Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bị ngưng thở khi ngủ hậu Covid-19

Đó là trường hợp của anh N.X.A (41 tuổi, Hà Nội) đến khám tại Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai sau khi khỏi Covid-19.

Ngừng thở khi ngủ
 
Anh tâm sự với các bác sỹ, cách đây 3 tuần gia đình anh mắc Covid-19 nên mua máy đo SpO2 để theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, anh phát hiện khi ngủ thường xuyên có những cơn tụt oxy máu xuống rất thấp. Người nhà quan sát thấy có khi chỉ còn dưới 70%.
 
Sợ di chứng tim phổi do Covid-19, anh X.A đến khám tại Trung tâm Hô hấp. Tại phòng khám, các bác sĩ khai thác thấy anh có các triệu chứng như ngủ ngáy, đau đầu, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung công việc từ rất lâu nhưng chưa được phát hiện và chẩn đoán bệnh.
 
Anh X.A được đo đa kí giấc ngủ tại trung tâm Hô hấp. Kết quả đo cho thấy bệnh nhân mắc ngừng thở khi ngủ mức độ nặng với AHI >70, cơn ngừng thở dài nhất 70 giây và SpO2 thấp nhất là gần 50%. Ngay lập tức bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng phương pháp thở máy CPAP. Bước đầu cho thấy đáp ứng tốt anh A đỡ buồn ngủ, tỉnh táo trong ngày hôm sau.
 
Ngừng thở khi ngủ (OSA) là một bệnh lí thường gặp hiện nay, tuy nhiên, bệnh lại ít được biết đến và quan tâm trong cộng đồng mặc dù có thể có các biến chứng rất nặng nề, thậm chí T* vong.

Tỷ lệ mắc bệnh tại Bắc Mỹ là 15-30% ở nam và 10-15% ở nữ. Các ước tính toàn cầu cho thấy có hơn 936 triệu người mắc OSA trong độ tuổi từ 30-69 tuổi. Các yếu tố liên quan chính là tuổi, giới, béo phì và các bất thường về đường thở.
 
Ngưng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thởi có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não,… từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và đột tử.

Hiện nay tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ là đo đa kí hô hấp và đa kí giấc ngủ. 

Người bệnh tới khám tại BV Bạch Mai. 

 
Phát hiện ung thư phổi khi khám hậu Covid-19
 
Còn trường hợp của bà N.T.N. (nữ 50 tuổi, Hà Nội,) đi khám tại phòng khám 502, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Nhà K1-Bệnh viện Bạch Mai) bởi cảm giác hụt hơi, khó thở thường xuyên sau khi khỏi Covid-19 được 02 tháng, tiền căn khác không có gì đặc biệt.
 
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, bệnh nhân được tiến hành các thăm dò xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy bệnh nhân có tổn thương phổi xơ mức độ nhẹ hai bên, đồng thời quan sát trên phim có hình ảnh nốt mờ thùy trên phổi phải kích thước 1 x 1,5 cm.
 
Bệnh nhân được tiến hành các thăm dò chuyên sâu khác, kết luận: Ung thư phổi biểu mô tuyến T1bN0M0 (giai đoạn IA theo TNM8 ) có đột biến gen EGFR. Bệnh nhân sau đó được chuyển tới chuyên khoa Ung bướu để điều trị sớm.

Với ung thư phổi ở giai đoạn này, tiên lượng thường tốt, với tỉ lệ sống trong 5 năm là trên 70%, thậm chí nhiều bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Trên đây chỉ là các ví dụ trong rất nhiều trường hợp phát hiện tình cờ bệnh lý sẵn có nhờ đi kiểm tra sức khỏe “hậu Covid-19” và trường hợp trên cũng rất may mắn vì phát hiện được ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm – căn bệnh mà một khi chẩn đoán ở giai đoạn muộn thì tỉ lệ T* vong là cực kỳ cao.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy các biểu hiện bất thường “hậu Covid-19”, người bệnh nên chủ động đi khám sức khỏe sớm, không chỉ đánh giá được các tổn thương “hậu Covid-19” mà còn là một dịp để khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc các bệnh khác một cách kịp thời.
 
PGS Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch mai cho biết sau khi khỏi Covid-19, đặc biệt các trường hợp mắc bệnh nặng, phải nằm viện điều trị dài ngày, thường gặp phải vấn đề sức khoẻ do những tổn thương gây ra bởi virut ở phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Việc tập luyện phục hồi chức năng hô hấp sớm, dinh dưỡng tốt, thực hiện các biện pháp bảo toàn năng lượng giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe và giảm nguy cơ mắc di chứng hô hấp hậu Covid-19.
 
Các bài tập thở có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng khó thở và giảm tác động của nó đến các hoạt động của người bệnh gồm:Tập thở chúm môi; Tập thở bụng (hay thở cơ hoành); Tập thở với dụng cụ như phế dung kế; Tập thở với bóng giúp làm tăng sức mạnh cơ hô hấp.
 
Khi tập thở người bệnh không cần quá gắng sức mà nên tập từ từ để làm quen và nên luyện tập ít nhất 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5-10 phút.Khi người bệnh có ho khạc đờm nhiều cần tập các bài tập như kỹ thuật tập ho hữu hiệu, tập thở chu kỳ chủ động giúp đờm long ra và dễ khạc đờm, giúp giảm ho.

Đối với các bài tập vận động thể lực, người bệnh thực hiện hàng ngày các bài tập vận động để tăng cường sức mạnh và sức bền của các cơ chi trên và chi dưới 

Khánh Chi 

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/bi-ngung-tho-khi-ngu-hau-covid-19-407790.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY