Ở môi trường công sở, chị em không nên chỉ biết sống cho riêng mình mà cũng nên làm hài lòng người khác một chút. Nói vài câu dễ nghe, quan tâm hỏi han, tâm sự... là một trong những cách để mối quan hệ chốn văn phòng thân thiết hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần vạch rõ ranh giới để bản thân không trở thành thứ tiêu khiển trong mắt người khác.
Ấy là khi bạn nên nắm rõ 7 dấu hiệu dưới đây của những kẻ đang cố làm hài lòng người khác quá đà. Về lâu dài, nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho tinh thần và thậm chí là thể chất nữa đấy!
Biểu hiện của điều này nằm ở chỗ bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác từ công việc văn phòng đến những việc lặt vặt khác. Lý do thì chẳng phải là bạn yêu mến gì người ta mà bởi bạn thấy rất khó khăn để từ chối. Phải chăng bạn sợ sẽ làm phật lòng đối phương và có thể bị cấp trên trù dập?
Bỏ ngay suy nghĩ ấy đi nhé, đã đến lúc chị em cần nhận ra sức mạnh của việc nói "KHÔNG". Ban đầu có thể hơi khó khăn để từ chối một đồng nghiệp nào đó song đừng để chúng chiếm hết thời gian làm việc của bạn. Mặt khác, từ chối cũng là một cách tôn trọng chính bản thân mình và không để bất cứ ai lợi dụng quá đáng.
Muốn mọi người yêu quý mình là một hệ quả của việc sợ nói câu từ chối. Nhưng trong cuộc sống này, chị em nên chấp nhận một sự thật là sẽ có người thích và chẳng ưa bạn đâu. Bởi mỗi người là một cá thể riêng biệt có tư duy khác nhau thì mối quan tâm, sự yêu quý cũng chẳng giống nhau.
Khi ham muốn được mọi người yêu quý quá lớn, bạn rất có thể bị chính họ thao túng. Chẳng hạn bằng những câu kiểu như "Giúp tôi làm cái này nhé, có mỗi bạn làm được điều đó thôi!". Khi nghe bất cứ câu nào như thế, tốt hơn hết là bỏ ngoài tai và đặt thời gian, bản thân mình thành ưu tiên hàng đầu nhé.
Mỗi người trong chúng ta ai ai cũng đều có những niềm vui và vấn đề riêng. Khi một người nào đó phàn nàn về vấn đề của họ, chị em chỉ nên ở cạnh an ủi, động viên thay vì bị cảm xúc tiêu cực ấy nhấn chìm chúng ta xuống nhé. Giữ một mạch cảm xúc trung lập cũng là biểu hiện của con người trưởng thành, không dễ bị sóng gió làm nao núng tinh thần.
Chẳng hạn một hôm nào đó chị em đứng ra order đồ ăn về mà đồng nghiệp chê, đó không phải lỗi của bạn mà có thể do khẩu vị từng người khác nhau. Bạn nên nhẹ nhàng xoa dịu tình hình bằng cách hứa sẽ mời một bữa ăn khác ngon miệng hơn trong tương lai. Điều quan trọng là bạn hiểu những tình huống tiêu cực không ai muốn xảy ra và đừng tự dằn vặt bản thân quá nhiều.
Một trong những biểu hiện của yêu thương bản thân là luôn hiểu mình thích gì, muốn gì và người khác cần tôn trọng điều đó. Để đạt được sự thoải mái chung nhất, đừng ngại thảo luận để đưa ra quyết định đúng đắn. Hãy bảo vệ những lý tưởng của riêng mình, như thế đồng nghiệp lẫn sếp sẽ luôn kính nể, tôn trọng bạn và không bắt bạn làm theo ý của họ.
Cho đi nhiều, nhận lại ít nghe có vẻ cao thượng nhưng về lâu về dài sẽ dễ khiến con người ta cảm thấy mệt mỏi. Các mối quan hệ chốn văn phòng nên là đôi bên cùng có lợi. Bạn cho người khác cái mà bạn có để họ tốt hơn. Ngược lại, bạn cũng cần nhận những sự giúp đỡ để bản thân mình không cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi. Nếu chỉ làm hài lòng người khác quá nhiều, bạn sẽ mãi cho đi mà không thể nhận về những điều xứng đáng.
Phải chăng khi đã quá hi sinh vì người khác, chị em đang dần quên những vụn vỡ bên trong? Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho bất cứ dân công sở nào đang tập trung vào cảm xúc của mọi người xung quanh mà quên đi mong muốn nội tại. Bạn có quyền vui vẻ và cũng khó tránh khỏi tổn thương. Nhưng để bước ra nó, trước hết hãy hiểu cảm xúc của mình. Đồng thời, ngưng tập trung vào người khác để được sống đúng với bản ngã nhé!
Hi vọng nếu chị em có 1 trong 7 dấu hiệu trên, bạn sẽ hít một hơi thật sâu để tạm quên đi người khác và sống cho chính mình nhiều hơn.
Tham khảo B.S
Chủ đề liên quan:
bỏ ngoài tai cảm xúc tiêu cực dân công sở dằn vặt bản thân điều quan trọng mối quan hệ mối quan tâm thời gian làm việc Triết lý công sở về lâu về dài