Kinh tế xã hội hôm nay

Bài 3: Triệt để quét sạch rác trên không gian mạng để tạo môi trường văn hoá trong lành

(Tổ Quốc) - TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng những video, clip nhảm nhí, lệch chuẩn văn hoá trên mạng xã hội giống như một loại rác trên không gian mạng, cần phải quét sạch để tạo ra một môi trường văn hoá lành mạnh.

Thời gian qua, những video, clip nhảm nhí, phản cảm, lệch chuẩn văn hóa xuất hiện liên tục trên các nền tảng mạng xã hội khiến không ít người bức xúc. đáng nói, đây là thực trạng nhức nhối đã xuất hiện thời gian rất dài mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục) của Quốc hội để nghe những chia sẻ của ông về vấn đề nhức nhối này.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Thưa ông, suốt thời gian qua những nội dung nhảm nhí, lệch chuẩn văn hóa vẫn xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

+ mạng xã hội lâu nay vẫn được gọi là môi trường ảo, vì vậy nhiều người tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm, có thể muốn làm gì cũng được. nhiều người sẵn sàng tạo ra và tung lên mạng những sản phẩm lệch chuẩn văn hoá, phản giáo dục, những video, clip nhảm nhí, vô bổ mà không cần quan tâm đến hậu quả.

Việt Nam là một quốc gia có internet phát triển, người dân được tiếp cận và sử dụng internet dễ dàng, rất nhiều người đang sử dụng internet, vì vậy không gian mạng ở nước ta là rất rộng lớn.

Tuy nhiên, môi trường mạng là ảo nhưng tác động lại rất thật. Bởi vậy mà luật pháp đã có quy định về việc sử dụng môi trường mạng, không phải ai muốn làm gì cũng được.

Phải công nhận những mặt tích cực mà mạng xã hội đem lại, nó giúp chúng ta kết nối, gắn kết dễ dàng hơn, thuận tiện hơn rất nhiều trong công việc và cuộc sống, tuy nhiên nếu không biết khai thác và sử dụng hợp lý thì những mặt trái của nó cũng rất nhiều.

Việc những sản phẩm lệch chuẩn văn hóa xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội sẽ tạo ra ảnh hưởng rất tiêu cực đối với xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ.

- Những tác động tiêu cực đó, nhất là với giới trẻ cụ thể ra sao, thưa ông?

+ Những clip, video nhảm nhí, lệch chuẩn văn hóa này như một loại rác trên mạng xã hội, mà đã là rác thì sẽ có tác động tiêu cực. Nếu như trên không gian mạng chỉ toàn chứa rác thì không thể tạo ra được môi trường văn hoá, một không gian sạch để xã hội phát triển.

Đối với những người trưởng thành, có nhận thức, những loại rác này có thể không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đối với giới trẻ lại rất khác.

Giới trẻ thích tò mò, ưa khám phá, chính bởi vậy những video với nội dung khác lạ, lệch chuẩn lại thường kích thích giới trẻ nhiều hơn, cũng vì thế mà những video, clip nhảm nhí thường thu hút được lượng theo dõi nhiều hơn những nội dung lành mạnh.

Tuy nhiên, giới trẻ lại là người chưa trải nghiệm, chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là trẻ nhỏ nhận thực còn chưa trọn vẹn, việc tiếp cận các sản phẩm lệch chuẩn văn hoá, phản giáo dục lâu dần sẽ khiến giới trẻ có những nhận thức lệch lạc, không phân biệt được đúng sai. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi giới trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, nếu nhận thức lệch lạc thì làm sao đất nước có thể phát triển được?

- theo ông, nguyên nhân vì đâu mà những người sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội vẫn bất chấp tất cả để tạo ra nội dung nhảm nhí, độc hại?

+ Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc những nội dung rác vẫn tồn tại và phát triển mạnh trên mạng xã hội. Thị hiếu của người xem là thứ quyết định, người xem vẫn còn bị thu hút bởi những nội dung nhảm nhí này thì chúng vẫn còn tồn tại.

Về phía những người được gọi là sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội, tôi chia làm một số nhóm sau: Nhóm thứ nhất là những người sáng tạo nội dung đưa lên mạng không vì mục đích cụ thể gì, họ cho rằng việc đưa những video, clip nhảm nhí, vô bổ của mình không làm ảnh hưởng đến ai, không tác động gì với xã hội.

Nhóm thứ hai, đó là những người muốn nổi tiếng, họ bất chấp tất cả để bản thân mình được nhiều người biết đến. Họ tạo ra nội dung gây sốc, càng gây sốc thì lại càng nhận được sự chú ý nhiều hơn.

Nhóm thứ ba là những người làm để kiếm tiền, có thể nói đây là một trong những mặt trái của kinh tế thị trường khi người ta bất chấp tất cả để chạy theo đồng tiền. Lợi nhuận chi phối toàn bộ hành động của họ.

Càng câu view, câu like được nhiều thì những người đó lại càng kiếm về được nhiều tiền, vì vậy mà người ta không cần quan tâm đến nội dung sản phẩm, chỉ cần làm sao để những video, clip đó có nhiều view, nhiều tương tác là được, và tất nhiên thì thị hiếu người xem bao giờ cũng dễ tiếp cận những nội dung gây sốc hơn.

Ngoài ra, có một nhóm người nữa cũng sản xuất những nội dung xấu độc trên mạng xã hội, đó là những thành phần hóa hoại, những kẻ này muốn tạo ra sự bất ổn, tạo ra mâu thuẫn để phá hoại đất nước, cản trở sự phát triển.

- Đã đến lúc phải mạnh tay hơn để triệt để ngăn chặn hiện tượng, thưa ông?

+ Môi trường xã hội bên ngoài như thế nào thì môi trường mạng cũng phải như vậy. Phải quét sạch rác để tạo ra một không gian sạch, lành mạnh, có văn hoá.

Các cơ quan chức năng, những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội và bản thân những người xem, những người sử dụng mạng xã hội cùng có trách nhiệm để ngăn chặn hiện tượng này.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường (thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/bai-3-triet-de-quet-sach-rac-tren-khong-gian-mang-de-tao-moi-truong-van-hoa-trong-lanh-20220527142108558.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY