Dư luận phấn khởi trước thái độ nghiêm minh của Nhà nước khi thu hồi nhà công vụ của cán bộ cao cấp gần đây bởi nhà công vụ là tài sản của dân đã bị cá nhân chiếm đoạt thành của riêng.
Dư luận phấn khởi trước thái độ nghiêm minh của Nhà nước khi thu hồi nhà công vụ của cán bộ cao cấp gần đây bởi nhà công vụ là tài sản của dân đã bị cá nhân chiếm đoạt thành của riêng. Thế nhưng giữa Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên về hưu nhưng vẫn ở trong căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa suốt bao năm nay không còn là chuyện căn nhà nữa mà là tính nghiêm minh của
chính quyền thành phố cũng như sự gương mẫu của cán bộ cấp cao khiến dư luận bức xúc.
Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa không phải là sự phát hiện mới đây mà ồn ào cách đây 8 năm rồi! Điều lạ là vấn đề hết công vụ phải trả nhà công vụ đã rõ, quy định áp dụng cho mọi công dân dù giữ chức vụ “nguyên” gì, song tại sao
chính quyền TP. Hà Nội cứ phải lao tâm khổ tứ tìm nhiều cách để thuyết phục ngài cựu Chủ tịch trả nhà suốt 8 năm nay?
Nhớ lại 8 năm trước, khi hết tiêu chuẩn thuê, ông Nghiên đề nghị được mua lại căn biệt thự trên theo cách hóa giá (nôm na là mua rẻ như cho) nhưng Thông báo 225/TB-UBND ngày 5/10/2006 của UBND TP. Hà Nội lúc ấy khẳng định không bán nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho cựu Chủ tịch UBND thành phố. Thế nhưng TP. Hà Nội chỉ đạo không cho bán nhưng lại không chỉ đạo “không cho thuê”. Và vì thế, Công ty Quản lý và Phát triển nhà tiếp tục cho ông Nghiên thuê căn biệt thự này. Vẫn biết ông Nghiên ở biệt thự trên phải trả tiền thuê nhà, nhưng sao không còn làm việc công, ông vẫn cố thủ trong nhà công vụ? Đã thuê, chuyện thuê nơi ở khác, để nhà công vụ dành cho người làm công vụ sẽ nhẹ như lông hồng mà sao khó khăn vậy? Hay là thuê chỗ khác phải trả theo giá thuê hiện hành, còn thuê nơi đang ở theo giá tượng trưng? Chưa nói đến việc căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được thu hồi, khai thác kinh doanh trong 8 năm qua, tiền thu về cho ngân sách cũng không ít mà thiệt hại lớn nhất là tính nghiêm minh của
chính quyền thành phố bị chao đảo, tấm gương cán bộ nguyên đứng đầu Thủ đô bị hoen ố trước dân.
Vài năm gần đây, được biết TP. Hà Nội sẽ mua 1 căn nhà tại dự án khu Đông hồ Nghĩa Đô. Đây là ngôi nhà 3 tầng với diện tích sử dụng là 173m
2, diện tích đất là 163m
2. Thành phố sẽ bố trí cho ông Nghiên ở tại ngôi nhà này và ký hợp đồng thuê nhà với ông Nghiên. Thậm chí: “Nếu ông có nhu cầu mua nhà thì thành phố sẽ giải quyết bán và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định số 61”. Thế nhưng, chuyện trả biệt thự vẫn bế tắc!
Thông cảm với Hà Nội khi căn biệt thự trên nếu quan nhỏ thuê (nhưng quan nhỏ thì không thuê được biệt thự to thế này) mà lại là quan từng đứng đầu thành phố. Vì bất cứ lý do gì,
chính quyền TP. Hà Nội phải chịu trách nhiệm về việc 8 năm qua không xử lý được việc thu hồi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa này. Nhưng không có ai xử lý chuyện chậm thu hồi nên Hà Nội không lo trách nhiệm chăng? Nếu
chính quyền Hà Nội làm đúng quy định, công tâm, công bằng thì ông Nghiên phải trả nhà từ lâu. Không lẽ
chính quyền của một thành phố đứng đầu cả nước lại chịu bó tay trước cá nhân ông Hoàng Văn Nghiên.
Chuyện nhức nhối hơn lại là một công dân chây ì, làm khó
chính quyền thành phố lại là một cán bộ cao cấp, không làm gương trả lại nhà công vụ, không hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan
chính quyền thực hiện thủ tục thu hồi nhà! Qua ông, dư luận sẽ nhìn vào lãnh đạo đương nhiệm ra sao khi ngày còn tại chức ông luôn rao giảng đạo đức công chức.
Không lẽ trước khi nhận chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên không có nhà ở? Và hiện nay, chắc ông thiếu chỗ ở đến mức phải dây dưa không trả nhà lại cho Nhà nước? Ai cũng biết ông Nghiên cố tình chây ì là vì lợi ích của ông và gia đình ông. Các cơ quan của TP. Hà Nội đi tìm nhà, xây dựng để mời ông Nghiên đến ở, trả tiền thuê, ông vẫn không chịu. Ông thích ở nhà to hơn trên mảnh đất vàng giữa Thủ đô nhưng uy tín của ông càng teo tóp, ngả thành màu vàng khác.
Hơn ai hết, ông Hoàng Văn Nghiên từng làm Chủ tịch TP. Hà Nội sẽ thừa biết riêng thành phố ông đã có thời đứng đầu còn rất nhiều cán bộ công chức, người có công, thương binh không có nổi một căn nhà cấp 4 để chui vào chui ra. Không lẽ lòng tham còn mạnh hơn cả nhân cách và danh dự của một nguyên cán bộ cao cấp?
Về hưu không có nghĩa là hết và được phép đánh mất chính mình. Buồn thay!
Đức Trung