Phóng sự hôm nay

Bán hàng online: Đường dài đầy chông gai

Không cần mặt bằng cũng không cần nhân viên, chỉ bản thân và chiếc smartphone đang quay trực tiếp để giới thiệu hàng cho khách, vậy là đã có một shop hàng bán online “hái” ra tiền.

Suy nghĩ đó đã khiến nhiều bạn trẻ quyết định tạo dựng một trang riêng để buôn bán sản phẩm hoặc ngay trên chính trang mạng xã hội của mình. Tuy nhiên việc online trên mạng cũng không phải là công việc dễ dàng.

Dạo quanh facebook trong 10 phút, thật quá dễ dàng để nhìn thấy những “post” quảng cáo giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm, túi mũ, phụ kiện... Chỉ một cú click chuột hay một cuộc gọi là bạn đã mau chóng được sở hữu món đồ ưng ý. Cũng chính bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của nghề online ấy mà không ít người thay vì tốn thời gian mua sắm, thì nay chỉ việc ở nhà cầm smartphone lựa đồ và được síp hàng tới tận cửa.

Phần lớn những người sử dụng facebook, instagram hay những trang mạng xã hội để đều là các bạn trẻ trong nhóm tuổi từ 16-25. Cá biệt cũng có những người đã đứng tuổi (tầm ngoài 40), tuy không nhiều. Cũng vì cuộc sống mưu sinh mà phải làm bất cứ công việc gì xã hội cần. Khách mua hàng chủ yếu tập trung quan tâm vào mỹ phẩm và thời trang, vì vậy các mặt hàng có thể bán online cũng có một giới hạn nhất định.

Bán hàng online là công việc không đòi hỏi cầu kỳ (thật sự rất nhàn nếu mọi thứ thuận lợi) và ai cũng có thể làm, từ bà nội trợ cho đến nhân viên văn phòng, chị công nhân... Lực lượng nhân viên văn phòng, tranh thủ thời gian nghỉ buổi tối tham gia online cũng khá đông. Bạn cứ hình dung rằng chỉ cần ngồi nhà, có người đưa hàng tới cho bạn, tới lấy hàng mang đi giao rồi chuyển tiền vào tài khoản cho bạn, cuối tháng bạn ngồi đếm tiền lời thôi, bạn không bị áp lực công việc, không phải dậy sớm, không phải chạy xe nắng nóng ngoài đường, không bị sếp phê bình, không chịu stress vì doanh số khoán hàng tháng...

Nhưng - luôn là nhưng - không phải ai cũng có thể dễ dàng thành công khi online. Bạn có thể như nghề tay trái, để mỗi tháng kiếm 1, 2 triệu tiền tiêu vặt cho vui nhưng để việc online trở thành nguồn thu nhập chính, hơn nữa là nguồn thu nhập có thể giúp cuộc sống của bạn dễ chịu thì đó là một con đường đầy chông gai.

“Mình chỉ muốn kiếm được một công việc lương ổn một chút, nhàn rỗi để có thể có thời gian kinh doanh riêng.” Đây là chia sẻ của chị Bảo Ngọc - nhân viên văn phòng ở một công ty tại Hà Nội nói khi mới nghỉ việc ở công ty cũ và tìm được một công việc mới mà theo chị là nhàn rỗi hơn. Sau 5 năm làm việc, lăn lội tại thành phố, Ngọc cho rằng việc thăng tiến hay trau dồi kỹ năng chuyên môn cố lắm cũng không thể đem lại thu nhập cao như mong đợi. Sức hút của kinh doanh online đến từ sự phát triển của mạng xã hội, giúp người và khách mua tìm thấy nhau dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, giới văn phòng còn được truyền cảm hứng rất nhiều từ người thân cũng như những lời quảng cáo của truyền thông. Bảo Ngọc chia sẻ về kế hoạch kinh doanh túi xách của mình: “Mình sẽ bắt đầu từ kinh doanh online trước, sau đó mình sẽ tích luỹ vốn, mở cửa hàng. Sau này sẽ nghỉ hẳn ở công ty rồi về làm chủ luôn”. Ấy thế là Ngọc hăm hở kinh doanh. Từ chỗ chỉ bán túi xách, nay cô bán thêm nhiều mặt hàng khác như quần áo, giày dép, mũ nón...

Sau thời gian gặp lại thấy Ngọc phờ phạc và gầy đi trông thấy, tôi hỏi:

- Công việc thuận lợi không, mà giờ em bán nhiều mặt hàng vậy, kham sao nổi?

Ngọc thở dài: “Nhiều bạn cứ nghĩ trên mạng đơn giản, chẳng cần vốn nhiều mà lời lãi lại cao, thế là đua nhau kinh doanh online. Khi thấy 1 sản phẩm nào đó bán chạy sẽ có thêm rất nhiều người cùng rao bán. Bạn bè trên trang cá nhân khi đã mua hết rồi thì để tương tác và bán được với khách lạ là rất khó.Vì thế, mình buộc phải thay đổi sản phẩm liên tục. Và rồi là giờ một mình em với đống hàng cao ngất này đây”.

Nói rồi Ngọc chỉ tay lên đống đồ cao ngất với đủ thứ đồ lộn xộn. Tôi hỏi:

- Em phân ra từng loại bán có dễ hơn không? Ngọc nhanh nhảu:

- Em không có thời gian để làm việc đó đâu. Sau một đêm bán onlive xong là em quay ra chốt hàng, lên đơn trên máy tính, rồi gói đồ, giao hàng cho đơn vị vận chuyển, như vậy cũng mất nhiều thời gian lắm, nên không có thời gian dọn dẹp. Nói chung công việc này rất bận bịu.

- Vậy thu nhập có ổn không? Tôi hỏi, giọng Ngọc chùng hẳn xuống: cách đây 2 năm khi mới bán thì mỗi tháng em cũng được chừng 20 triệu đồng. Nhưng càng ngày càng cạnh tranh, mặt hàng nào hút khách là bao người cùng đổ xô bán, nên kiếm tiền ngày càng khó khăn, chưa kể mạng facebook chặn nhiều tương tác, nên giờ ít khách đi nhiều. Công việc này ngày càng khó kiếm tiền hơn...

Dành hết tiền tiết kiệm đi nhập hàng để thử sức kinh doanh online, lúc đầu cũng có được một khoản thu ổn định hàng tháng nhờ trên mạng, song Nguyễn Thu (25 tuổi, Hà Nội) đành ôm “trái đắng”: Em không nghĩ phải cạnh tranh khắc nghiệt như thế khi trên mạng, từ giá cả, mẫu mã cho tới việc chăm chỉ update trên trang cá nhân, mình chậm chân một xíu thôi cũng đã mất khách như chơi. Chưa kể các trò chơi xấu bóc phốt nhau trên mạng xã hội ngày càng nhiều, “trâu buộc ghét trâu ăn” mà. Cứ đối phương mất khách là mình hưởng lợi, thành ra trò dìm hàng nhau cũng là một võ mà nhiều người có tâm địa xấu mang ra để hại nhau.

Cùng giới online nhưng cũng có không ít người có tâm lý buôn bán chộp giật, kém chất lượng, khách đặt một loại, giao hàng lại là loại khác, nên có không ít những phản hồi không tốt về hàng bán trên online, do vậy khách mua hàng cũng giảm dần. Đây là những áp lực và trở ngại lớn cho những ai muốn làm ăn chân chính. Đó là chưa kể khách “bom” hàng. Nhiều khi khách đặt hàng rồi, tới lúc chuyển hàng lại báo hoãn, không mua hàng nữa. Có khi shipper giao hàng tận nơi rồi mà khách vẫn không nhận hàng, thế là người bán lại mất cả tiền vận chuyển 2 chiều cho gói hàng nhận lại trong khi hàng thì không bán được.

Bán hàng online không phải là công việc dễ kiếm tiền

Kiếm tiền từ facebook không còn dễ, đó là quan điểm được sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia trong bối cảnh online trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn.

“Ngày trước, tôi chỉ cần chụp ảnh đẹp, viết bài đăng mỗi ngày, và thậm chí không cần chạy quảng cáo nhiều tiền cũng có thể bán được hàng. Nhưng bây giờ, tình hình không còn dễ dàng như thế nữa” - chị Ngà, một chủ cửa hàng bánh ngọt online ở quận Bình Tân (TP.HCM), chia sẻ. Bây giờ cứ phải bỏ tiền ra mua quảng cáo thì mới có khách, nhưng nhiều khi tiền thu về không bù lại được tiền quảng cáo” - chị Ngà tiếp tục giãi bày. Chính vì thế, chị đã quyết định từ bỏ công việc online từ vài tháng trước và tìm kiếm cơ hội kinh doanh khác. Cùng chung cảnh ngộ với chị Ngà, chị Minh chủ một shop bán quần áo trên facebook, cũng chia sẻ về quyết định vừa ngưng online bấy lâu do không thể kiếm lời như trước. Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều người online hiện tại. Không tìm kiếm được khách hàng mới, phải đổ tiền vào quảng cáo, quá nhiều người cùng nên mức độ cạnh tranh cao... khiến cho bức tranh chung ngày càng ảm đạm.

Vậy làm thế nào để các chủ shop vẫn đứng vững trước một cơn sóng cạnh tranh đang ngày một mạnh lên? Thực sự, đã đến lúc việc trên mạng cũng cần sự đột phá, nhạy bén với những xu hướng mới trên thị trường. Khi kinh doanh online, điều quan trọng là phải sở hữu những kênh kiểm soát được và mở rộng ra nhiều kênh để không bị phụ thuộc vào khi thì bị đứt cáp, khách không vào mạng được, khi thì bị hãng khống chế chặn tương tác... Đó chính là câu chuyện của Gia Huy chàng trai 9x hiện là chủ shop bán giày online. Huy cho biết doanh thu online của mình vẫn tăng trưởng đều đặn hàng tháng. Bí quyết của Huy chính là việc sử dụng linh hoạt nhiều kênh để bán hàng, chứ không phụ thuộc vào một kênh duy nhất là facebook như nhiều chủ shop khác. Ngoài việc duy trì facebook để giữ chân khách hàng cũ, nhưng cũng để “ứng phó” với những cơn “trái gió, trở trời” của mạng xã hội này, Khanh đã đồng thời mở thêm shop trên các trang khác và tận tân chăm sóc khách hàng.

Theo các cơ quan chức năng nhận định, chưa bao giờ hoạt động mua bán qua mạng internet lại trở nên dễ dàng như bây giờ. Người ta có thể rao bán bất cứ thứ gì, chỉ vài thao tác đơn giản như lập trang mua bán trên internet và quảng cáo sản phẩm của họ. Để tăng tính hiệu quả, người bán sẽ mua thêm quảng cáo để đánh đúng vào phân khúc khách hàng mà họ hướng đến, khiến cho việc mua bán hiệu quả và tiện ích hơn. Điều này cũng phù hợp với thời đại hiện nay, khi internet phủ khắp mọi nơi và ai cũng đều sử dụng một chiếc smartphone. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, hoạt động mua bán trên internet hiện nay đang ở tình trạng tự phát và không theo bất cứ một quy định nào, do vậy rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa, cũng như việc thu thuế cho Nhà nước.

Cụ thể, cơ quan chức năng đề xuất, một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % và không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần. Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định.

Việc thu thuế của người online sẽ dần được thực hiện bài bản. Do vậy đây là những áp lực cho những người hiện đang mưu sinh bằng nghề này trên mạng xã hội. Trên thực tế, việc kinh doanh online quả thật đã mang đến thu nhập cho rất nhiều bạn trẻ. Với độ mở của nền kinh tế hiện tại, việc một tay 2,3 công việc đã không còn là chuyện xa lạ. Tuy nhiên, để thành công, người trẻ nói chung hay dân văn phòng nói riêng, quan trọng vẫn là xác định đích đến của mình. Kinh doanh online tuy hấp dẫn nhưng mức độ đào thải rất cao, đối thủ cạnh tranh càng lúc càng nhiều, bên cạnh đó cũng đã đến lúc người bàn hàng cần xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, chân chính, sẵn sàng đối mặt với những thay đổi về quy chế online của các trang thương mại điện tử, các trang mạng xã hội hay sự quản lý có thể sẽ nghiêm ngặt hơn từ phía cơ quan chức năng.

NGỌC MINH CHÂU

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ban-hang-online-duong-dai-day-chong-gai-n164236.html)
Từ khóa: bán hàng online

Chủ đề liên quan:

bán hàng online online

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY