Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Các loại đồ uống cần tránh hoặc hạn chế dùng

Trong thời tiết nóng đỉnh điểm này, nhu cầu giải khát của cơ thể là rất lớn.

Uống nước đá thay vì uống nước lọc

Khi đi ngoài trời nắng nóng, bạn có cảm giác thèm một cốc nước mát lạnh, nhiều đá để giảm cơn khát. Nước đá giúp giải cơn khát tức thì, đem lại cảm giác mát lạnh. Tuy nhiên, đây là thời điểm không thích hợp để uống các loại nước này, thậm chí chúng còn gây hại cho cơ thể. Nếu uống nước đá lạnh lúc cơ thể đang nóng sẽ làm cho các mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, làm giảm chức năng dạ dày, dễ dẫn đến đau bụng cấp. Vì thế khi đi ngoài nắng về, bạn nên uống một cốc nước mát. Bằng cách này, cơ thể sẽ hạ nhiệt từ từ cũng như nhanh chóng thích nghi với nhiệt độ mới, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.

Nước ngọt có ga

Nhiều người lầm tưởng uống nước giải khát có gas sẽ giúp đánh tan cơn khát nhưng thực sự lại không phải thế, thậm chí còn làm mất nước và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nước ngọt có gas thường chứa hàm lượng cafein nhất định. Chất này không những gây kích thích, nghiện hay tăng lực cho người uống mà còn là chất lợi tiểu. Vì thế, cơ thể của bạn rất dễ mất nước khi uống nhiều. Nước ngọt có gas chứa nhiều chất trong đó chất ngọt nhân tạo, nếu uống hết một chai nước ngọt có gas vào mỗi ngày tức là bạn đã tăng thêm một lượng đường vào cơ thể và nguy cơ mắc đái tháo đường, tim mạch và sức khỏe răng miệng.

Các loại đồ uống cần tránh hoặc hạn chế dùngNước  ngọt có gas – một thức uống cần tránh để bảo vệ sức  khỏe.

Vào mùa hè, nó cũng làm tăng nguy cơ mất nước. Nghiên cứu từ Hiệp hội S*nh l* học Mỹ phát hiện việc sử dụng nước ngọt có gas để bù nước thực sự lại làm mất nước và tăng tổn thương thận. Nghiên cứu này đã theo dõi sự tác động của các loại đường đơn (glucose và fructose) trong nước ngọt có gas khi thí nghiệm với chuột. Những con vật này tiếp xúc với nhiệt độ 36 độ C, được uống nước ngọt có gas trong khoảng 4 tuần. Sau nghiên cứu, thận của chuột có dấu hiệu viêm, tổn thương và bị oxy hóa.

Uống bia

Bia lạnh là thức uống rất được đấng mày râu ưa chuộng tại các cuộc tụ họp buổi chiều ngày nắng nóng. Nhưng bia là một thức uống lợi tiểu do góp phần làm tăng lượng nước tiểu khiến cơ thể đối diện với nguy cơ mất nước. Khi cơ thể bị mất nước do nắng nóng, uống bia làm bạn đi tiểu nhiều hơn, cơ thể bài tiết nhiều hormone giữ nước ADH, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước. Bia cung cấp năng lượng nhưng là năng lượng rỗng (không đầy đủ các chất dinh dưỡng) dễ dẫn đến hội chứng chuyển hóa trong cơ thể.

Không nên lầm tưởng mùa hè uống nhiều bia là có thể thay cho nước lọc. Bia có thể giúp cơ thể đổ mồ hôi nhiều, nhưng không nên dùng nó thay cho nước lọc, vì bia sẽ kích thích nội tiết tố tuyến thượng thận, do đó nhịp tim tăng, khô miệng, loãng máu…

Trà và cà phê

Nếu nghiện trà hay cà phê, bạn nên hạn chế uống vào mùa hè. Đồ uống chứa caffeine và carbon sẽ làm cơ thể nóng hơn, từ đó làm mất nước. Dù bạn sử dụng bất kỳ dạng cà phê hay trà nào, có đá hoặc không có đá, đặc hay loãng thì đều có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Ngoài ra, caffeine có tính lợi tiểu, do đó sẽ làm bạn mất nước. Nếu bạn không thể từ bỏ được thói quen uống trà và cà phê, thì bạn nên bổ sung thêm lượng nước cần thiết cho cơ thể.

Nước tăng lực

Caffeine trong nước tăng lực cũng đóng vai trò như chất lợi tiểu và khiến bạn mất nước nghiêm trọng, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục và đổ mồ hôi nhiều, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Không chỉ có caffeine, các loại nước tăng lực thường chứa nhiều đường. Khi uống nước tăng lực, mọi người đều không có thói quen uống nhấm nháp, nhâm nhi từng ngụm hay từng hớp mà sẽ uống một lượng lớn, và vì thế cơ thể sẽ phải “chấp nhận” một lượng lớn caffeine và đường. Lượng caffeine lớn chính là lý do gây nên những hệ lụy xấu với hệ thần kinh, gây bất ổn về tâm lý, mất ngủ, tăng huyết áp, khiến cho nhịp tim thất thường hoặc gặp phải những rắc rối về dạ dày.

ThS. Nguyễn Thị Thúy

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/cac-loai-do-uong-can-tranh-hoac-han-che-dung-n178298.html)

Chủ đề liên quan:

đồ uống cần tránh

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY