Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Bài giảng dầu dừa là chất độc của giáo sư Harvard đạt một triệu lượt xem

Bài giảng của giáo sư Karin Michels có tựa đề Dầu dừa và những sai lầm dinh dưỡng khác, xuất hiện từ tháng 7, đến nay đã thu hút một triệu lượt xem. Bài giảng bằng tiếng Đức dài 50 phút. Ngoài công việc là giáo sư dịch tễ học ở Đại học Y tế Cộng đồng T.H. Chan, bà Michels còn là Giám đốc Viện Phòng ngừa và Dịch tễ Ung thư tại Đại học Freiburg (Đức).

Giáo sư Karin Michels từ Đại học Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard (Mỹ) gây "bão" mạng xã hội vì gọi dầu dừa là chất độc.

Theo bà Michels, dầu dừa không lành mạnh mà còn độc hại với cơ thể. "Tôi phải cảnh báo các bạn về dầu dừa", nữ giáo sư nhấn mạnh. "Đó là một trong những thứ tồi tệ nhất bạn có thể ăn".

Trên thực tế, rất ít bằng chứng khoa học chỉ ra dầu dừa tốt cho sức khỏe, USA Today đưa tin. "Chẳng có dữ liệu nào cho thấy điều đó cả", bà Alice Lichtenstein, giáo sư khoa học dinh dưỡng từ Đại học Tufts khẳng định với The NewYork Times.

Không kết tội dầu dừa là "chất độc", Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) chỉ ra hơn 80% chất béo trong dầu dừa là chất béo bão hòa. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với bơ (63%), mỡ bò (50%) và mỡ lợn (39%). Bên cạnh đó, dầu dừa có thể làm tăng lượng cholesterol LDL còn gọi là cholesterol xấu, từ đó đẩy cao nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Để bảo vệ sức khỏe, AHA khuyến cáo cộng đồng không dùng dầu dừa. Người cần giảm cholesterol, tỷ lệ chất béo bão hòa hấp thụ mỗi ngày nên dưới 6% tổng lượng calo.

Năm 2017, ông Donald Hensrud, Giám đốc Y tế Chương trình Sống khỏe của Bệnh viện Mayo nhận định "có sự mất kết nối giữa niềm tin phổ biến và bằng chứng thực tế". Ông Hensrud khuyên thay vì sử dụng dầu dừa, người dân nên dùng các loại dầu chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn như dầu oliu, dầu quả bơ, hoặc chất béo không bão hòa đa (như dầu hạt cải).

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mọi người không cần loại bỏ hoàn toàn dầu dừa ra khỏi thực đơn. "Hãy giới hạn lượng dầu dừa và chỉ sử dụng khi nấu món Thái hoặc làm tráng miệng", giáo sư Walter C. Willett, đồng nghiệp với giáo sư Karin Michels tại Đại học Y tế Cộng đồng T.H. Chan, nói với CNN.

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/bai-giang-dau-dua-la-chat-doc-cua-giao-su-harvard-dat-mot-trieu-luot-xem)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY