Kinh tế xã hội hôm nay

Ảnh: Ông Ỉn được mừng tuổi cả thùng tiền, ăn bánh quy và uống nước lọc trước khi bị chém

Sáng nay 30/1 (tức mùng 6 tháng Giêng), hàng trăm người dân làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) lại tấp nập làm lễ hội chém lợn. Năm nay, nghi lễ chém lợn “làm cỗ ngọc” tiếp tục được quây kín và có lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt.

Lễ hội chém lợn là nét văn hóa lâu đời của người dân làng Ném Thượng, được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng (sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hay còn gọi là tướng quân Đoàn Thượng) đã chém lợn để nuôi quân, cầu mong một năm mới may mắn an lành.

Vào mùng 6 âm lịch hàng năm, lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng lại được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm người dân.

Kể từ khi được phôi phục vào năm 2004, để tưởng nhớ tới vị Thành hoàng làng năm xưa chém lợn rừng khao quân rồi phá vòng vây quân giặc, lễ hội được diễn ra thường niên. Đến năm 2016, kể từ khi xảy ra những tranh cãi ồn ào về nghi lễ chém lợn công khai thì nghi thức này đã bắt đầu được diễn ra trong phòng kín để tránh người dân chứng kiến cảnh máu me ghê sợ.

Từ rất sớm, 2 "ông Ỉn" được đưa đến trước đền làng để chuẩn bị cho lễ hội.

2 gia đình vinh dự được nuôi "ông Ỉn" để chuẩn bị cho lễ hội năm nay.

8h30', 2 "ông Ỉn" được người dân đưa đến trước đình làng, chăm sóc để chuẩn bị đưa đi rước một vòng quanh làng.

Theo phong tục nơi đây, mỗi năm sẽ có 2 hộ dân trong làng Ném Thượng được vinh dự nuôi heo từ rằm tháng 8 năm trước để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng đầu xuân.

Đoàn rước "ông Ỉn" quanh làng gồm nhiều đội với các nghi thức khác nhau.

Với người dân nơi đây, việc được chọn để nuôi "ông Ỉn" là vinh dự lớn. 2 gia đình được chọn phải là gia đình hạnh phúc êm ấm, vợ chồng hoà thuận, con cái thành đạt không ai được có điều tiếng gì.

Khi được mua về nuôi 2 "ông Ỉn" phải dưới 30kg, không được có vết chàm. Trong quá trình nuôi phải sử dụng hoàn toàn thức ăn từ gia đình, không được chăn cám và tiêm chủng. Lợn phải được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt, người lạ không được đến thăm trong quá trình nuôi.

Ngay sau khi "ông Ỉn" được rước quanh làng, người dân tấp nập mừng tuổi cầu một năm mới bình an.

Trước ngày lễ hội, hai "ông Ỉn" nặng khoảng 1,5 tạ. Lợn được tắm nước lá nếp, trang điểm bằng son trước khi vào buổi rước. Đoàn rước gồm đội múa lân rồng, đội bê lễ, kiệu tướng quân, hai con lợn trong hai chiếc xe được phủ vải đỏ.

Người dân dâng kẹo, nước để phục vụ cho đoàn rước quanh làng.

Những ai không ăn thì nhận để xin lộc may mắn đầu năm.

Đoàn rước sẽ bắt đầu di chuyển từ đình làng, rộn ràng kèn trống cờ hoa quanh làng. Đi đến đâu, hai "ông Ỉn" cũng được người dân mừng tuổi với mong muốn sẽ mang lại may mắn trong năm mới. Hành trình rước heo kéo dài khoảng 3km quanh làng, hai "ông ỉn" được ăn bánh quy và uống nước lọc trong suốt quá trình di chuyển để giữ sức.

"Ông Ỉn" được chăm sóc, cho ăn và uống nước suốt dọc đường để giữ sức.

11h30, đoàn rước quay trở về đình làng chuẩn bị các nghi thức chém lợn. Tại đây, thủ đao (người thực hiện nghi thức chém lợn) cũng được lựa chọn theo tuổi tác. Người chém lợn cũng phải có điều kiện vợ chồng đủ cặp, gia đình yên ấm, không điều tiếng, không vi phạm quy định của làng và pháp luật.

Sau khi rước một vòng quanh làng, đoàn rước trở về đình làng để chuẩn bị cho nghi lễ chém lợn.

Năm nay, 2 gia đình ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi) và Bùi Đình Thương (50 tuổi) vinh dự được chọn là gia đình nuôi "ông Ỉn" từ năm trước để chuẩn bị cho lễ hội.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đức cho biết: "Năm nay gia đình tôi cùng gia đình ông Thương vinh dự được chọn nuôi "ông Ỉn" để làm hội. Gia đình tôi đã dành sự chăm sóc đặc biệt cho "ông Ỉn" theo đúng quy định của làng từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Mong sao sang năm mới bình an sẽ đến với xóm làng và toàn thể các hộ gia đình".

Theo người dân nơi đây, lễ hội chém lợn được tổ chức là một nét đẹp truyền thông của quê hương bao đời nay. Việc nghi thức chém lợn chuyển từ công khai thành nghi thức kín cũng được người dân dần ủng hộ.

Khu vực làm lễ chém lợn được quây kín để tránh người dân chụp ảnh quay phim và nhìn thấy hình ảnh máu me khi chém lợn. Lực lượng an ninh cũng được tăng cường, bảo vệ nghiêm ngặt.

Kết thúc các nghi lễ nhận đao, 2 người chém lợn vào vị trí chuẩn bị vào "khu vực làm cỗ ngọc tế thánh" để thực hiện nghi lễ chém lợn.

Nhiều người dân hồi hộp trong giây phút thực hiện nghi lễ chém lợn.

Một số em nhỏ bật khóc khi nghe thấy âm thanh lợn kêu trên loa phát trong lúc thực hiện nghi lễ chém lợn.

"Nhiều người dân thì vẫn muốn việc chém lợn được tổ chức công khai vì đó là nghi lễ truyền thống từ bao đời nay nhưng theo chúng tôi thì cũng nên chuyển thành nghi lễ kín vì nhiều cảnh máu me trong lễ hội có các trẻ nhỏ chứng kiến nên không hay", chị Linh, một người dân địa phương tham gia lễ hội chia sẻ.

Kết thúc phần chém lợn, 2 đao nhuốm máu 2 "ông Ỉn" được các thủ đao mang về trao trả. Ban tổ chức cũng cấm người dân quệt tiền vào máu "ông Ỉn" dính trên đao nhằm đem lại may mắn để tránh hình ảnh phản cảm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Niệu, (đại diện ban tổ chức lễ hội) cho biết, lễ hội chém lợn năm nay được tổ chức theo phong tục như mọi năm với các nghi lễ truyền thống.

"Các hộ gia đình được chọn để nuôi "ông Ỉn" làm cỗ ngọc vẫn là các gia đình êm ấm, hạnh phúc, không vi phạm pháp luật. Lợn được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, phải là lợn sạch nuôi bằng thức ăn tự nhiên. Riêng phần nghi lễ chém lợn năm nay cũng được tổ chức kín theo quy định để tránh những cảnh máu me", ông Niệu thông tin.

Theo Trí Thức Trẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/anh-ong-in-duoc-mung-tuoi-ca-thung-tien-an-banh-quy-va-uong-nuoc-loc-truoc-khi-bi-chem-20200130133938482.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY