Trong đợt dịch thứ 4, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ, có nhiều em mắc Covid-19, thậm chí có trẻ sơ sinh vài tháng tuổi cũng trở thành F0. Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu đại dịch đến nay, đã có hơn 15.000 trẻ em Việt Nam mắc Covid-19, chủ yếu tại tâm dịch TP HCM.
Tính đến đầu tháng 9, TP HCM đã điều trị cho khoảng 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19, trong đó có 12.000 em đã khỏi bệnh, còn hơn 2.800 ca đang điều trị. Có 13 trường hợp bệnh nhân là trẻ em Tu vong, chiếm tỷ lệ 0,1%. Các trường hợp này hầu hết có bệnh lý nền, trong đó có trường hợp rất nặng như ung thư.
Tại Hà Nội, từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trẻ em tăng lên nhanh chóng. Theo BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi- BV Nhiệt đới Trung ương, đã có hàng trăm bệnh nhi phải nằm viện điều trị vì mắc Covid-19 trong thời gian qua, trong đó có cả những em nhỏ mới chào đời.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, Covid-19 nguy hiểm thế nào với trẻ em? Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các nghiên cứu trên thế giới và thực tế đều cho thấy, sự nguy hiểm của bệnh Covid-19 với trẻ em thường “nhẹ nhàng” hơn, có ít biến chứng hơn so với người lớn. Đa số trẻ mắc Covid-19 cũng có những triệu chứng ho, sốt,… tương tự người trưởng thành nhưng tỉ lệ trẻ có tình trạng bệnh tiến triển nặng như viêm phổi, suy hô hấp luôn ít hơn.
BS Phúc lý giải, trường hợp trẻ em diễn tiến nặng đa số đều có bệnh lý nền như tim phổi bẩm sinh, cơ địa béo phì, bệnh lý về miễn dịch, trẻ ghép tạng... Đây là nhóm có sức khỏe yếu, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi Covid-19. Một nhóm khác cũng có nguy cơ chuyển nặng là những em bé còn quá nhỏ (dưới 1 tuổi), hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.
Trước nguy cơ trẻ em mắc Covid-19, nhiều phụ huynh lo lắng tới sự an toàn, cũng như sự gián đoạn học tập của con trẻ, và mong muốn trẻ phải được tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, BS Phạm Văn Phúc lý giải, sở dĩ ngành y tế chưa tiêm ngay cho trẻ em là vì 2 vấn đề. Thứ nhất, tỉ lệ diễn tiến nặng ở trẻ thấp hơn rất nhiều so với người lớn. Trong hoàn cảnh khan hiếm vaccine tại Việt Nam hiện nay, vaccine nên dành cho nhóm nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh lý nền hay ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, các đối tượng nguy cơ khác…Thứ 2, hiện chỉ có vaccine Pfizer được phê duyệt tiêm cho trẻ em, giới hạn độ tuổi từ 12 trở lên. Các vaccine khác chưa có thử nghiệm diện rộng với trẻ nhỏ, nếu tự ý tiêm sẽ rất nguy hiểm.
Phân tích thêm, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương cho hay, việc thử nghiệm lâm sàng vaccine cho trẻ em phức tạp hơn và đòi hỏi sự quan sát, giám sát chặt chẽ hơn. Do đó, khi tính tới tiêm vaccine cho trẻ em, các nhà sản xuất phải có sự điều chỉnh hàm lượng, thậm chí điều chỉnh công thức để không gây ra phản ứng quá mạnh ở trẻ em và ở những người trẻ tuổi. Như vậy, vaccine cho trẻ cần phải nghiên cứu, thử nghiệm trong một quá trình lâu dài để đánh giá tác động đến trẻ em như thế nào, có ảnh hưởng tới gene, đến các tế bào đang trong giai đoạn sinh trưởng hay không, có làm biến đổi gì về nhận thức, vận động của trẻ không.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện Bộ Y tế đã có kế hoạch mua hàng chục triệu liều vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam. Tuy nhiên số vaccine này hiện chưa về nên nguồn vaccine rất khan hiếm. Khi vaccine Pfizer về nhiều và về đầy đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn tiêm cho đối tượng dưới 18 tuổi.
Trước mắt, trong thời gian chờ tiêm vaccine (với trẻ từ 12 tuổi trở lên) và chờ đợi các nghiên cứu mới về vaccine với lứa tuổi nhỏ hơn, phụ huynh nên hướng dẫn con thực hiện tốt thông điệp 5k, hướng dẫn các trẻ nhỏ cách tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi phòng dịch.