Mô tả: Cây thảo mọc hàng năm, cao 30-60cm, có thân phân nhánh, thường nhuốm màu đỏ, ở phía trên các điểm phân nhánh thường phình lên. Lá hình ngọn giáo, nhẵn có những điểm tuyến trong suốt; mép lá nguyên; cuống lá ngắn; bẹ chìa mỏng và phát triển. Hoa tập hợp thành bông thưa ở ngọn nhánh và ở nách các lá gần ngọn, thường mọc nghiêng. Hoa nhỏ 2-4mm, màu lục hoặc đo đỏ, hình phễu, có những điểm trong suốt. Quả bế hình tam giác bầu dục, đôi khi có 3 góc tròn.
Nơi sống và thu hái: Loài cây phân bố rộng từ châu Âu sang châu Á. Ở nước ta, cây mọc hoang ở những chỗ ẩm thấp, dọc kênh rạch, ao hồ, thường gặp phổ biến ở ao hồ, ruộng vào các tháng 1, 3, 5, 6, có khi lẫn với các loại cỏ dại khác. Thu hái toàn cây khi cây đang ra hoa, dùng tươi hoặc phơi khô trong râm để dùng dần.
Tính vị, tác dụng: Trong cây có một acid kết tinh có màu gọi là acid polygonic còn có acid gallic, một tinh dầu màu vàng trong, mùi cay, vị nóng (trong đó có tadaconal và polygodiol), một glucosid anthraquinonic được xem như là hoạt chất, một chất màu vàng kết tinh, còn có một alcaloid đắng, có các flavonoid trong đó có quercetin, hyperin, rhamnazin, isorhamnetin. Hạt cũng chứa acid polygonic, tanin và tinh dầu.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, thơm, tính ấm; có tác dụng khư phong lợi thấp, tán ứ chỉ thống, giải độc tiêu thũng, sát trùng chỉ dương. Ở Ấn Độ, cây và lá được xem như có vị cay, có tác dụng kích thích, lợi tiểu, điều kinh; còn rễ kích thích và có tác dụng bổ đắng. Người ta cũng biết được lá chứa acid polygonic gây tác dụng kích thích, còn glucosid anthraquinonic lại làm tăng nhanh sự đông máu.
Công dụng: Nghể răm thường được dùng làm Thu*c: 1. Trị giun, diệt giòi, bọ gậy; 2. Chữa viêm dạ dày ruột, kiết lỵ, ỉa chảy; 3. Phong thấp đau nhức xương khớp, đòn ngã ứ đau; 4. Thuỷ thũng; 5. Tử cung xuất huyết, phình tĩnh mạch và dãn tĩnh mạch, vết thương chảy máu, ho ra máu, xuất huyết dạ dày, trĩ.
Liều dùng: 8-12g, sắc nước uống hoặc dùng 20-30g cây tươi giã nát, thêm nước, lọc uống. Dùng ngoài tuỳ lượng lấy cây tươi giã đắp hay nấu nước tắm rửa.