguyên liệu chính trong kimchi đã tăng gần 500% chỉ sau một tháng. Thời tiết xấu chính là nguyên nhân khiến cho mùa màng thất bát và sản lượng bắp cải napa cũng giảm gần một nửa so với mọi năm. Vì thế giá kimchi cũng tăng vọt và khan hiếm.
Chính quyền thành phố Seoul đã thực hiện chương trình cứu trợ kimchi bằng cách nhập khẩu 300.000 bắp cải từ Trung Quốc. Điều này khiến người dân vội vã đi mua về để tích trữ. Thị trường đen cũng mọc lên và thúc đẩy những vụ trộm cướp có liên quan đến bắp cải. Các tờ báo đã dẫn tít cho cuộc khủng hoảng này là “Bi kịch quốc gia” và “cuộc khủng hoảng chỉ xảy ra một lần trong cả thế kỷ”.
Ấn Độ là nơi sản xuất hành tím lớn thứ 2 trên thế giới, vì thế cuộc khủng hoảng hành tím năm 2019 đã khiến cả thế giới phải lao đao.
Năm 2019, giá hành tím tại Ấn Độ đã tăng gần gấp 10 lần do sản lượng giảm vì thời tiết thất thường khiến hành tím mất mùa. Các gia đình và nhà hàng Ấn Độ quay cuồng trong áp lực khi giá hành tím tăng theo cấp số nhân trên toàn quốc. Điều này không chỉ khiến người dân rơi nước mắt mà còn trở thành mối lo ngại lớn đối với chính phủ Ấn Độ.
Trong những ngày này, Ấn Độ xuất hiện những vụ cướp, tấn công xe tải chở hành tím trên khắp đất nước. Sự khan hiếm này đã khiến chính phủ Ấn Độ phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu hành tím với phương châm "không một củ hành nào được ra khỏi Ấn Độ."
Vụ khủng hoảng này đã khiến cho một số cửa hàng tận dụng cơ hội để tăng doanh số, ví dụ như mua điện thoại tặng hành tím.
Năm 2019 vừa qua, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến cho giá thịt lợn tăng vọt. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, giá thịt lợn đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2019. Trung Quốc là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng thịt lợn.
Dịch tả lợn châu Phi là loại virus dễ lây lan và gây Tu vong cho lợn. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, giá thịt lợn của nước này đã tăng 70% so với cùng kì năm trước. Khoảng 40% lợn Trung Quốc đã bị ch*t và tiêu hủy.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn này đã tác động lên nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam. Vào khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020, giá thịt lợn đã leo thang khiến cho người dân lo ngại và chuyển sang các loại thực phẩm tươi sống khác.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến mọi quốc gia đều gặp phải khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, khi khu vực đồng tiền chung châu Âu lao đao, nền kinh tế Thụy Sĩ lại vô cùng ổn định. Đất nước này vẫn duy trì mức nợ thấp, mức thất nghiệp thấp và đạt thặng dư trong các hoạt động xuất khẩu.
Thế nhưng, điều ấy lại khiến Thụy Sĩ gặp khủng hoảng. Do kinh tế ổn định, các nhà giao dịch ngoại tệ đã đầu tư vào đồng franc của Thụy Sĩ khiến giá đồng tiền này tăng 30% so với đồng euro. Điều đó khiến cho giá hàng xuất khẩu của Thụy Sĩ trở nên đắt đỏ, các công ty Thụy Sĩ bị tổn hại doanh thu đồng thời nó cũng làm tăng chi phí các khoản nợ cố định của người dân. Cuối cùng, chính phủ Thụy Sĩ phải tự phá giá đồng tiền của mình.
Ngày 10/5/1989, hỏa hoạn xảy ra tại Phòng nghiên cứu Jackson tại bang Maine ở phía đông bắc nước Mỹ đã phá hủy cơ sở nuôi chuột và giết hơn 400.000 con chuột thí nghiệm. Nhiều giống chuột trong số đó được dùng để nghiên cứu các bệnh như AIDS hoặc ung thư. Cơ sở nuôi chuột này cung cấp cho 6500 phòng nghiên cứu trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới.
Các nhà quản lý phòng thí nghiệm gọi đây là "thảm họa quốc gia". Nhiều chương trình thí nghiệm phải tạm hoãn vì việc thay đổi nguồn cung sẽ đưa ra kết quả sai lệch.
Theo thống kê, tại Trung Quốc, số nam giới đang trong độ tuổi kết hôn nhiều hơn nữ giới là 34 triệu người. Từ năm 1979 đến năm 2015, chính phủ nước này đã đưa ra chính sách một con để hạn chế sự tăng trưởng dân số mạnh mẽ. Trong khi đó, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn khá nặng nề nên nhiều cặp vợ chồng đã quyết định Ph* thai nếu đó là nữ và giữ lại nếu đó là nam.
Tương tự, Ấn Độ hiện tại cũng có khoảng 37 triệu người đàn ông đang trong độ tuổi kết hôn sẽ không lấy được vợ vì thiếu cân bằng giới tính. Tại Việt Nam, con số này cũng không hề nhỏ, năm 2020 ước tính có khoảng 4 triệu đàn ông sẽ... "ế" vợ.
Chủ đề liên quan:
Khủng hoảng khủng hoảng kỳ lạ nhất thế giới khủng hoảng như trò đùa thế giới trên thế giới trò đùa