Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 10/11, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi về tình trạng lạm dụng xã hội hóa để các tổ chức và cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị vào bệnh viện Nhà nước nhằm thu lợi nhuận, dẫn đến việc lạm dụng kỹ thuật, Thu*c và nhiều lãnh đạo bệnh viện vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, chủ trương xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ về việc đẩy mạnh tăng cường xã hội hóa nhằm bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.
Theo Bộ trưởng, nhiều hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến triển khai xã hội hóa đã được ban hành, trong đó có luật về quản lý, sử dụng tài sản công cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chấn chỉnh trong vấn đề triển khai công tác xã hội hóa, không được tăng thu, lạm thu, đồng thời luôn phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đánh giá vấn đề này, cũng như vấn đề thanh quyết toán trong sử dụng máy móc xã hội hóa. Tuy nhiên, có một số hệ thống pháp luật vẫn chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm, khâu tổ chức thực hiện ở một số đơn vị chưa đúng, nhiều khi nóng vội, mang tính cá nhân dẫn đến tính chủ quan, sai phạm trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, thời gian gần đây, Quốc hội đã đánh giá lại vấn đề xã hội hóa, cụ thể vẫn sẽ tiếp tục chủ trương xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực xã hội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, cần phải hình thành hành lang pháp lý để làm sao mở rộng và tạo điều kiện cho các đơn vị y tế trong vấn đề tiếp cận đối với xã hội hóa. Và vấn đề này đã được Bộ Y tế đề cập trong nghị định trình Chính phủ về liên doanh, liên kết về xã hội hóa.
“Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính, trong việc xây dựng nghị định riêng về liên doanh, liên kết xã hội hóa cho ngành y tế để tạo hành lang pháp lý như vậy”, Bộ trưởng cho hay.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đây là một mô hình tốt, nhưng dễ xảy ra sai phạm do lợi dụng lỗ hổng để trục lợi. Chẳng hạn như khi liên doanh, liên kết thì sẽ liên quan đến vấn đề định giá gốc, có thể nâng giá này lên để ăn chia, dẫn đến việc nâng giá dịch vụ lên để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, thời gian đặt máy móc, thiết bị do chủ quan của doanh nghiệp cũng như cá nhân và bệnh viện công lập, và vấn đề ăn chia phân phối, tỷ lệ thế nào cũng có thể dẫn đến việc tư lợi.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần phải xây dựng văn bản hướng dẫn về liên doanh, liên kết xã hội hóa cho ngành y tế. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để xây dựng hướng dẫn này. Đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để ngăn chặn thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Trả lời về trách nhiệm của ngành công an liên quan đến tiêu cực trong lĩnh vực y tế, bộ trưởng công an tô lâm cho biết, thời gian vừa qua tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, cũng xảy ra tại các bệnh viện lớn và được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là “phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”, đấu tranh xử lý hành vi vi phạm, răn đe cả lĩnh vực. Điển hình vụ việc CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai… các đối tượng đã thừa nhận vi phạm.
Qua các vụ việc này, có dư luận cho rằng do lỗi cơ chế, hệ thống, tuy nhiên Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định là “không phải do lỗi này” mà các đối tượng đã lợi dụng tình hình khó khăn để lách luật, vi phạm về hình sự và xứng đáng bị xử lý. Với vi phạm hình sự, cá thể hóa trong quá trình điều tra, chứng minh được yếu tố tham ô, tham nhũng, thông đồng để ăn chia, tư lợi.
Bộ trưởng Công an đề nghị Bộ Y tế, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn vi phạm; đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào diện bình ổn giá. Về hành vi buôn lậu, buôn bán trái phép Thu*c, vật tư y tế, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu, “dùng nơi khó đi lại để đưa hàng vào”, và Bộ Công an đã tập trung điều tra xử lý.
Bộ trưởng Công an cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình tham mưu, quy trình đầu tư, mua sắm để sớm ngăn chặn vi phạm.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XVChủ đề liên quan:
Bộ trưởng Công an Tô Lâm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chất vấn và trả lời chất vấn xã hội hóa y tế