Bướu nhân tuyến giáp có 2 loại: đơn nhân và đa nhân. đa số các nhân là u nang chứa dịch đặc hay lỏng (bướu hỗn hợp). và ở dạng nằm im không hoạt động nên bệnh nhân thường không có biểu hiện gì đặc biệt. chỉ khi nhân phát triển lớn, nó có thể gây chèn ép dẫn đến khó nuốt, nuốt vướng, có cảm giác tắc nghẹn hoặc khàn tiếng, thay đổi giọng nói. điều quan trọng là xác định bướu nhân lành hay bướu ung thư phải dựa vào chọc tế bào. nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp có những đặc điểm giống như bướu lành tính, nhất là khi nhân nhỏ.
Trong một số trường hợp, nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, gia tăng sản xuất hormon tuyến giáp gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể khiến người bệnh có biểu hiện cường giáp (bệnh basedow): tay run kèm theo hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực, gầy nhanh, mắt lồi, nhịp tim nhanh, hay cáu gắt vô cớ, rối loạn giấc ngủ, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi... việc điều trị phụ thuộc loại bướu: nếu là bướu ác tính cần phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp; nếu bướu lành cần khám định kỳ để theo dõi và có thể chung sống hòa bình; nếu bướu basedow thì điều trị nội khoa vẫn là một phương pháp hữu hiệu để đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp và là cơ sở để giúp các phương pháp điều trị khác đạt kết quả tốt hơn. trường hợp của chị cần khám chuyên khoa nội tiết và làm thêm một số xét nghiệm như chọc nhân giáp để làm tế bào hoặc siêu âm dopple tuyến giáp để có chẩn đoán xác định, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị cụ thể.