Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Chân dung đội quân low tech sử dụng phương pháp chống dịch từ 90 năm trước giúp Nhật Bản phản ứng nhanh với Covid-19

(Tổ Quốc) - Sử dụng phương pháp đối phó với bệnh lao từ 90 năm trước, Nhật Bản đã tương đối thành công trong việc chống dịch Covid-19.

Virus corona có thể mới nhưng công việc của Yuko Koizumi thì vẫn như vậy. Tại Kawasaki, một thành phố nằm ở phía nam Tokyo, gần 300 người đã dương tính với virus corona vào đầu tháng 6. Thế nhưng Koizumi không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Là người đứng đầu về phản ứng bệnh truyền nhiễm của mạng lưới 7 trung tâm y tế công cộng của thành phố, cô có thể vạch ra một chiến lược quen thuộc được sử dụng trong các đại dịch trước đây và những dịch bệnh bùng phát theo mùa. Phương pháp là theo dõi các con đường lây nhiễm qua tiếp xúc gần, kiểm tra bệnh nhân hồi phục và sắp xếp điều trị khi cần thiết.

7 trung tâm y tế công cộng của Kawasaki là một phần của mạng lưới hơn 450 tổ chức tương tự trên khắp Nhật Bản, đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự bùng phát bệnh dịch của quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhật Bản có một "đội quân" theo dõi tiếp xúc được đào tạo bài bản khi virus tấn công và có thể cung cấp mô hình cho các quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự tồn tại của các trung tâm này – nơi thực hiện và thực thi chính sách y tế công cộng từ tư vấn chế độ ăn uống cho người già đến điều tra lạm dụng trẻ em, là một trong những lý do chính giúp Nhật Bản tránh được sự bùng phát ca mắc virus corona.

Koizumi nói: "Tôi nghĩ mình sẽ không thể làm tốt nếu như đó không phải thứ mà tôi đã biết cách xử lý từ trước. Nhóm của chúng tôi luôn kết nối với nhau trong công việc".

Nhân viên của trung tâm đã đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm liên lạc một cách nhanh chóng. Họ giống như những người gác cổng khi các ca mắc đầu tiên ở Nhật được xác định vào tháng 1. Họ yêu cầu bệnh nhân nêu chi tiết hoạt động, chia sẻ thông tin cá nhân và cả những người họ đã gặp để theo dõi và xét nghiệm, cách ly nhóm này nếu có dấu hiệu.

Chân dung đội quân ‘low tech’ sử dụng phương pháp chống dịch từ 90 năm trước giúp Nhật Bản phản ứng nhanh với Covid-19 - Ảnh 1.

Không giống như một số địa phương ở châu Á như Hong Kong, nơi các nhà chức trách công khai thông tin chi tiết về văn phòng, nhà ở, nhà hàng và quán bar mà người nhiễm bệnh đã lui đến để xét nghiệm những người khác, Nhật Bản lại tránh việc công bố thông tin như vậy. Nhân viên trung tâm y tế công cộng ở Nhật tiến hành truy tìm thông tin và các mối liên hệ của bệnh nhân mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư cho họ.

Haruka Sakamoto, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo cho biết người Nhật tin tưởng vào trung tâm y tế công cộng và sẵn sàng chia sẻ bất kỳ loại thông tin nào.

Các trung tâm y tế công cộng thực hiện vô số chức năng tại khu phố địa phương, không khác "chất keo" kết nối cộng đồng. Ngoài phản ứng với bệnh truyền nhiễm, họ giám sát một loạt mối quan tâm về sức khỏe, từ tư vấn cho người già về chế độ ăn uống, tập luyện, kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh đến cấp giấy phép cho quán bar, nhà hàng, cho đến điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm hay lạm dụng trẻ em.

Chân dung đội quân ‘low tech’ sử dụng phương pháp chống dịch từ 90 năm trước giúp Nhật Bản phản ứng nhanh với Covid-19 - Ảnh 2.

Tài trợ giảm

Dù đóng vai trò quan trọng trong phản ứng với bệnh truyền nhiễm nhưng các trung tâm y tế công cộng ở Nhật Bản lại không hề được trang bị công nghệ cao hay cơ sở vật chất hoành tráng. Việc truy tìm dấu vết liên lạc đã có lúc bị ảnh hưởng khi có quá nhiều ca mắc mới cùng lúc tại Nhật vào tháng 4.

Các trung tâm đều thiếu một hệ thống tập trung để chia sẻ thông tin. Họ phải sử dụng máy fax để báo cáo ca nhiễm mới một cách riêng lẻ, khiến việc truyền thông tin quan trọng bị chậm và thêm vào khối lượng công việc nặng nề.

Một nhân viên trung tâm y tế công cộng tại nơi tập trung những người có triệu chứng.

Tài trợ cho hệ thống trung tâm cũng bị thu hẹp trong vài năm gần đây, khiến số lượng đã giảm gần một nửa trong 30 năm qua. Điều này đã gây ra tình trạng quá tải ở những thành phố lớn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, có lẽ sau đại dịch lần này, các trung tâm sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Theo ông Takatorige, giáo sư y tế công cộng ở Osaka, đa số mọi người chỉ quan tâm đến phương pháp điều trị và vắc-xin tiềm năng mà không nghĩ về hệ thống đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày.

Tay vợt số 1 thế giới – Novak Djokovic nhiễm virus corona tại chính giải đấu do mình tổ chức

Gia Vũ

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/chan-dung-doi-quan-low-tech-su-dung-phuong-phap-chong-dich-tu-90-nam-truoc-giup-nhat-ban-phan-ung-nhanh-voi-covid-19-520202461192615.htm)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY