Thượng uý Nguyễn Toàn Thắng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cách ly trong bệnh viện Bạch Mai. |
“Chúng tôi cũng đã được tập huấn công tác phòng dịch rồi. Công việc nhiều hơn, vất vả hơn nhưng tôi chưa thấy ai than một lời nào. Hơn hết, chúng tôi hiểu một điều là mình sợ thì ai làm” - Thượng uý Nguyễn Toàn Thắng (Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa) chia sẻ.
Chia sẻ của chiến sỹ trẻ sinh năm 1991 này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về sự hy sinh của biết bao người trong “cuộc chiến với đại dịch Covid-19” mà Việt Nam đang làm. Nếu đặt địa vị là bạn khi tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 bản thân bạn nghĩ gì? Còn Thượng uý Nguyễn Toàn Thắng luôn khẳng định, anh và 11 người đồng đội đang làm nhiệm vụ chốt trực tại Bệnh viện Bạch Mai những ngày qua không hề sợ hãi khi tiếp xúc gần với những người có nguy cơ nhiễm Covid-19.
Vì sự an toàn của cộng đồng, những người làm công tác “gác cổng” tại những ổ dịch như các anh đã nhiều ngày không về nhà, nhiều đêm ngủ không đủ giấc và đặc biệt là thường xuyên đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế khắc nghiệt là thế, nhưng qua nói chuyện với các anh, chúng tôi luôn thấy sự kiên cường, lạc quan và phẩm chất của một người chiến sỹ công an Nhân dân.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ chốt trực tại bệnh viện Bạch Mai, Thượng uý Nguyễn Toàn Thắng cho biết, ngày 21/3/2020, khi phát hiện có dịch bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai, Ban chỉ huy Công an quận Đống Đa và Ban chỉ huy Công an phường Phương Mai đã cắt cử 12 cán bộ chiến sĩ luân phiên chốt trực 24/24 tại hai điểm trong bệnh viện. Vì nhiệm vụ quá cấp bách nên cán bộ chiến sĩ có rất ít thời gian để chuẩn bị, có người còn chưa kịp thông báo cho người nhà biết. Thế nhưng, ai cũng thể hiện rõ quyết tâm xung phong đi đầu trong công tác chống dịch và nhận nhiệm vụ ngay trong tối hôm xảy ra bùng phát dịch.
Là người đồng hành thực hiện nhiệm vụ chốt trực tại bệnh viện Bạch Mai với Thượng uý Nguyễn Toàn Thắng từ những ngày đầu, Thượng uý Vũ Thế Dũng - Đội Giao thông trật tự (Công an quận Đống Đa) cho biết, bản thân sinh năm 1991, chưa có gia đình và cũng là con một. Khi nhận nhiệm vụ, do là những người đi đầu nên tình hình lúc đó rất căng thẳng, cộng thêm ca trực khá dày (mỗi chiến sỹ sẽ trực một ngày 2 ca và mỗi ca 4 tiếng) nên có chút mệt mỏi và nhớ nhà vì khi vào đây là sẽ không được về cơ quan hay gia đình cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.
Bữa cơm sau những giờ trực của các chiến sỹ công an tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Tuy nhiên, khi vào nhận nhiệm vụ tại bệnh viện và nhận được sự quan tâm của Công an quận Đống Đa, Công an phường Phương Mai, bệnh viện Bạch Mai, 12 cán bộ chiến sĩ đã được trang cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cũng như nơi để ngủ nghỉ sau những ca trực. Ngoài ra, được cung cấp đủ khẩu trang, nước rửa tay khô và quần áo bảo hộ chống dịch để đảm bảo an toàn. Nhờ đó, ai cũng luôn nhắc nhau phải quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện tốt công việc được giao.
“Không ai trong chúng tôi biết ngày mai mình có thể bị lây bệnh không, nhưng từng giờ, từng phút chúng tôi vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Tất cả đều vì mục tiêu chung là góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch và đảm bảo sức khoẻ cho người dân” - Thượng uý Vũ Thế Dũng chia sẻ.
Trời Hà Nội những ngày này chuyển lạnh và mưa nhưng dường như điều đó không ngăn cản được những ý trí, quyết tâm chống dịch của các chiến sỹ Công an quận Đống Đa đang chốt trực tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi mà rất nhiều người đang say trong giấc ngủ thì họ vẫn căng mình, trắng đêm làm nhiệm vụ “thầm lặng” là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khoảng thời gian nghỉ giữa các ca trực đêm không nhiều nhưng thay vì gọi về cho gia đình, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng - Đội phó đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an quận Đống Đa) đã dành thời gian nói chuyện với tôi qua điện thoại sau rất nhiều lần tôi ngỏ ý muốn trò chuyện cùng anh.
Chúng tôi vẫn nhớ như in những câu đầu tiên anh nói qua điện thoại: “Dù hiện tại đang có con nhỏ nhưng khi đơn vị có lệnh, tôi cùng các anh em luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ”. Vừa nghe anh nói tôi vừa cảm nhận được tiếng hai hàm răng của anh khẽ va vào nhau trong cái rét của Hà Nội những ngày này. Thế nhưng trong suốt câu chuyện với tôi anh luôn cười và nói “Có gì đâu, lính mà”.
Một ca trực đêm của Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng (bên phải) tại điểm chốt trực cổng số 1 – bệnh viện Bạch Mai. |
Theo những gì Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ, do nhiệm vụ phải bảo vệ tuyệt đối khu cách ly 24/24h nên các ca trực luân phiên nhau thực hiện việc chốt. Trước khi đi làm nhiệm vụ, các chiến sỹ đều thực hiện nghiêm túc việc sát khuẩn, đeo khẩu trang, găng tay theo quy định và kết thúc mỗi ca đều làm đúng các quy trình về khử khuẩn.
Việc thực hiện nhiệm vụ với tần xuất lớn cũng gây không ít mệt mỏi nhưng Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng cho biết, do đặc thù của ngành công an nên việc làm đêm cũng không gây khó khăn gì nhiều vì đã được rèn luyện. Xác định đây là nhiệm vụ không chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai là xong, anh cùng các đồng đội thường tranh thủ thời gian nghỉ không nhiều giữa các ca trực để tập luyện nhảy dây, chống đẩy tại chỗ để nâng cao sức khoẻ.
Với Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng, việc nhớ nhà, người thân khi không thể về trong thời gian dài là không tránh khỏi. Đặc biệt, khi điện thoại về thăm nhà con còn nhỏ chưa biết chuyện chỉ liên tục hỏi bố bao giờ về. Tuy nhiên, mọi khó khăn chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm của anh cùng các đồng đội để mong sớm đẩy lùi dịch bệnh và được về đoàn tụ cùng gia đình.
Chưa kịp “kể khổ” tiếp về những ngày xa nhà làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng đã xin phép trở lại với công việc. Bởi, với anh “chống dịch như chống giặc” và khi còn sức trẻ, nhiệt huyết, anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để phụng sự cộng đồng, đất nước.
Chủ đề liên quan:
bạch mai bệnh viện bệnh viện bạch mai Công an phường Phương Mai công an quận đống đa dịch bệnh gác cổng những người ổ dịch trực đêm