Khi bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng vừa đăng lên facebook (Hỏi bác sĩ nhi đồng) cảnh báo bệnh khô da mùa lạnh và dị ứng ở trẻ em thì hàng trăm bà mẹ liền vào than: “Bác ơi, con em bị nổi mụn sần sùi toàn thân; bác ơi, con em mặt bị nứt nẻ, chảy máu; bác ơi, da con em đóng vảy, bong tróc ghê quá; bác ơi, con em bị nổi mề đay không ngủ được”…
Chị Quỳnh Hương kể: “Bé gái của em 14 tháng tuổi. Lúc đầu, trên má trái của con chỉ lấm tấm vài nốt đỏ. Hai tuần nay, bé bị ngứa khắp người, da sần sùi, mặt ửng đỏ từng mảng. Bé khó chịu, cào đến tóe máu và quấy khóc liên tục. Em đưa con đi khám thì bác sĩ nói bé bị chàm sữa. Dùng hai loại Thu*c bôi, bé đỡ ngứa. Sau đó, da đóng vảy, nứt nẻ”. Một bà mẹ khác than: “Con em mới bảy tháng, bị chàm hết cả mặt, bé khó chịu khóc suốt ngày và không chịu bú, mới chục ngày mà sụt cân gần 1kg, em lo quá”.
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa là bệnh về da phổ biến nhất trong mùa lạnh. Nguyên nhân, thời tiết cuối năm nhiều thay đổi, ngày nóng, đêm lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chàm (viêm da cơ địa). Những người có da nhạy cảm, dị ứng thì bệnh lý này dễ khởi phát, kích ứng do thay đổi nhiệt của môi trường. Bệnh thường gặp ở trẻ từ bố n tháng đế n hai tuổi. Biểu hiện ban đầu là mặt hay một vùng da nào đó của trẻ xuất hiện những hồng ban, có mụn nước, đóng mày, vảy khô.
Khi mắc bệnh, trẻ ngứa dữ dội, khó chịu, quấy khóc, ăn ngủ kém. Có những trẻ gãi đến tóe máu, còn trẻ nhỏ bị “khống chế” bằng bao tay không gãi được thì thường cọ mặt vào gối, võng cho đỡ ngứa. Càng cọ xát thì da càng dày và dễ làm mụn nước vỡ ra, tiết dịch, da nứt nẻ, chảy máu.
Nếu không chăm sóc, giữ vệ sinh da tốt và chữa trị kịp thời, chàm có thể làm da dễ bị bội nhiễm, có thể dẫn đến biến chứng nặng là nhiễm trùng huyết, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc gãi làm trầy xước hồng ban trên da sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ sau này.
Theo BS Huỳnh Minh Thẩm - khoa Khám bệnh, BV Nhi Đồng 2, một bệnh lý thường gặp trong thời điểm cuối năm là da vảy cá. Đây là bệnh về da với biểu hiện rất đáng sợ, bởi lớp da mịn màng của trẻ bỗng dưng bị biến đổi màu sậm hơn, dày sừng, đóng thành từng mảng cứng, góc cạnh và nứt.
Thời tiết càng lạnh, vảy cá càng diễn tiến nặng. Biểu hiện đầu tiên của da vảy cá là khô da ở mặt trước hai cẳng chân, có hình mạng lưới, dày sừng, sau đó lan sang các vùng da khác, thường gặp nhất là lưng. Khi bệnh tăng nặng, lớp da quá dày sẽ làm tắc các tuyến mồ hôi, mồ hôi bị ứ đọng gây khó chịu và lại làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Như trường hợp của bé Trần Anh T., bảy tuổi, ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TPHCM. Bé bị da vảy cá từ năm ba tuổi, cứ đến giáp tết là hai chân và lưng bé đóng vảy từng mảng dày. Bên cạnh đó, bé còn bị chàm và viêm mũi dị ứng.
Tuy da vảy cá không gây ngứa, nhưng do da quá khô nên có thể làm nứt, bong tróc lớp sừng và nếu không vệ sinh kỹ, vi trùng sẽ xâm nhập và gây những biến chứng nặng nề. Bệnh thường giảm bớt khi thời tiết ấm lên và hầu hết các trường hợp do bẩm sinh nên không thể phòng ngừa, chỉ có thể làm giảm nhẹ diễn tiến của bệnh bằng cách dưỡng ẩm cho da, tránh để khô da - điều kiện thuận lợi cho vảy cá xuất hiện.
Một trong những chứng bệnh về da gây khó chịu, “ngứa như điên” và là nỗi ám ảnh của bà mẹ có con nhỏ là nổi mề đay. Có nhiều yếu tố liên quan đến mề đay mà phụ huynh rất khó để kiểm soát như: thời tiết, thức ăn, môi trường, Thu*c Tây - Đông y…
Chị Lê Thu Hoa ở chung cư Ehome, Q. Bình Tân, TPHCM than: “Bé nhà mình 2,5 tuổi, nổi mề đay cả tháng nay, lúc đầu chỉ vài nốt nhỏ ở cổ, mặt, sau đó thành từng cục to. Nhiều đêm bé không thể nào ngủ được. Mình đã cho bé đi khám ở BS nhi, uống Thu*c nhưng không bớt. BS khuyên tìm nguyên nhân, mình cố gắng theo dõi các loại thức ăn, thời tiết... nhưng vẫn bó tay. Hễ ngừng uống Thu*c thì bé bị lại”.
BS Huỳnh Minh Thẩm cho biết, sai lầm thường gặp của cha mẹ khi chăm sóc con nhỏ bị bệnh về da là tự mua Thu*c trị ngứa, trong đó hay gặp là dùng Thu*c có chứa corticoid. Thu*c bôi chứa corticoid sử dụng vài lần đầu bệnh có thuyên giảm, đỡ ngứa, nhưng dùng lâu dài sẽ gây biến chứng teo da, sậm màu da và có thể gây nhiễm trùng.
Khi bị nổi mề đay, phụ huynh cần cho trẻ tránh gió, mặc ấm và hạn chế gãi, vì càng gãi, càng ngứa, khi nắng ấm lên, mề đay sẽ tự lặn. Đặc biệt, không tự ý sử dụng Thu*c, kể cả Thu*c Đông y, vì Thu*c có thể gây dị ứng và ngộ độc, làm tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Theo các BS, để phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh về da, nhất là bệnh lý liên quan đến cơ địa dị ứng, ngoài việc giữ ấm khi thời tiết thay đổi, phụ huynh cần chú ý đến thực phẩm bé dùng hàng ngày, để tìm ra nguyên nhân dị ứng.
Cần hạn chế những thực phẩm có thể gây dị ứng như: hải sản, trứng, thực phẩm lên men… Đồng thời, tránh dùng dầu gội, sữa tắm có độ pH cao và không nhất thiết phải dùng sữa tắm, dầu gội mỗi ngày. Ngoài ra, nên dùng kem dưỡng ẩm phù hợp cho bé nhằm phòng tránh da khô, da dễ bị kích ứng.
Theo Thùy Dương - Phụ nữ TPHCM