Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Bao giờ hết dịch, chúng mình lại rủ nhau đi cafe đi

Đã gần tròn 14 ngày cách ly và có thể vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta bắt đầu nhớ những buổi sáng cafe, những cuối tuần cafe. Thèm được rủ nhau: ”Đi cafe đi thay vì hỏi nhau “Hôm nay là thứ mấy?”. Nhưng để được quay lại với thú vui tưởng quá đỗi bình thường ấy, thì vẫn phải cần thêm chút nhẫn nại...

Thời gian mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Nhoằng một cái bạn ngủ dậy, nhoằng một cái đến giờ ăn trưa, nhoằng một cái bạn thấy mình đang nấu bữa tối, rồi nhoằng một cái chưa đủ thời gian chớp mắt, bạn đã đang đắp chăn chờ cơn buồn ngủ ập đến.

Và mọi chuyện lại tiếp diễn như vậy vào ngày hôm sau.

Người ta bắt đầu quen với những thói quen mới. Nấu ăn ở nhà, gọi Facetime cho nhau mỗi khi nhớ, xem ca nhạc qua livestream. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, chỉ khác là mọi hoạt động diễn ra dưới mái nhà, và ngay cả những con phố đông đúc nhất bây giờ cũng vắng hơn cả chiều 30 Tết.

Từ khi dịch bệnh xuất hiện , chuyện "đi cafe đi" của chúng ta đã chẳng còn thoải mái, chúng ta hạn chế hơn, nhìn trước ngó sau hơn, kè kè chiếc khẩu trang hay lọ nước rửa tay khô. Rồi theo số ca bệnh nhiều lên, đi ăn ngoài hay ngồi cafe tụ tập… đã trở thành một thứ khiến chúng ta cảm thấy nguy hiểm.

Những hàng quán đóng cửa lặng như tờ, những con phố sầm uất tối đèn và vắng người khi chỉ mới 8, 9h tối. Chúng ta bắt đầu không bận tâm đến ngày tháng. Cuộc sống bỗng chốc thu nhỏ lại trong bốn bức tường. Và chuyến đi ra ngoài quý giá nhất của mỗi người có lẽ là từ nhà ra siêu thị.

Người Việt Nam, dù trẻ hay già - nhìn chung đều thích "đi cafe". Bất cứ lúc nào trong ngày, chúng ta cũng có thể rủ nhau "đi cafe đi", chỉ cần có thời gian rảnh. Cafe sáng, cafe trưa, cafe tối, cafe cuối tuần. Đi cafe để bàn công việc, đi cafe để gặp gỡ bạn bè. Cứ thế, nhịp sống một ngày của người Việt Nam bao giờ cũng có dáng dấp của một buổi cafe, bao câu chuyện, bao niềm vui, nỗi buồn, bận bịu, nhàn rỗi cũng đều xoay quanh ly cafe mỗi ngày. Đi cafe là một biểu tượng của đời sống thường nhật, của niềm vui rảnh rỗi, của một sự bình thường rất… bình yên.

Có những quán cafe đã trở thành "biểu tượng" cho nhịp sống của từng thành phố. Hà Nội nổi tiếng với "đặc sản" cafe vỉa hè. Nhiều khi quán chẳng cần đầu tư cầu kỳ, chỉ là một tiệm nhỏ giản dị, có cafe ngon và một góc view đẹp nhìn ra đường phố nhộn nhịp, thế là cũng trở thành một địa chỉ hot nhất nhì. Sài Gòn lại là thiên đường của những hàng cafe đẹp và chất, có khi tới vài ngày cũng chẳng đi hết nổi list những quán "phải đi".

"Đi cafe đi".

Từ một câu rủ rê thật quen thuộc, "đi cafe đi" bỗng trở thành một ước muốn cháy bỏng với số đông, một điều... không thể thực hiện vào những ngày cách ly này. Chúng ta bắt đầu nhớ nắng ấm, nhớ những buổi cafe, nhớ những cuộc chuyện trò dưới bầu trời xanh ngắt. Chúng ta nhớ cái nhịp sống đời thường bình yên và vui vẻ. Chúng ta nhớ những buổi sáng cafe, những buổi trưa cafe, những cuối tuần cafe. Thèm được rủ nhau, được nói ra câu: "Đi cafe đi", thay vì hỏi nhau "Hôm nay là thứ mấy?".

Vốn dĩ, chúng ta vẫn phải cố gắng cho những điều đặc biệt. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, chúng ta phải cố gắng cho những điều bình thường.

Kỳ cách ly thử thách sự kiên nhẫn và quyết tâm của con người thời hiện đại. Chúng ta là những sinh vật ham vui, những kẻ không thể tách rời cộng đồng và những hoạt động kết nối. Bỗng chốc, chúng ta phải rời xa nhau để ẩn náu trong chiếc ổ, chờ cơn bão đi qua. Việc đi cafe, cũng giống như cái nhịp sống đời thường ấy, trở nên thật xa xỉ. Và nó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại khi dịch bệnh vẫn còn tồn tại. Chúng ta từng phải cố gắng cho một chuyến du lịch châu Âu, cố gắng cho một bữa ăn fine-dining nhân ngày kỷ niệm. Còn bây giờ, chúng ta phải cố gắng để được rủ nhau "đi cafe đi" trong thời gian sớm nhất.

Cảm thấy nặng nề là điều dễ hiểu. Tìm cách "vượt rào" vì ta nghĩ mọi chuyện thật chủ quan, và ta thì đã chán ngán cảnh giam mình trong phòng thật bức bối. Nhưng mọi nỗ lực tiêu cực ấy chỉ dẫn đến một kết cục duy nhất, là cái ngày cuộc sống trở lại bình thường ấy trở nên xa hơn, khó khăn hơn. Ai cũng đều sốt ruột được thoải mái hít thở khí trời, sốt ruột được tụ tập gặp nhau cho thoả những ngày cách ly, ai cũng muốn được dạo bộ tập thể dục, ai cũng nghĩ mình chỉ ra ngoài "một tí thôi", gặp "một vài người". Chẳng mấy mà mọi nỗ lực giãn cách xã hội suốt mấy ngày qua, bỗng dưng trở nên cheo leo vì chẳng ai kìm được việc lao ra ngoài đường… một tí.

Cuộc sống đời thường ấy - có lẽ, sẽ mất một thời gian nữa mới có thể trở lại. Chúng ta đã đi được một chặng đường đủ dài để có thể vững tin cùng nhau bước tiếp. Cái ngày bình thường mà tất cả đều đang mơ ước sẽ đến khi dịch bệnh qua đi. Và để làm được điều đó, chúng ta chỉ cần cố gắng hoàn thành giãn cách xã hội, giữ vững niềm tin, suy nghĩ thật tích cực, sống lạc quan, tìm niềm vui từ mọi điều nhỏ nhất - vì đó là điều duy nhất ta có thể làm lúc này. Sẽ cần thêm một chút nhẫn nại bởi có lẽ cuộc chiến vẫn còn cần chúng ta cố gắng, nhưng sẽ chẳng là gì để đổi lấy cái nhịp sống bình thường dễ chịu, và cái câu "đi cafe đi" lại trở lại như một sự hiển nhiên vốn dĩ.

Chỉ cần chúng ta cố gắng, ta sẽ lại được rủ nhau "đi cafe đi" như báo với nhau rằng: Sóng gió đã qua đi, và cuộc sống đã về với thường nhật.

Theo Dịp Diệp, thiết kế Hoàng Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: CafeBiz (https://cafebiz.vn/bao-gio-het-dich-chung-minh-lai-ru-nhau-di-cafe-di-20200414211000052.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY