Bà có nhận định gì về cuộc sống của lao động tự do - đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất khi đại dịch Covid-19 xảy ra?
- Lao động tự do có mức thu nhập rất thấp, không có tiền tiết kiệm, để dành. Bởi có khi cả gia đinh trông chờ vào gánh hàng rong của mẹ. Vì thế, đại dịch Covid-19 xảy ra dài ngày, họ chẳng có tiền lấy ra để tiêu. Cuộc sống của họ rất khó khăn và một điều đáng lo ngại là họ thường không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nếu gia đình có người ốm thì nguy hiểm quá và khó khăn hơn rất nhiều.
Hiện nay, nhiều quận, huyện, phường, xã, tổ chức, cá nhân hỗ trợ các đối tượng, trong đó có lao động tự do nhu yếu phẩm, thực phẩm. Nhưng cái khó là làm sao nắm được hết số lao động tự do?
- Chúng ta có thể giúp được những lao động tự do sống hoặc thuê nhà ở Hà Nội. Khi họ về quê, lúc đó chính quyền địa phương tìm xem những người nào gặp hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ.
Hiện nay ở TP có rất nhiều sáng kiến nhưng tôi nghĩ nên làm như thế nào cho bài bản để tránh trùng lặp; và những người khó khăn nhất đều được giúp đỡ. Để nắm được thông tin về lao động tự do, tôi nghĩ là sự vào cuộc của chính quyền địa phương (công an) ở nơi họ tạm trú. Bây giờ cần có điều tra để xem họ như thế nào.
Trong tình hình hiện nay, chính quyền có nhiều việc phải chống dịch, trong khi lực lượng mỏng thì hoàn toàn có thể trưng dụng đội ngũ tình nguyện viên, sinh viên... Họ sẽ đi điều tra khảo sát tình hình của những lao động tự do rồi lập danh sách, biết rõ nhu cầu của họ cần gì, cần bao nhiêu. Lúc đó, cùng với ngân sách của Nhà nước, các địa phương sẽ kêu gọi những nhà hảo tâm, như thế sự giúp đỡ sẽ bài bản hơn.
- Nếu có khảo sát đến tận nơi thì chắc chắn sẽ nhận diện được nhóm ấy là những ai, cụ thể thế nào, hoàn cảnh ra sao. Còn việc làm sao có sự hỗ trợ kịp thời và nhanh, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền sở tại. Tôi nghĩ, khu vực phường, quận nào thì chính quyền địa phương đều nắm được thông tin sơ bộ lao động tự do. Nhưng bây giờ phải lên tiếng trước đã, thứ nữa là sự ủng hộ của cộng đồng có đóng góp nhanh. Nếu có chiến lược làm tốt thì sự huy động của cộng đồng không khó khăn.
Bà đã có ý kiến về việc cần có sự hỗ trợ hành lang pháp lý để hoạt động tặng nhu yếu phẩm của các tổ chức cho người khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid -19 được thuận lợi?
- Hiện nay có nhiều nhóm thiện nguyện tự nguyện đứng ra quyên góp tiền và lương thực thực phẩm tặng cho người khó khăn. Nhưng các nhóm này lại bị chỗ này, chỗ kia nghi ngờ làm thế có đàng hoàng không... có thể làm cho họ nản lòng. Cũng như sẽ gặp khó khăn trong quyên góp hay phân phối những phần quà đến các lao động tự do, hộ gia đình khó khăn.
Tôi nghĩ để tránh sự nghi ngờ và phiền toái, chính quyền địa phương và các tổ chức ở địa phương nên đứng ra bảo lãnh cho những hoạt động này, đó chính là hỗ trợ về mặt pháp lý; ví dụ như Hội Phụ nữ bảo lãnh cho các nhóm tặng quà. Tất nhiên, các nhóm vẫn làm việc của họ nhưng có chính quyền bảo lãnh sẽ thuận lợi hơn, đưa đến tay đối tượng nhanh hơn, nhất là trong lúc gấp rút thế này.