Mắt hôm nay

Sụp mi mắt, xệ mí mắt nếu phẫu thuật sẽ cải thiện bao nhiêu phần trăm?

Sụp mi mắt, xệ mí mắt có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, vậy cách phòng ngừa và điều trị thế nào, phẫu thuật sẽ cải thiện bao nhiêu phần trăm?

Nội dung bài viết:

1. Nguyên nhân gây sụp mi mắt là gì?

2. Sụp mi có liên quan đến bệnh nhược cơ không?

3. Tình trạng sụp mi bẩm sinh và mắc phải xảy ra ở người lớn như thế nào?

4. Bệnh sụp mi bẩm sinh kéo dài có khiến người đó bị mù hay không?

5. Thói quen không tốt nào gây sụp mi mắt?

6. Làm sao để phòng tránh sụp mi, xệ mí mắt?

7. Phẫu thuật sụp mi sẽ đạt hiệu quả bao nhiêu phần trăm?

8. Ngoài phẫu thuật, còn có phương pháp chữa trị sụp mi mắt khác không?

9. Lưu ý trước và sau phẫu thuật sụp mi mắt?

10. Sau khi phẫu thuật, mắt bệnh nhân sẽ hồi phục trong bao lâu?

1. Nguyên nhân gây sụp mi mắt là gì?

Sụp mi mắt được chia thành 2 nhóm: sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải.

Sụp mi bẩm sinh là do khiếm khuyết bẩm sinh của cơ hay cân của mi, do sự phát triển bất thường của dây thần kinh chi phối cơ nâng mi.

Sụp mi mắc phải cũng là do cơ và cân của cơ nâng mi bị khiếm khuyết trong quá trình trưởng thành, có thể bị chấn thương, buông chân cơ hoặc dây thần kinh bị tổn thương cũng gây ra tình trạng sụp mi mắt.

2. Sụp mi có liên quan đến bệnh nhược cơ không?

Điều này hoàn toàn chính xác vì sụp mi do nhược cơ là một bệnh cần được phát hiện ngay từ đầu. Vấn đề điều trị được chia thành hai nhóm: nhóm dùng Thu*c và nhóm phẫu thuật. Bệnh nhân bị sụp mi do nhược cơ chỉ cần uống Thu*c sẽ hồi phục vấn đề sụp mi. Bác sĩ cần phải phát hiện sụp mi có phải do nhược cơ hay không.

Trong bệnh lý nhược cơ, khoảng 50% trường hợp là khởi đầu của bệnh lý đó với một triệu chứng là liệt cơ ở mắt, gây ra sụp mi. Nhược cơ có thể xảy ra toàn thân hay ở một nhóm cơ nào đó có thể cơ mắt hay cơ hô hấp. Nhược cơ ở mắt chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nhóm cơ khác.

Về vấn đề tổn thương dây thần kinh, dây thần kinh số III chi phối nhiều cơ ở mắt, trong đó có cơ nâng mi. Nếu dây thần kinh số III bị tổn thương, chắc chắn cơ nâng mi sẽ bị ảnh hưởng và sụp mi chính là hậu quả.

3. Tình trạng sụp mi bẩm sinh và mắc phải xảy ra ở người lớn như thế nào?

Đối với người lớn, sụp mi bẩm sinh sẽ xuất hiện sau đợt bị nhồi máu não, có thể sau một chấn thương, có rất nhiều bệnh cảnh dẫn đến sụp mi. Đôi khi bệnh lý mạch máu có thể gây tổn thương lên dây thần kinh và nó gây sụp mi.

4. Bệnh sụp mi bẩm sinh kéo dài có khiến người đó bị mù hay không?

Bệnh sụp mi bẩm sinh được chia thành hai nhóm. Nhóm sụp mi bẩm sinh sẽ gây ra tình trạng giảm thị lực. Sụp mi độ 4 sẽ che đồng tử của mình.

Trẻ em cảm thụ ánh sáng hình ảnh rất nhạy cảm. Cả hai mắt tiếp nhận thông tin và truyền tín hiệu về não, nếu một trong hai mắt không truyền được tín hiệu về não thì theo thời gian não sẽ cắt đường tín hiệu đó. Nó sẽ gây ra vấn đề nhược thị do sụp mi nặng, đặc biệt là sụp mi ở một mắt. Sụp mi ở một mắt chiếm đến 75% trong sụp mi ở trẻ em.

Đối với người lớn, mất thị lực do sụp mi hầu như không xảy ra trừ phi đó là tổn thương dây thần kinh số III kèm theo tổn thương dây thị giác. Dây thần kinh số III chi phối cho dây cơ nâng mi, đó chính là dây thần kinh tiếp nhận cảm giác, hình ảnh cho mắt mình. Khi 2 dây thần kinh đó bị tổn thương, nó sẽ gây ra tình trạng mất thị lực. Nếu chỉ tổn thương dây thần kinh số III hay cơ nâng mi, hay do bị vấn đề về cơ thì thị lực sẽ không bị ảnh hưởng.

5. Thói quen không tốt nào gây sụp mi mắt?

Cơ nâng mi sẽ có cân bám vào mi mắt của mình (sụn mi). Thói quen hàng đầu gây sụp mi là dụi mắt, nếu người bệnh dụi ít, nó sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu dụi nhiều, chân cơ sẽ nhích lên theo thời gian và buông sụn mi xuống. Mi mắt người bệnh sẽ có tình trạng bị sụp xuống.

Hoặc khi mắt có tình trạng viêm nhiễm sẽ dễ gây ra tình trạng chân cơ bị lỏng lẻo và không bám đúng vị trí. Chân cơ nhích lên như vậy sẽ làm mi mắt hạ xuống.

6. Làm sao để phòng tránh sụp mi, xệ mí mắt?

Khi những tình huống này xảy ra, chúng ta không có nhiều cách phòng tránh. Người bệnh cần hạn chế tình trạng viêm nhiễm, cần tránh dụi mắt mạnh và nhiều. Bệnh nhân cần hạn chế sử dụng mắt trong khoảng thời gian dài. Xem máy tính và lướt điện thoại là nguyên nhân kéo mi mắt bệnh nhân xuống. Không những chân của cơ nâng mi tụt khỏi sụn mi mà da mi cũng bị chùng xuống.

Sụp mi do tuổi già điển hình là do chân cơ bị buông khỏi sụn mi và tuột lên trên. Lúc đó, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để kéo chân cơ để kết hợp lại với sụn mi phía dưới. Khe mi bệnh nhân có thể mở to trở lại như ban đầu.

7. Phẫu thuật sụp mi sẽ đạt hiệu quả bao nhiêu phần trăm?

Đối với các phẫu thuật viên, việc phẫu thuật này không quá khó. Phẫu thuật có thể đạt hiệu quả từ 80-90%. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là phẫu thuật viên phải cân chỉnh làm sao để mi mắt phải đều bằng mắt còn lại. Đó là vấn đề các phẫu thuật viên quan tâm.

8. Ngoài phẫu thuật, còn có phương pháp chữa trị sụp mi mắt khác không?

Sụp mi mắt sẽ có rất nhiều nguyên nhân. Nếu nguyên nhân nhược cơ gây ra, bệnh nhân sẽ dùng Thu*c. Nếu tổn thương dây thần kinh gây nên, bác sĩ sẽ điều trị thần kinh để giúp dây thần kinh phục hồi. Lúc đó, cơ sẽ hoạt động lại.

Trường hợp sụp mi do sợi bun của các cơ hoặc sụp mi do bất thường của cơ hay chân cơ, bác sĩ sẽ can thiệp bằng phẫu thuật.

9. Lưu ý trước và sau phẫu thuật sụp mi mắt?

Trước khi phẫu thuật, chúng ta sẽ đi khám với bác sĩ chuyên khoa mắt, bác sĩ chuyên về phẫu thuật mi mắt. Bác sĩ sẽ đánh giá sức cơ, mắt bên kia mí như thế nào trước khi phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ có các cân chỉnh cho phù hợp.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần phải chăm sóc vết thương, hạn chế bụi và nước bẩn đi vào vết thương. Bệnh nhân cần dùng Thu*c theo toa của bác sĩ và tránh các công việc làm tăng áp lực lên vùng đầu cổ, bởi vì như vậy, nó sẽ làm tăng xuất huyết, sưng mi mắt.

Bệnh nhân tuyệt đối không được dụi mắt kể cả trước và sau phẫu thuật. Khi phẫu thuật sụp mi, bác sĩ sẽ dùng một sợi chỉ để đính lại cơ nâng mi lên sụn mi. Trong trường hợp bệnh nhân dụi mắt mạnh, nốt chỉ sẽ bị bung và mi mắt sẽ tuột xuống. Bác sĩ phải mổ lần hai để điều chỉnh mi mắt.

10. Sau khi phẫu thuật, mắt bệnh nhân sẽ hồi phục trong bao lâu?

Sau khi phẫu thuật sụp mi, bệnh nhân sẽ băng mắt lại trong 1 ngày. Hôm sau, bệnh nhân có thể tháo băng và sinh hoạt một cách nhẹ nhàng trong khuôn viên gia đình.

Sau 1 tuần, bác sĩ sẽ cắt chỉ cho bệnh nhân và vết sưng của vết thương cũng đã giảm nhiều. Lúc đó, bệnh nhân có thể đeo kính để làm việc văn phòng.

Sau nhiều tháng, sưng bầm mi mắt sẽ giảm 90%. Cuộc sống của bệnh nhân đã trở lại bình thường vào thời điểm ấy.

Trọng Dy


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Lần cập nhật cuối: 21:59 07/11/2021 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/sup-mi-mat-xe-mi-mat-neu-phau-thuat-se-cai-thien-bao-nhieu-phan-tram-n419091.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY