Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Vai trò then chốt của chính quyền địa phương trong công tác y tế cơ sở

HPG tuyến tỉnh 2019 với chủ đề Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế cơ sở (YTCS) hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế và TS.Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tham dự và khai mạc cuộc họp.

Tham dự HPG tuyến tỉnh lần này còn có đại diện từ các bộ/ban ngành, địa phương và các đối tác cùng thảo luận và đưa ra ý kiến để có thể quản lý và điều phối tốt công tác YTCS nhằm thực hiện các SDG về y tế.

Tại cuộc họp, WHO đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường YTCS thông qua vai trò của địa phương. Quảng Ninh, Quảng Bình, Yên Bái, Hà Nội,....chia sẻ thực tiễn triển khai YTCS, đặc biệt là việc đầu tư và huy động nguồn lực phát triển YTCS, và sự tham gia của và cộng đồng trong công tác YTCS.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Trưởng Đại diện WHO Kidong Park khai mạc HPG tuyến tỉnh 2019. (Ảnh: Thu Phương)

HPG tuyến tỉnh 2019 tập trung vào làm rõ vai trò của chính quyền các cấp trong y tế cơ sở, đưa ra các thảo luận cởi mở về thách thức, rào cản từ phía trung ương, và đưa ra các giải pháp để có thể quản lý và điều phối tốt công tác YTCS nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế.

Y tế cơ sở: Ưu tiên hàng đầu của ngành y tế

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: công tác YTCS là một trong những trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của ngành y tế và của toàn xã hội, đúng như tinh thần của Nghị quyết 20 NQ/TW về sự cần thiết xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, là nền tảng.

Để phát triển mạng lưới y tế cơ sở bền vững, sự lãnh đạo và tham gia chủ động của các cấp, cũng như việc phối hợp giữa trung ương địa phương là điều kiện tiên quyết. Điều này đã được khẳng định trong các văn kiện chính sách về y tế của Việt Nam. Cụ thể, Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới xác định rõ vai trò và trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí ngân sách và phân bổ kinh phí; bảo đảm nhân lực và tài chính, xây dựng chính sách thực hiện, tăng cường chức năng giám sát kiểm tra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại HPG tuyến tỉnh 2019. (Ảnh: Thu Phương)

Chương trình mục tiêu y tế dân số 2016-2020 huy động khoảng 25% kinh phí thực hiện chương trình từ phía địa phương. Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhấn mạnh đến sự tham gia đóng góp nguồn lực của các bên và của địa phương trong việc lập kế hoạch, lồng ghép với các chương trình, dự án trong quá trình triển khai.

Chăm sóc sức khỏe người dân một cách toàn diện, liên tục, theo suốt vòng đời

Mục tiêu phát triển bền vững về y tế bao gồm các mục tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em, các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các yêú tố nguy cơ, sức khỏe sinh sản, ô nhiễm và môi trường, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Sự tham gia của từ cơ sở vì vậy là nhân tố quyết định tác động đến việc thực hiện các mục tiêu trên.

Trong bối cảnh nguồn tài trợ nước ngoài cắt giảm, ngân sách nhà nước hạn chế, phân cấp cho địa phương là xu hướng, tính chủ động và tích cực của chính quyền trong công tác YTCS sẽ quyết định năng lực của hệ thống YTCS tại địa phương và tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Chính phủ và ngành y tế đã xác định chăm sóc sức khỏe cho người dân không chỉ là điều trị khi có bệnh, mà quan trọng là dự phòng và nâng cao sức khỏe. Điều này càng cho thấy vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe người dân một cách toàn diện, liên tục, theo suốt vòng đời. Chính quyền cần có cách tiếp cận toàn diện đến các nhân tố liên quan đến sức khỏe để bảo đảm cho người dân có chất lượng cuộc sống và sức khỏe tốt nhất.

Những thay đổi về y tế cũng đặt ra yêu cầu cần tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương. Ví dụ, vấn đề về già hóa dân số và nhu cầu được chăm sóc tại cộng đồng; vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang có ảnh hưởng mạnh mẽ lên sức khỏe người dân; hay các vấn đề về an toàn thực phẩm, ứng phó với dịch bệnh… Sự quản lý và điều phối hiệu quả của chính quyền địa phương sẽ giúp giải quyết sâu sắc, triệt để các vấn đề nói trên.

Vai trò then chốt của chính quyền địa phương

Có thể nói, chính quyền địa phương giữ vai trò trung tâm trong việc tạo dựng môi trường, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân. Chính quyền địa phương là nơi gần dân và hiểu dân nhất, hiểu các đặc thù mang tính vùng miền của địa phương. Vì vậy không ai có thể tốt hơn trong việc lập chiến lược và kế hoạch CSSK cho người dân trên địa bàn. Các can thiệp từ cộng đồng dân cư sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt đối với công tác y tế công cộng..

Sự lãnh đạo và tham gia của các cấp, đặc biệt tuyến huyện và tuyến xã cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề tồn tại trong y tế là thu hẹp khoảng cách giữa vùng miền và các nhóm dân cư cũng như bảo đảm tính công bằng, hiệu quả và hiệu suất của hệ thống y tế.

Các kết quả đã đạt được của ngành y tế là nhờ phần hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền các cấp. Các địa phương đang cố gắng nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho người dân trong điều kiện còn nhiều hạn chế.

Để đạt được các mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế, cần sự lãnh đạo, cam kết và tham gia mạnh mẽ hơn nữa của UBND tỉnh, các Sở ban ngành, UBND huyện và cấp xã với việc đặt các mục tiêu phát triển YTCS trong chương trình nghị sự. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và các cấp sẽ bảo đảm cho người dân nhận được các dịch vụ hỗ trợ mà họ cần, vào đúng thời điểm và đúng chỗ.

Bích Vân

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/vai-tro-then-chot-cua-chinh-quyen-dia-phuong-trong-cong-tac-y-te-co-so-n163595.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY