Nhân tuần lễ nước thế giới năm 2021, ông maharajan muthu - trưởng chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em, unicef việt nam chia sẻ cùng vnexpress về thực trạng tiếp cận nước sạch, ảnh hưởng đối với người dân đặc biệt là trẻ em. ông cũng đưa ra những khuyến nghị của unicef nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận nước sạch của người dân và trẻ em việt nam.
- tuần lễ nước thế giới năm nay hướng đến chủ đề gì, thưa ông?
- liên hợp quốc cảnh báo tình trạng khan hiếm nước và hạn hán sẽ gây thiệt hại với quy mô tương đương covid-19 do sự ấm lên của trái đất. nhằm tìm kiếm giải pháp cụ thể cho những thách thức liên quan đến nước, khủng hoảng khí hậu, an ninh lương thực, sức khỏe, đa dạng sinh học và các tác động của đại dịch covid-19, tuần lễ nước thế giới năm 2021 diễn ra từ ngày 23/8 đến 27/8 với chủ đề "xây dựng khả năng chống chịu nhanh hơn".
Tuần lễ này là cơ hội để chúng ta nhìn nhận cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới cũng như Việt Nam - một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi các thảm họa do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt gây ra. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến các nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các tác động khí hậu cùng với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội như công nghiệp hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, tác động đến chất lượng lẫn số lượng nước.
Năm nay tuần lễ nước thế giới được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng kỹ thuật số để có nhiều người tham gia và chung tay thảo luận tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông Maharajan Muthu. Ảnh: UNICEF Việt Nam
- Vậy thực trạng tiếp cận nước sạch của người Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Nước sạch, vệ sinh và vệ sinh cá nhân là những yếu tố cốt lõi của phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng hiện tại, tương lai của Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình cấp nước và vệ sinh, đạt nhiều kết quả rõ rệt.
Theo báo cáo chương trình giám sát chung who và unicef 2020, việt nam có khả năng đạt các dịch vụ vệ sinh và cấp nước cơ bản vào năm 2030 với tốc độ tăng hàng năm lần lượt là 0,8% và 1,9%. vào năm 2020, có 90% dân số được cải thiện nước sạch tại nhà và 89% có công trình vệ sinh được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt lớn trong việc tiếp cận nước sạch giữa thành thị, nông thôn, giữa các vùng miền. Gần 2,5 triệu người ở nông thôn không được sử dụng nước cơ bản, chủ yếu là ở nhóm người nghèo và nghèo nhất; Covid-19 đã làm dấy lên nhu cầu cấp bách, đảm bảo mỗi người dân đều thực hành tốt vệ sinh cá nhân khi vẫn có gần 13,6 triệu người chưa có đủ nước và xà phòng tại nhà.
- Người dân và trẻ em bị ảnh hưởng như thế nào khi thiếu nước sạch ăn uống, sinh hoạt?
- Thiếu nước sạch vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam. Rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng suy dinh dưỡng có liên quan trực tiếp đến nguồn nước và vệ sinh kém. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6% và tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc thiểu số là trên 30%.
Thiếu nước và thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng; trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất của các bệnh này. Tiêu chảy đứng thứ bảy trong gánh nặng bệnh tật quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh là thiếu nước sạch ăn, uống và sinh hoạt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê hàng năm có 9.000 người ch*t do điều kiện vệ sinh và chất lượng nước kém, gần 250.000 người phải nhập viện vì tiêu chảy cấp do nước sinh hoạt bị ô nhiễm và khoảng 200.000 người bị ung thư liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm.
Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc đạt mục tiêu phát triển bền vững về tiếp cận nước sạch cho 100% dân số. Ngập lụt, ô nhiễm, hạn hán, cạnh tranh nguồn nước trong mùa khô và các chất gây ô nhiễm đã góp phần làm suy giảm nguồn cung cấp nước sạch. Ngân hàng Thế giới cho rằng tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng nếu những thách thức này không được giải quyết vào năm 2035, Việt Nam có thể giảm 6% GDP hàng năm.
Việc không có nước sạch tại nhà tạo nên gánh nặng lớn hơn về những việc không được trả lương của phụ nữ vì họ là người chịu trách nhiệm chính trong việc lấy nước cho gia đình. Theo kết quả điều tra các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2014 cho thấy tỷ lệ hộ có phụ nữ trưởng thành lấy nước ở người dân tộc thiểu số là 74,2%, còn ở người Kinh là 57,7%.
Em bé dân tộc JRai lấy nước trong đợt hạn hán nặng nề năm 2016, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: UNICEF Việt Nam - Trương Việt Hùng
- unicef việt nam có những khuyến nghị gì nhằm giúp người dân và trẻ em thêm cơ hội tiếp cận nước sạch?
- Chúng tôi khuyến nghị rằng ở cấp quốc gia, cần xác định các ưu tiên để đẩy nhanh hành động về nước - khí hậu bao gồm: tăng cường quản lý và năng suất để quản lý sự cạnh tranh giữa nhu cầu sinh hoạt, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, thành phố và hệ sinh thái; thúc đẩy các giải pháp cụ thể thuận theo tự nhiên để hạn chế phát thải và tăng khả năng phục hồi. Toàn bộ chương trình, dự án và chu trình xây dựng thực hiện chính sách cần lồng ghép biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Nước sạch và vệ sinh cần đưa vào các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia như Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình về y tế, dinh dưỡng... Mục đích nhằm tăng bao phủ tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả người dân ở các vùng khó khăn, bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tối đa hóa lợi ích về kinh tế, xã hội, sức khỏe cho người dân và đặc biệt cho sự phát triển của trẻ em.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai là hết sức quan trọng. Chúng ta cũng cần tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia nhiều hơn nữa khu vực tư nhân, các cá nhân quan tâm đầu tư, vận hành, quản lý hệ thống cấp nước trong thời gian tới, đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ cấp nước sạch an toàn, bền vững.