Hai nghiên cứu mới nhất cùng bổ sung bằng chứng cho thấy ánh sáng ban ngày đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa tật cận thị.
Ảnh: themalaysianinsider.com |
Một nghiên cứu của Đài Loan đã quan sát 333 học sinh, bị "ép" ra sân chơi trong giờ giải lao. Các em này, nhiều em trong đó thường dành thời gian ở trong nhà, giờ đây có tổng cộng 80 phút mỗi ngày chơi ngoài sân.
Một ngôi trường gần đó đóng vai trò nhóm đối chứng, vì học sinh ở đây không bị ép phải phải ra sân chơi trong giờ giải lao. Học sinh ở cả hai trường đều được kiểm tra mắt ở đầu thời điểm nghiên cứu và lặp lại 1 năm sau đó.
Kết quả cho thấy, số trẻ bị cận thị (hoặc sắp cận thị) ở ngôi trường ép học sinh ra ngoài sân chơi ít hơn đáng kể so với trường đối chứng.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo trường tiểu học nên tăng thêm giờ nghỉ giải lao và các hoạt động ngoài trời khác để giúp giữ gìn thị lực cho các em nhỏ.
"Vì trẻ dành hầu hết thời gian ở trường, nên một sự can thiệp từ phía nhà trường (chẳng hạn một giờ giải lao ngoài sân) sẽ là cách trực tiếp và hiệu quả nhất để ngăn ngừa đại dịch cận thị", trưởng nhóm nghiên cứu, Pei-Chang Wu, từ Bệnh viện Kaohsiung Chang Gung Memorial ở Đài Loan, cho biết.
Cùng lúc đó, một nghiên cứu độc lập khác khảo sát dữ liệu từ năm 2005, trong đó có 235 học sinh tiểu học ở Đan Mạch không bị cận thị. Khảo sát cho thấy, trong nhóm trẻ ít tiếp xúc với ánh mặt trời nhất, độ dài trục mắt trung bình là 0,19mm, so với 0,12mm ở nhóm trẻ tiếp xúc ánh sáng mặt trời nhiều nhất. Chỉ số này càng lớn, nghĩa là tật cận thị càng nặng.
"Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh mặt trời giúp trẻ tránh được tật cận thị", trưởng nhóm nghiên cứu, Dongmei Cui từ Đại học Sun Yat-sen (Trung Quốc) nói.
Cả hai nghiên cứu cùng được công bố trên tạp chí Ophthalmology, tạp chí của Viện khoa học nhãn khoa Mỹ.