Ông Shimada Shinsuke, một nam diễn viên nổi tiếng người Nhật đã về hưu, từng nói với các sinh viên của Học viện Nghệ thuật NSC Yoshimoto rằng:
"Nếu tuổi trẻ có thể mua được bằng tiền, cho dù phải bỏ ra 100 triệu yên tôi cũng bằng lòng. Bởi vậy, nếu bạn đang có tuổi trẻ thì đồng nghĩa với việc bạn đang có 100 triệu yên trong túi.
Nhưng nếu bạn không biết sử dụng số tiền ấy thì nó sẽ dần dần biến mất. Vì lẽ đó, chúng ta phải biết cách sử dụng nó sao cho hợp lý".ư
Tiền có thể tích lũy dần dần, cũng có thể bộc phát tăng lên, nhưng thời gian thì không thể tự có thêm được. Nên nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta lúc này là phải ý thức được mình còn bao nhiêu thời gian và hiểu quỹ thời gian còn lại quý giá đến nhường nào.
Có một thuật ngữ chuyên dụng trong ngành sản xuất có tên là "tuổi thọ" (Hours of Life).
Cái được gọi là tuổi thọ chính là khoảng thời gian mà thiết bị, máy móc hoặc các linh kiện bên trong có thể hoạt động hiệu quả nhất khi được sử dụng trong điều kiện nhất định. Và tất nhiên, con người cũng có tuổi thọ.
Người ta nói rằng vào năm 2045, tuổi thọ trung bình của con người có thể đạt tới 100 tuổi. Nhưng đến độ tuổi này, con người ta liệu còn có thể phát huy hết năng lực của mình hay không?
Tôi rất hoài nghi về điều này, vì vậy tôi kiến nghị mọi người tạm đặt tuổi thọ trung bình của mình là 80 tuổi.
Giả sử năm nay bạn 30 tuổi, thì cách tính như sau:
(80 tuổi - 30 tuổi) × 365 ngày × 15 giờ = 273.750 giờ. Đây là khoảng thời gian còn lại của một người ở độ tuổi 30.
Cho dù bạn có sắp xếp cuộc sống sinh hoạt hợp lý đến đâu, thì thời gian ngủ và thời gian sinh hoạt (bao gồm cả giặt giũ, vệ sinh, mặc quần áo...) sẽ chiếm ít nhất 9 tiếng đồng hồ, vì vậy thời gian còn lại mỗi ngày chỉ còn khoảng 15 giờ đồng hồ.
Tiếp theo, hãy thử tính toán lượng thời gian còn lại sau khi đã trừ thời gian ngủ và sinh hoạt tối thiểu của bạn:
(80 tuổi - số tuổi hiện tại) × 365 ngày × 15 giờ = số thời gian còn lại.
Lượng thời gian sống trên đời (không bao gồm thời gian ngủ và sinh hoạt) của chúng ta từ khi sinh ra là 438.000 giờ.
Theo những công thức ở trên, hẳn mỗi chúng ta sẽ tự tính toán được rằng mình đã tiêu hao mất bao nhiêu thời gian và còn lại bao nhiêu thời gian.
Liệu có ai không giật mình thảng thốt khi tính ra lượng thời gian thực sự còn lại của mình, đặc biệt là những người đã bước sang con dốc bên kia của cuộc đời?
Đời người, nếu tính theo đơn vị năm, nghe có vẻ là dài nhưng trên thực tế lại chẳng hề dài.
Nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng thế giới Kenichi Ohmae đã từng nói thế này:
"Con người chỉ có ba cách để thay đổi. Thứ nhất là thay đổi cách quản lý thời gian, thứ hai là thay đổi môi trường sống, thứ ba là thay đổi đối tượng giao tiếp. Nếu chỉ được chọn một trong ba thì chọn thay đổi cách quản lý thời gian là phương pháp hữu hiệu nhất".
Hãy nhìn thẳng vào số tuổi thọ của mình để cho bản thân cơ hội lần nữa xem xét lại kế hoạch quản lý thời gian cho quãng đời còn lại của mình.
Việc cân nhắc lại những kế hoạch quản lý thời gian, đồng nghĩa với việc xem xét lại phương thức thiết lập kế hoạch cuộc sống của bạn. Nói cách khác, đây cũng là dịp để nhìn lại thái độ của bạn với cuộc sống hiện tại.
Cuối cùng, tôi muốn giới thiệu đến các bạn một câu danh ngôn của Benjamin Franklin, ông là một trong những "ông tổ lập quốc" của nước Mỹ. Ông nói:
"Nếu bạn yêu mạng sống mình thì đừng lãng phí thời gian. Bởi mạng sống chính là thời gian".
Bài viết này được biên soạn và trích dẫn từ cuốn sách "Cách người giàu quản lý thời gian và tiền bạc" của tác giả Toji Kazuya, bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Khánh An
Chủ đề liên quan:
diễn viên nổi tiếng Học viện Nghệ thuật mặc quần áo Nam diễn viên quỹ thời gian thời gian ngủ tuổi thọ trung bình