1. Nghe tin bệnh của dì trở nặng phải nhập viện, đàn cháu xôn xao lo lắng và không quên cắc cớ hỏi nhau: “Thế ai sẽ đổ bô cho dượng trong mấy ngày tới?”. Hỏi nhau xong lại ngậm ngùi nghĩ về cuộc đời lặng lẽ như chiếc bóng của dì cạnh người chồng độc đoán, gia trưởng.
Cả một đời sợ chồng và lặng im trước cái nghiến răng ken két cùng ánh mắt trừng trừng đe nẹt, dì đã sống như thế và đám con cháu vẫn luôn băn khoăn sao dì có thể chịu đựng suốt mấy chục năm qua. Như một “điều lệ” bất di bất dịch bao năm, mỗi đêm dì lại cắm cúi đi đổ bô dù nhà vệ sinh cách đó mấy bước chân và ông chồng vẫn ăn ngủ, đi đứng khỏe mạnh.
Có lần, đứa cháu gái tò mò mở lời hỏi lý do, dì trầm ngâm nhớ về những ngày đầu làm vợ, cũng hoang mang tuyệt vọng, cũng muốn lựa chọn con đường ly hôn. Nhưng rồi nghĩ đến bố mẹ, nghĩ về đàn em đang nhìn về người chị cả, dì đành nhắm mắt buông xuôi và chịu đựng đến tận bây giờ. “Chị cả là đầu tàu phải còng lưng mà kéo thôi, kéo mãi rồi quen, ngoảnh lại thời gian đã trôi tuốt tuồn tuột”.
Hai chữ “hạnh phúc” đối với nhiều người quả thật xa vời, viển vông khi một đời sống tủi nhục, cay đắng trước ánh nhìn hà khắc của người bạn đời. Ảnh minh họa. |
2. Một người chị đồng nghiệp của tôi vừa lên chức quản lý khiến bao người trầm trồ về tài sắc vẹn toàn, hạnh phúc lứa đôi viên mãn. Một đôi vợ chồng bước qua gian khó cùng vun đắp mái ấm với hai đứa con xinh xắn, đủ nếp đủ tẻ, học hành giỏi giang quả là bức tranh hoàn mỹ.
Những tưởng cuộc đời cứ bình lặng trôi như thế, ai dè mọi người bắt đầu xôn xao về chuyện anh chồng làm quản lý ở một cơ quan khác lén lút xậm xịt với cấp dưới. Tin đồn dội đến cơ quan chị, người người xầm xì bàn tán. Những lời đẩy đưa, cạnh khóe, mạt sát nhau trên mạng lôi tuột chuyện nhà chị giữa chốn đông người.
Chẳng ai biết phong ba bão táp trong lòng chị cuộn lên dữ dội bao nhiêu, chỉ là mỗi ngày chị vẫn đến cơ quan khoe nụ cười thật rạng rỡ. Nhiều người thân thiết mở lời “hay là ly hôn đi…” nhưng đáp lại vẫn là khóe môi cười cùng cái lắc đầu chắc như đinh đóng cột. “Phải giữ mái ấm dẫu nó dột nát đến tận cùng, vì hai đứa con đang tuổi lớn…” - Không còn là vợ người ta, chị vẫn phải giữ cha cho con trẻ!
3. “Nhà” vẫn đủ đầy rường cột và tường mái, nhưng “nhà” không còn là tổ ấm cho người ta nương náu, vun vén, bồi đắp. Nhiều người đã và đang cố níu giữ cái hình ảnh lung linh từ bên ngoài của “nhà” dù bên trong mục rỗng và tàn tệ đến đâu đi chăng nữa. Bởi chính họ - những người vợ, người mẹ trong gia đình còn phải gìn giữ “bức tranh” hạnh phúc cho con cái, bố mẹ, họ hàng.
Hôn nhân chưa bao giờ là chuyện của riêng hai người. Đôi nhẫn cưới bé xinh lồng vào ngón áp út kết nối hai con người vẫn tưởng là cột chặt được hai cuộc đời, hai số phận. Nhưng đâu ai đoán định được chữ “ngờ”, khúc ngoặc cuộc đời thoáng chốc ập đến khiến người trong cuộc bức bối, vũng vẫy, bứt phá.
Và rồi giữa vòng vây của những mối quan hệ ràng buộc cùng định kiến “thiên chức” quàng lên vai người phụ nữ bao đời khiến họ chấp nhận cảnh nhẫn nhục, chịu đựng, câm nín và cuối cùng “hóa đá” trong hôn nhân của chính mình.
Hai chữ “hạnh phúc” đối với nhiều người quả thật xa vời, viển vông khi một đời sống tủi nhục, cay đắng trước ánh nhìn hà khắc của người bạn đời! Và hạnh phúc chẳng thể đúng nghĩa khi quanh năm suốt tháng phải cố diễn cho tròn vai một gia đình hạnh phúc trước mặt con cái, bè bạn!
Tiếc rằng nhiều người đã chọn cách sống “hóa đá” trong hôn nhân, tự chôn vùi niềm vui của mình.
Theo Trang Hiếu/VOV
Link bài gốc Lấy link
https://vov.vn/tinh-yeu-gia-dinh/hoa-da-trong-hon-nhan-vi-nhan-nhin-ban-doi-1034346.vovTheo Trang Hiếu/VOV