Tính đến 6h00 ngày 31/7/2019, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 65.738 phương tiện/273.457 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong đó: Đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa: 13.888 tàu/75.773 người. Neo đậu tại các bến: 51.850 tàu/190.474 người.
Trước của cơn bão số 3, Bộ GDĐT vừa có công điện gửi các sở giáo dục và đào tạo, Đại học, Trường đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ thuộc các tỉnh/thành phố Bắc Bộ từ Thanh Hóa trở ra.
Theo đó, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT, Đại học, Trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố Bắc Bộ từ Thanh Hóa trở ra theo dõi chặt chẽ của bão, mưa lũ; đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh. Bố trí trực ban để kịp thời ứng phó.
Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Đại học, Trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp sư phạm đang trong dịp nghỉ hè, Hiệu trưởng, Giám đốc trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên tổ chức túc trực, kiểm tra, cất giữ, bảo quản toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tài sản khác để tránh mất mát hư hỏng.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong công tác ứng phó bão lũ; Có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp chuẩn bị cho năm học mới.
* Bộ Công an có Công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai rà soát phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn đảm bảo an ninh, trật tự.
Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
* Tập đoàn Điện lực VN cũng có công điện thượng khẩn yêu cầu xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị công trình, khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra.
Các công ty thủy điện trực thuộc, tổng công ty phát điện, công ty thủy điện kiểm tra công trình, hồ đập nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, vận hành hồ chứa theo quy trình....
Tăng cường kiểm tra sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây điện, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời....
P.H