Và trên hành trình ấy, Tân Hiệp Phát tâm niệm trước hết phải là một doanh nghiệp phát triển bền vững, gắn với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc, xung quanh vấn đề này.
+ Chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện ngay từ chính sự kiện mà Uyên Phương mới tham gia gần đây: Longbien Marathon 2019. Điều gì ở cuộc thi đã khiến một doanh nhân hết sức bận rộn như Phương phải gắng sức thu xếp để tham gia?
- Tôi đã tham gia chạy Longbien Marathon 2019 vì một thông điệp ý nghĩa, vì sự lan tỏa trong cộng đồng để có hành động thiết thực. Thông qua cuộc thi chạy này, mỗi người sẽ gửi đến một thông điệp và thông điệp của tôi là “chạy vì một môi trường xanh”.
Tôi nghĩ đến một nền “kinh tế tuần hoàn” mà trong đó tái chế được chai nhựa - vốn không chỉ có ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tôi mong muốn chung tay cùng cộng đồng làm cho môi trường ngày càng sạch đẹp hơn. Làm sao để có thể biến nhựa thành một sản phẩm tái chế, là nguồn đầu vào và trở thành một sân chơi, một môi trường mà các doanh nghiệp tìm thấy lợi nhuận để họ tham gia vào, đó cũng là mục tiêu mà chúng ta nên suy nghĩ.
+ Bảo vệ môi trường là vấn đề chúng ta đã kêu gọi, hô hào nhiều nhưng phải thẳng thắn thừa nhận là “nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”. Theo Phương, điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất trong việc “hành động vì môi trường” là gì? Phải chăng đó có phải là việc “mỗi cá nhân hãy bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất” như Phương từng chia sẻ? Là người từng du học nhiều năm, giờ đây lại liên tục có những chuyến đi công tác làm việc tại nước ngoài, Phương có nhận xét gì về ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở những quốc gia Phương từng học/công tác?
- Cám ơn câu hỏi rất hay của chị. Nhân câu hỏi này, trước hết Phương muốn chia sẻ ở góc độ là người đi du học nhiều năm và đi nhiều nước trên thế giới, Phương càng ngày càng trân trọng yếu tố cơ bản đầu tiên mà Việt Nam có, đó là An ninh. Những tệ nạn nho nhỏ thì không nơi đâu là hoàn hảo cả, nhưng đi ra đường lo mà bị Kh*ng b* không phải là nỗi sợ hằng ngày của người Việt chúng ta. Và sự hiếu khách của con người Việt Nam cũng là điểm đáng quý. Nhưng ngược lại, ý thức bảo vệ môi trường hay phép hành xử nơi công cộng chưa là chủ đề được đặt quan tâm đúng mức tại Việt Nam. Đó là điểm mà chúng ta có thể cải tiến, để Việt Nam phát triển đi lên, đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn và phát triển bền vững hơn.
+ Cha chị - doanh nhân Trần Quí Thanh từng chia sẻ: Phát triển bền vững là yếu tố quan trọng để có một doanh nghiệp trường tồn. Còn chị, cũng từng cho rằng: Tân Hiệp Phát luôn giữ quan điểm: Có ích cho cộng đồng nhưng phải gắn với doanh nghiệp. Những năm qua, Tân Hiệp Phát đã thực thi những điều này như thế nào, thưa chị?
- Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng gốc rễ của vấn đề. Đó chính là một quan điểm sống. Để trường tồn, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc xây dựng con người. Không chỉ là những kiến thức chuyên môn, mà còn là cách tư duy, cách hành xử và thái độ của con người trong guồng máy Tân Hiệp Phát. Và đấy chính là điều chúng tôi đầu tư, tập trung nhiều nguồn lực để có được, mà đương nhiên, nguồn lực con người còn quan trọng hơn cả nguồn lực tài chính. Chúng tôi muốn lan toả các giá trị tích cực, những tác động tích cực mà doanh nghiệp chúng tôi hay mỗi con người Tân Hiệp Phát chúng tôi đến những người xung quanh bao gồm cộng đồng và xã hội.
25 năm qua, thể thao luôn là nơi chúng tôi đầu tư để tạo ra sân chơi lành mạnh. Các hoạt động cộng đồng của chúng tôi để mang đến các giá trị thiết thực cho cuộc sống người dân: xây cầu, trao tặng bò, ... Kể cả việc cùng Tân Hiệp Phát lan tỏa các câu chuyện “nối trọn yêu thương”, đồng thời tìm kiếm những con người vượt lên những thử thách số phận, vượt qua khiếm khuyết về sức khỏe, thể chất, để qua đó cộng đồng hiểu thấu, noi gương họ cùng tận hưởng cuộc sống tốt đẹp và gieo ý thức cần phải giúp đỡ những người xung quanh mình nhiều hơn.
+ Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó ngoài cá nhân còn là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN). Hầu hết các DN đều ý thức rất rõ điều này. Tuy nhiên, lại phải thừa nhận là hiện nay số DN làm tròn trách nhiệm này chưa phải là nhiều. Trên góc nhìn một DN, theo chị, đâu là nguyên nhân, do ý thức chủ quan của DN hay do những yếu tố khách quan khác? Tại Tân Hiệp Phát, cam kết bảo vệ môi trường đã được tập đoàn nhìn nhận và thực thi ra sao, thưa Phó Tổng Giám đốc?
- Ở góc độ DN, chúng tôi luôn giải quyết vấn đề bằng việc làm sao có giải pháp đi kèm với giá trị. Chúng tôi đã và đang tiếp tục nghiên cứu mô hình để tái chế nhựa và tạo ra sản phẩm cho các ngành công nghiệp khác với mục tiêu vừa tạo ra lợi ích vừa đồng thời đóng góp cho cộng đồng, vì môi trường xanh, sạch trong một nền kinh tế có thể hình dung ra là “kinh tế tuần hoàn”, hay có thể gọi là “kinh tế xoay vòng”. Đối với chúng tôi - giải pháp phát triển bền vững là quan trọng.
+ Cũng trong câu chuyện phát triển DN xanh, nhiều DN cho rằng cần sự tiếp sức từ Nhà nước cũng như các tổ chức tài chính. Tân Hiệp Phát có chung mong muốn này?
- Đương nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước là nền tảng. Các chính sách, sự tạo điều kiện để các DN triển khai sản xuất kinh doanh được thuận lợi, cũng chính là mục đích của Chính phủ hành động và kiến tạo. Bên cạnh đó, không chỉ ở VN, các tổ chức tài chính tập trung vào vấn đề môi trường khá đa dạng. Họ tìm kiếm những mô hình hướng tới phát triển bền vững để có thể tham gia.
+ Cùng với khái niệm “doanh nghiệp xanh”, chúng ta cũng đang nói nhiều đến “nền kinh tế tuần hoàn”. Tôi được biết Tân Hiệp Phát đang nung nấu một dự án tái chế nhựa với hy vọng tham gia sâu hơn vào nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và thế giới. Chị có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Từ kinh nghiệm sản xuất sản phẩm từ resin (hạt nhựa) tinh khiết, chúng tôi có chút ít kiến thức trong chuỗi cung ứng của resin đến việc thu gom chai nhựa cho công nghiệp tái chế. Chai nhựa không phải là rác thải. Mà nó có thể là nguyên liệu để tiếp tục được tái sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác, trong đó có ngành xây dựng. Chỉ cần chai nhựa không bị trộn lẫn vào rác và bị làm bẩn thì đó là nguồn nguyên liệu đầu vào có giá trị, thay vì chai nhựa vứt bừa bãi và ảnh hưởng đến môi trường. Hoạt động tái chế chai nhựa là văn minh và vì môi trường xanh, sạch trong nền “kinh tế tuần hoàn” mà chúng ta đang đề cập ở đây.
Bởi vậy, những năm qua, Tân Hiệp Phát đã nung nấu một dự án tái chế chai nhựa. Hy vọng với dự án này, chúng tôi sẽ tham gia vào nền “kinh tế tuần hoàn” không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới để có thể giúp cho đầu vào là sản phẩm nhựa có thể tái chế, mà đầu ra sẽ là những sản phẩm tốt hơn và sử dụng vào nhiều ngành công nghiệp khác, vì một môi trường xanh. Dự án sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.
+ Tân Hiệp Phát vừa chạm mốc tuổi 25 và đang lan tỏa thông điệp về khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt tồn tại trăm năm. Tân Hiệp Phát đã, đang có chiến lược như thế nào để hiện thực hóa khát vọng ấy, thưa Phó Tổng Giám đốc?
- Tuyên bố này là một khát vọng và định hướng hành động của THP. Chúng tôi kinh doanh để bền vững và để phục vụ. Những gì chúng tôi làm và nỗ lực trong từng phút giây là để cho tương lai, cho hoài bão thương hiệu Việt được lan tỏa, cho sản phẩm Việt được yêu thích và văn hóa Việt Nam được biết đến và chia sẻ thông qua từng chai nước, từng sản phẩm chúng tôi sản xuất và đem đến cho mọi người tiêu dùng châu Á cũng như trên toàn thế giới.
Chủ đề liên quan:
bảo vệ môi trường doanh nghiệp phát triển bền vững doanh nhân Trần Uyên Phương kinh tế Kinh tế tuần hoàn tân hiệp phát tham gia tuần hoàn xây dựng thương hiệu Việt 100 năm