Trong bối cảnh nỗi lo liên quan đến siêu biến thể omicron gia tăng, chính phủ trên toàn thế giới đang ráo riết triển khai các biện pháp đề phòng nhằm bảo vệ người dân trước làn sóng lây nhiễm tiềm tàng mới.
Các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông là những người đầu tiên cảnh báo về Omicron vào ngày 22-11 sau khi phát hiện biến thể này ở 2 hành khách vừa trở về từ Nam Phi.
Omicron cũng được phát hiện tại Botswana, nơi biến thể này được giải trình tự gien 3 lần và Nam Phi, nơi chỉ phát hiện 1 ca nhiễm Omicron vào thời điểm đó.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 26-11 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “phanh khẩn cấp” hoạt động di chuyển với miền Nam của châu Phi. Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học từ Hồng Kông, Botswana và Nam Phi đã chia sẻ dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc tế liên quan đến biến thể dành cho giới chuyên gia trên toàn thế giới.
Chuyên gia Tom Peacock của Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) ngày 23-11 thể hiện lo ngại đối với 32 đột biến "đáng sợ" của Omicron, nhiều gấp 2 lần so với biến thể Delta.
Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, có nhiều đột biến protein gai có khả năng lây nhiễm. Hiện biển thể này đã xuất hiện tại Úc, Anh, Đức, Israel, Ý, CH Czech và Hồng Kông (Trung Quốc)…
Đến ngày 24-11, thông tin về Omicron được báo Daily Mail (Anh) đăng tải, trước khi một vài nhà khoa học bác bỏ những nỗi lo liên quan đến biến thể mới, nói rằng lượng đột biến lớn đồng nghĩa biến thể này khó có thể hoạt động ổn định, tức nhiều khả năng không thể lây lan diện rộng.
Dù vậy, không ít chuyên gia cảnh báo nếu Omicron có thể lấn át biến thể thống trị Delta ở Nam Phi, nó có thể gây ra tác động tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới. Chuyên gia Francois Balloux của Trường ĐH Hoàng gia London không loại trừ khả năng Omicron có thể né tránh kháng thể tốt hơn nhiều so với Delta. "Ở thời điểm hiện tại, Omicron cần được theo dõi sát sao. Tuy nhiên, chúng ta không cần quá lo lắng trừ khi biến thể này xuất hiện với tần suất dày đặc hơn" – ông Balloux nói thêm.
Số ca nhiễm mới Covid-19 của Nam Phi tăng vọt trong giai đoạn từ ngày 11-11 đến 25-11. Ảnh: Daily Mail
Số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng theo cấp số nhân ở tỉnh Gauteng – Nam Phi vào ngày 25-11, đặc biệt là ở TP Johannesburg, nơi ghi nhận mức tăng 93% sau 24 giờ.
Cùng ngày, chính phủ Anh tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về việc đóng cửa biên giới với hành khách đến từ châu Phi. Cũng trong cuộc họp này, theo Daily Mail, các bộ trưởng Anh được thông tin rằng mức độ hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm ít nhất 40% trước Omicron.
Đến ngày 26-11, nhiều quốc gia, trong đó có Bỉ và Israel, thông báo ca nhiễm đầu tiên liên quan đến Omicron. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng ngày kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) kích hoạt "phanh khẩn cấp" đối với hoạt động di chuyển với miền Nam của châu Phi, đồng thời cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể phổ biến nhất trên toàn thế giới trong vài tháng tới.
"Mọi chuyến bay đến những quốc gia này cần bị ngừng lại cho đến khi chúng ta hiểu rõ về sự nguy hiểm của Omicron. Lúc này, điều quan trọng là châu Âu hành động nhanh chóng, quyết liệt và thống nhất" – bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.
Covid-19: Xuất hiện "nạn nhân" lớn đầu tiên của biến thể mới Omicron
Trong cuộc họp khẩn cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào danh sách "biến thể đáng lo ngại". WHO khẳng định cần nghiên cứu thêm để xác định liệu Omicron có lây nhiễm nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn và có thể né kháng thể do vắc-xin tạo ra hay không.
"Biến thể này có nhiều đột biến, bao gồm một vài đột biến đáng lo ngại" – bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về Covid-19, khẳng định hôm 26-11.
Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với toàn bộ công dân nước ngoài vì những nỗi lo liên quan đến Omicron. Lệnh cấm, được thông báo hôm 27-11, dự kiến kéo dài trong 2 tuần.
Những công dân Israel trở về từ một quốc gia nằm trong danh sách đỏ, bao gồm nhiều nước ở miền Nam châu Phi, sẽ phải cách ly trong 7 ngày tại một khách sạn được chỉ định. Bộ Y tế Israel ngày 28-11 thông báo đã phát hiện 7 ca nghi nhiễm Omicron, bên cạnh ca nhiễm đã được xác nhận là một người trở về từ Malawi.
Người dân xếp hàng chờ lên máy bay rời Nam Phi tại sân bay quốc tế O.R. Tambo ở TP Johannesburg hôm 26-11. Ảnh: AP
Cùng ngày, Sở Y tế New South Wales (Úc) thông báo 2 ca nhiễm Omicron được phát hiện ở các hành khách nhập cảnh Sydney từ miền Nam của châu Phi. Cũng theo Sở Y tế New South Wales, cả 2 ca nhiễm đều đã được tiêm phòng đầy đủ và không biểu hiện triệu chứng.
Đài CNN cho biết Úc đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những du khách nước ngoài từng đến 9 quốc gia ở miền Nam của châu Phi trong 14 ngày qua, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana và Zimbabwe.
Bảng điện tử cho thấy nhiều chuyến bay đến London bị hủy tại sân bay quốc tế O.R. Tambo, TP Johannesburg – Nam Phi hôm 26-11. Ảnh: REUTERS
Tại Hàn Quốc, lệnh hạn chế di chuyển cũng đã được ban bố đối với hành khách đến từ 8 quốc gia ở miền Nam châu Phi, theo thông báo ngày 28-11 của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (DCPA).
Những công dân nước ngoài đến từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini, Malawi và Mozambique đã bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc, DCPA cho biết thêm. Hoạt động cấp thị thực cho công dân đến từ những quốc gia này cũng đã bị ngừng cho đến khi có thông báo thêm. Những công dân Hàn Quốc trở về từ 8 quốc gia nêu trên sẽ phải cách ly 10 ngày tại địa điểm do chính phủ chỉ định.
Châu Âu cũng đang tích cực áp đặt lệnh cấm di chuyển và tăng tốc củng cố năng lực giải trình tự gien sau khi nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Áo, thông báo các ca nhiễm và nghi nhiễm Omicron.
Phản ứng của thủ tướng anh boris johnson khi nói về biến thể omicron trong cuộc họp báo hôm 27-11 ở thủ đô london. ảnh: reuters
Các nhà khoa học tại Bệnh viện Khu vực ở Liberec (CH Czech) ngày 27-11 chia sẻ với đài CNN rằng 1 ca nhiễm Omicron đã được phát hiện ở nhóm du khách đến từ Namibia. Những hành khách đi cùng người này cũng đang được kiểm tra Covid-19 và Omicron.
Đến chiều 27-11 (giờ địa phương), 2 ca nhiễm Omicron được xác nhận ở Anh, 2 ở Đức và 1 ở Ý, bên cạnh hàng chục ca nghi nhiễm khác ở Hà Lan và CH Czech.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci khẳng định Omicron nhiều khả năng cũng đã xuất hiện tại Mỹ nhưng chưa bị phát hiện.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định nếu Omicron xuất hiện tại đây, các ca nhiễm liên quan đến biến thể này sẽ được phát hiện nhanh chóng thông qua hệ thống giám sát biến thể quốc gia.
WHO ngày 27-11 khẳng định các quốc gia Đông Nam Á phải mở rộng quy mô giám sát, tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, đồng thời tăng tốc phủ sóng vắc-xin để đối phó Omicron.
Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Poonam Khetrapal Singh kêu gọi các quốc gia trong khu vực đánh giá rủi ro liên quan đến hoạt động di chuyển quốc tế để từ đó, triển khai các biện pháp phù hợp. Cũng theo bà Singh, việc số ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở các khu vực khác cùng với sự xuất hiện của Omicron là một lời gợi nhắc về "rủi ro dai dẳng" của Covid-19.
"Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bằng mọi giá, chúng ta không được chủ quan" – bà Singh khẳng định.
Biến thể Omicron có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Ảnh: REUTERS
Sau cảnh báo nêu trên, chính phủ Indonesia quyết định cấm nhập cảnh những hành khách từng đến 8 quốc gia châu Phi trong thời gian gần đây. Theo tài liệu chính thức được Reuters chia sẻ hôm 28-11, kể từ ngày 29-11, những hành khách từng đến Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique, Eswatini hay Nigeria trong 14 ngày trước đó sẽ không được phép nhập cảnh Indonesia. Phái đoàn tham dự các phiên họp G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), do Indonesia chủ trì, không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Trước đó 1 ngày, quan chức y tế cấp cao Thái Lan Opas Karnkawinpong thông báo kể từ ngày 1-12, quốc gia của ông sẽ không cho phép nhập cảnh hành khách đến từ 8 quốc gia châu Phi có rủi ro lây nhiễm Omicron cao, gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Thái Lan cũng sẽ ngừng tiếp nhận đăng ký nhập cảnh từ những quốc gia này từ ngày 27-11.
Kể từ 23 giờ 59 phút (giờ địa phương) ngày 27-11, Singapore hạn chế nhập cảnh những hành khách từng đến 7 quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, trong 14 ngày trước đó. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin hôm 27-11 thông báo kể từ ngày này, công dân Malaysia không được đến Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Hành khách nước ngoài từng đến 7 quốc gia nêu trên trong 14 ngày trước đó không được phép nhập cảnh Malaysia. Với những công dân và thường trú nhân Malaysia từng đến 7 quốc gia này, họ sẽ phải cách ly 14 ngày khi trở về nước.
Tại những quốc gia khác ở Đông Nam Á, Philippines và Singapore ngày 26-11 cũng đã ban bố lệnh hạn chế di chuyển tương tự với 7 quốc gia nêu trên. Lệnh hạn chế của Philippines được áp dụng từ ngày 26-11 đến ngày 15-12 trong khi lệnh hạn chế của Singapore có hiệu lực từ 23 giờ 59 phút (giờ địa phương) ngày 27-11.
Thực hiện:
Cao Lực - Lê Duy
Chủ đề liên quan:
biển thể covid 19 biến thể Omicron dịch bệnh Covid 19 dịch bệnh Covid 19 làn sóng corona Làn sóng COVID 19 tình hình dịch bệnh