Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (8/3), rãnh áp thấp có trục ở khoảng 24-27 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông.
Dự báo, ngày hôm nay (8/3), do ảnh hưởng rìa phía nam của rãnh áp thấp phân tích trên nên ở phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cục bộ có nắng nóng.
Ngày mai (09/3), rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phía Tây bị nén và dịch dần xuống phía Nam nên sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và một số nơi ở khu vực phía Tây Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-16 giờ.
Trong khi đó, đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hà Nội duy trì nền nhiệt ở ngưỡng 32-33 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất tại khu vực kể từ đầu năm 2020. Người dân bắt đầu có cảm giác oi nóng rõ rệt vào giữa trưa. Tuy nhiên, miền Bắc vẫn chưa chính thức bước vào đợt cao điểm của mùa hè.
Theo cơ quan khí tượng, thời kỳ này, có khả năng kéo dài suốt cả ngày nhưng đến tối, nền nhiệt tại các khu vực giảm nhanh xuống ngưỡng 21-23 độ C. Nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn.
Dự báo những ngày tới, thời tiết miền Bắc biến động liên tục khi đến ngày 10/3, trời lại chuyển rét. Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp kèm theo thời tiết thay đổi nhanh, người dân cần chủ động giữ gìn sức khỏe và tăng cường sức đề kháng.
Khu vực Bắc Bộ: Từ ngày 7 đến 13/3, khu vực Bắc Bộ ít mưa, ngày trời nắng, riêng từ đêm 9 đến ngày 10 có mưa dông cục bộ. Từ ngày 7 - 9/3, nền nhiệt độ có xu hướng tăng dần, riêng khu vực vùng núi có nơi có nắng nóng; ngày 10 và 11/3 trời chuyển rét về đêm và sáng; từ ngày 12/3 nền nhiệt độ tăng dần.
Trong 7 ngày tới, mực nước các sông thượng lưu sẽ xuất hiện dao động nhỏ với biên độ từ 0,5m-1m. Mực nước hạ lưu các sông chính Bắc Bộ tiếp tục biến đổi chậm và ở mức thấp.
Khu vực Trung Bộ: Từ ngày 7 đến 13/3, khu vực Trung Bộ phổ biến ít mưa, ngày trời nắng, riêng ngày và đêm 10/3 có mưa dông cục bộ. Từ ngày 7 - 9/3, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng cục bộ, riêng ngày 9 nắng nóng có khả năng xảy ra ở nhiều nơi; ngày 10 và 11/3, khu vực Bắc Trung Bộ trời lạnh vào đêm và sáng.
Dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ giảm dần. Nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ ngày 7 đến 13/3, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày trời nắng. Khu vực miền Đông Nam Bộ có nắng nóng.
Dòng chảy trên các sông ở khu vực Tây Nguyên giảm dần. Nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông.
Từ ngày 7 - 15/3, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 10-13/3, sau giảm chậm; độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn ngày 10-13/02 cũng như cùng kỳ năm 2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Trong đợt mặn cao điểm này, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.
Thời tiết biển: Ngày 8 - 9/3, khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7; ngày 10/3, gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng cao 2 - 3m. Biển động.
Khu vực Hà Nội: Từ ngày 7 đến 13/3, khu vực Hà Nội ít mưa, ngày trời nắng, riêng từ đêm 9 đến ngày 10 có mưa dông cục bộ. Từ ngày 7 - 9/3, nền nhiệt độ có xu hướng tăng dần; ngày 10 và 11/3 trời chuyển rét về đêm và sáng; từ ngày 12/3 nền nhiệt độ tăng dần.
Chủ đề liên quan:
bắc bộ dự báo thời tiết khí tượng thủy văn nắng nóng nóng trong thời tiết bắc bộ thời tiết ngày 8/3 trung bộ