Mô tả: Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, vỏ nứt sâu. Lá mọc so le, dày, mặt trên xanh đậm, lúc khô vàng vàng, chóp tròn hay có mũi, không lông, dài 9-15cm, rộng 3-6cm. Chùm đơn ở nách hay ở ngọn, dài 10cm. Hoa trắng hay vàng xanh, thơm, phủ lông len màu hung; cánh hoa 4-5mm; nhị nhiều. Quả hạch thuôn dài 1cm, không lông, mang thuỳ dài dựng đứng, màu tía, có thịt không nhiều màu mận. Hạt 1-3, thuôn.
Nơi sống và thu hái: Loài cây của lục địa Nam Á, mọc ở rừng thưa, savan cây gỗ, quần hệ thứ sinh trên đất nghèo ở độ cao thấp và tới độ cao 1500m từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Quảng Ninh đến các tỉnh vùng Tây Nguyên. Còn phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Thu hái vỏ thân hay vỏ rễ quanh năm, bóc vỏ về phơi hay sấy khô; vỏ mềm, dễ gãy vụn. Lá thu hái quanh năm, mang về phơi hay sấy khô dùng dần.
Thành phần hoá học: Vỏ cây chứa các alcaloid loturin, colloturin và loturidin; cón có một chất có màu đỏ sẫm và một chất lacton vô định hình. Trong lá có tanin, hợp chất flavonosit.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hoa rất thơm, rất được ong ưa thích. Quả ăn được, vỏ được dùng để nhuộm và cả để giữ màu. Vỏ dùng chữa rong kinh, đau bụng, đau ruột, bệnh về mắt, loét. Nước sắc còn dùng để làm Thu*c súc miệng chữa lợi răng chảy máu; cũng được dùng để chữa đái ra dưỡng trấp. Lá được dùng làm chè uống cho tiêu cơm; cũng dùng chữa đau bụng và chữa ỉa chảy. Người ta còn dùng nước sắc và xirô lá Dung đất chữa đau dạ dày có tăng toan (Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã sử dụng với liều 15-30g lá khô mỗi ngày cho người lớn, đạt kết quả tốt).
Ở Ấn Độ, vỏ cây Dung đất được dùng dưới dạng bột hay Thu*c sắc trị đau bụng, các bệnh đau mắt và các vết loét.
Đơn Thu*c: Chữa rong kinh do sự dãn nở của các mô ở tử cung và chữa đái ra máu: Vỏ Dung đất tán bột trộn với đường, với liều 1g, ngày uống 3 lần, liên tục trong 3-4 ngày.