Kinh tế xã hội hôm nay

Bỏ quy định thu phí nhưng người đến từ Hà Nội, TPHCM bị yêu cầu cách ly

MangYTe - Câu chuyện một số tỉnh, thành phố chỉ đạo cách ly tất cả người đến từ địa phương có dịch và thu phí gây nên nhiều ý kiến trái chiều những ngày qua. Mới đây, tỉnh Quảng Nam và TP Hải Phòng đã đưa ra quyết định không thu phí cách ly người đến từ Hà Nội, TPHCM…

Tỉnh Quảng Ninh lập các chốt chặn giao thông và yêu cầu cách ly 14 ngày với người đến từ địa phương khác. ẢNH: QUỐC NAM

Sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn

Sau cuộc họp giao ban của Thường trực HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất chỉ đạo, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh vận động, sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp cách ly tập trung đối với người Quảng Nam từ vùng dịch trở về từ ngày 1/4 đến ngày 15/4 thay vì quy định yêu cầu người cách ly phải trả phí được ban hành vài ngày trước đó.

Được biết hiện tại toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 600 người đang cách ly tập trung (trong đó hơn 570 người về từ TPHCM và Hà Nội). UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang phối hợp với Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành khác hỗ trợ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. Trong đó, Hội đồng hương Quảng Nam tại TPHCM đã vận động, tiếp nhận được 440 triệu đồng, 2 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con Quảng Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Hà Nội và TPHCM đang gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi COVID-19.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định nhất quán và quyết tâm cao thực hiện giải pháp mạnh về cách ly xã hội để ngăn chặn lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Vì vậy, từ ngày 1-15/4, trừ trường hợp đến Quảng Nam theo yêu cầu công vụ, những người khác từ Hà Nội và TPHCM về Quảng Nam phải chấp hành việc cách ly tập trung 14 ngày…

Tương tự, UBND TP Hải Phòng cũng có văn bản điều chỉnh, bổ sung quy định đối với những trường hợp phải cách ly tập trung thuộc diện tự trả chi phí phục vụ cách ly. Theo quy định mới, TP Hải Phòng sẽ chi trả chi phí phục vụ cách ly tập trung theo quy định (người cách ly không phải trả tiền). Trước đó ngày 4/4, UBND TP Hải Phòng có văn bản về việc, tất cả những người từ vùng dịch về Hải Phòng đều phải cách ly tập trung và tự trả chi phí phục vụ cách ly. Hiện Hải Phòng là thành phố chưa có ca nào mắc COVID-19; số người đi cách ly tập trung tại các cơ sở là 583 trường hợp.

Riêng tại TP Đà Nẵng với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bệnh lây lan thứ phát trên địa bàn, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục triển khai cách ly y tế tập trung có thu phí đối với người đến từ Hà Nội, TPHCM (kể cả công dân Đà Nẵng) từ ngày 5/4.

Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã thống nhất phương án vận chuyển người bị cách ly. Cụ thể, người được phát hiện tại sân bay, cảng biển sẽ do phương tiện của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố vận chuyển. Người được phát hiện tại các chốt kiểm dịch sẽ sử dụng xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận, huyện (đối với trường hợp dưới năm người). Từ 5 người trở lên cần vận chuyển thì sử dụng phương tiện của quân đội.

Thêm nhiều tỉnh, thành cách ly người đến từ vùng có dịch

Nhiều tỉnh, thành áp dụng cách ly tập trung đối người nước ngoài và công dân đến từ địa phương có dịch để ngăn chặn lây lan thứ phát. ẢNH: VIỆT LINH

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở GTVT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát tất cả người Việt Nam và người nước ngoài đến tỉnh Bình Định từ 0h ngày 8/4 bằng đường sắt, đường bộ, đường biển để thực hiện triệt để các biện pháp cách ly theo quy định nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Theo quan điểm của địa phương này, người từ vùng dịch về tỉnh Bình Định trong thời gian cách ly xã hội nêu không có lý do chính đáng thì cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh hoặc đưa vào khách sạn được tỉnh trưng dụng làm khu cách ly tập trung (nếu khách có yêu cầu) và phải tự trả chi phí ăn ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly.

Như vậy, tính đến chiều 8/4, có ít nhất 9 tỉnh, thành thực hiện việc cách ly đối với những người từ vùng có dịch đến địa phương mà không có lý do chính đáng. Cụ thể, sau TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng và Quảng Nam thì các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bình Định… cũng quyết định áp dụng cách ly 14 ngày đối với người đến từ vùng có dịch hoặc đi qua các địa phương có dịch về tỉnh này. Theo ghi nhận tại Lào Cai, từ ngày 3/4 áp dụng đến nay, tỉnh này đã cách ly gần 1.000 người đến và về từ Hà Nội.

Ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng. "Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe nhân dân", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ giải thích cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh chứ không phải là ngăn cấm giao thông, không phải phong tỏa.

Nhóm Phóng Viên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bo-quy-dinh-thu-phi-nhung-nguoi-den-tu-ha-noi-tphcm-bi-yeu-cau-cach-ly-20200409010359402.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY