TP.HCM quyết tâm đạt 3.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Năm 2019 ước tính thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế hơn 10.000 tỉ đồng
Các bệnh viện lo thiếu tiền chi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế
Các bệnh viện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm chi tiêu bảo hiểm y tế
Ngày 12.8, thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 7.2020, qua thanh, kiểm tra tại 3.465 đơn vị (trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.478 đơn vị, kiểm tra tại 1.796 đơn vị, thanh tra kiểm tra liên ngành tại 191 đơn vị) phát hiện 3.651 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhưng chưa đóng các loại bảo hiểm trên với tổng số tiền phải truy đóng là 31.534.200 đồng; 11.563 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53.806.600 đồng.
Đến nay các ngành chức năng đã ban hành 108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phải thu là 7.576,6 triệu đồng (số tiền xử phạt đã thu là 4.897,3 triệu đồng, đạt 64,6%).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các đơn vị, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất,kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Ước tính đến hết tháng 7.2020, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã tích cực chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tính đến nay số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và với số tiền khoảng 475 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong 5 tháng cuối năm đơn vị sẽ tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành (từng tháng, quý, cả năm) nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của ngành năm 2020.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.