Đó là trường hợp xảy ra tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Công ty Long Việt), có địa chỉ tại phương Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ngày 28/7, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Dĩ An cho biết, khi test nhanh, công ty nói trên đã phát hiện có công nhân dương tính với Covid-19, nhưng doanh nghiệp này đã giấu, không khai báo với chính quyền sở tại.
"Chỉ đến khi người khác báo cho tôi biết, tôi mới chỉ đạo cơ quan chức năng vào kiểm tra thì phát hiện 248 F0. Sau đó hơn 2 ngày công ty mới có văn bản gửi cho các cơ quan chức năng", ông Bảy nói.
Theo ông Bảy, ngày 27/7, ngay sau khi phát hiện sự việc, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Dĩ An đã thực hiện phong tỏa Công ty Long Việt và đưa toàn bộ 248 công nhân đi đều trị Covid-19.
Đồng thời, cơ quan chức năng TP Dĩ An đã lập biên bản đối với công ty này về các lỗi “không cung cấp thông tin về phòng, chống dịch cho địa phương và không hợp tác trong phòng chống, dịch theo quy định”.
Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt nơi có 248 ca dương tính virus SARS-CoV-2 mà không khai báo.
Theo văn bản của Công ty Long Việt gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, công ty có khoảng 800 công nhân. Nhưng đã cho nghỉ và chỉ bố trí cho khoảng gần 300 người ở lại công ty sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, kể từ ngày 10/7.
Từ ngày 20/7, công ty này thuê đơn vị y tế tư nhân để test sàng lọc cho công nhân thì phát hiện 242 F0 và 40 F1. Tuy nhiên phải đến ngày 25/7, Công ty Long Việt mới có văn bản gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đề nghị được xử lý, giải quyết gấp, hỗ trợ đưa công nhân đi điều trị Covid-19 và cho F1 về nhà tự cách ly, theo dõi tại địa phương. Lý do là “số lượng hiện 288 công nhân, trong đó có 248 ca F0, thực sự quá lớn, chúng tôi đã kiệt sức, không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng, chống dịch được nữa”.
Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP Dĩ An đã thực hiện phong tỏa công ty.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo TP Dĩ An cho hay: Việc Công ty Long Việt tự tổ chức test nhanh sàng lọc Covid-19 cho công nhân là được khuyến khích. Nhưng Khi thực hiện, công ty phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương đến để giám sát. Sau đó công nhận các kết quả xét nghiệm và nếu phát hiện F0 thì cơ quan y tế sẽ kịp thời “bóc tách” F0, F1 đưa đi điều trị, cách ly.
"Trước khi thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” cơ quan chức năng đã tuyên truyền, giải thích để doanh nghiệp tự lựa chọn và có quyền dừng lại nếu không bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Đây là bài học cho những doanh nghiệp chưa bảo đảm các điều kiện an toàn phòng chống dịch nhưng vẫn cố tình che giấu thông tin, tìm cách duy trì hoạt động" - ông Bảy nói.
Chủ đề liên quan: