Biển Phan Thiết vẫn vậy, vẫn đẹp hút hồn. Tôi như lạc trong thế giới đầy màu sắc, thế giới ước vọng của những ngày thơ bé. Thuở ấy, vẫn mơ mộng bãi biển tuyệt đẹp với trời trong xanh, mây trắng bay thành từng chùm, rồi đứng ngắm nhìn cầu vồng rực rỡ. Tất cả những mơ ước tưởng chừng mơ mộng ấy lại trở thành hiện thực khi được đứng trước trời biển Kê Gà. Kê Gà vốn nổi tiếng từ lâu lắm rồi mà vẫn hoang sơ, với một đường chân trời cứ như từ trong tranh vẽ ra vậy.
Nhưng đó chỉ là tưởng tượng của một người chưa bao giờ được đến biển Bình Thuận. Mũi Kê Gà hiện ra ở đó, vẻ đẹp ngay trước mắt có thể làm “đứng hình” nếu bạn muốn giơ chiếc máy lên chụp hay quay phim. Vẻ đẹp đó làm tất cả mọi người chẳng muốn làm gì nữa, chỉ muốn được đứng đây mãi để chiêm ngưỡng sự tuyệt vời mà tạo hóa đã nhào nặn. Bên cạnh, cặp đôi trẻ đang tranh cãi về dải núi giống chiếc mào gà hay chú cá heo. Tôi bật cười vì sự liên tưởng ấy. Trước vẻ đẹp thiên nhiên, chúng ta có thể so sánh, nhưng so sánh tới lui rồi lại bảo thôi đi, vì chẳng cần so sánh thì đã rất đẹp rồi.
Nói đến so sánh, những phiến đá ở Kê Gà có thể làm người ta liên tưởng đến bất cứ hình thù gì có thể nghĩ ra. Tôi ngắm nhìn đá Kê Gà với sự ngạc nhiên thú vị. Thiên nhiên có thể tạo ra những hình thù lạ kỳ đến vậy, trầm tích ngàn năm như xua đi mệt mỏi, dẫn dắt ta đến những câu hỏi vô tận không có lời giải đáp. Cứ cho là nước biển, rồi gió mưa có thể bào mòn đá, nhưng để có những tạo tác ấy thì chỉ biết khâm phục thiên nhiên. Tôi đã tìm hiểu trước về bãi đá này, nhưng vẫn ngạc nhiên vì người ta đặt tên đúng quá: Vịnh Đá Nhảy. Phiến đá như tượng trưng cho muôn ngàn nghệ sĩ đã cố tạo ra tác phẩm nghệ thuật theo ý mình. Cũng như xã hội có muôn người với vô vàn ý nghĩ, sở thích khác nhau, thì đây, những phiến đá lớn nhỏ trong vườn đá như thiên đường hạ giới, nào là tròn, vuông, ngắn, dài đủ cả, như trận đồ được tạo ra bởi vị thần toàn năng nhất.
Cứ cho là nước biển, rồi gió mưa có thể bào mòn đá, nhưng để có những tạo tác ấy thì chỉ biết khâm phục thiên nhiên...
Ảnh: Dạ Ly |
Tôi thả mình trên bãi biển, nhìn thấy đường chân trời rộng lớn như làm lòng ta rộng mở. Nếu có ai hỏi rằng đường chân trời có ý nghĩa đặc biệt nào không, tôi sẽ trả lời rằng không có ý nghĩa thật sự nào cả, mỗi người hãy tìm ý nghĩa của riêng mình. Với tôi, đó là một ranh giới ngăn cách giữa quá khứ và tương lai, giữa mong muốn vị kỷ và tình thương yêu đồng loại. Có thể ý nghĩ đó hơi viển vông, nhưng đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những phiến đá trời sinh, con người cảm thấy mình thật nhỏ bé so với thế giới, rồi vũ trụ bao la vô tận.
Nhưng bao giờ cũng vậy, con người biết mình nhỏ bé, nhưng vẫn cố gắng để bắt kịp và phần nào làm chủ tự nhiên. Chúng ta dùng công sức của mình để tìm ra một con đường đúng đắn để phát triển. Mũi Điện ở kia, ngọn hải đăng nằm kia chiếu sáng để con người thấy đường đi nước bước. Tự hào thay bởi ngọn hải đăng đó cao và lâu đời nhất khu vực Đông Nam Á. Tự hào thay công trình đó nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng mà vẫn giữ được cảnh quan hoang sơ bình dị. Công nghiệp hóa đã đem lại cho con người nhiều lợi ích, nhưng cần đối xử với thiên nhiên cũng giống như đối xử với nhà của chính mình, chỉ nên chiếu sáng để nhìn rõ chứ không tác động làm thay đổi sâu sắc thiên nhiên. Chiếc thuyền thúng của bác ngư dân đưa du khách ra ngắm hải đăng, để ánh sáng chiếu rọi cho thấy nước biển xanh ngắt, quầng sáng được con người tạo ra tưởng sừng sững, nhưng cũng chỉ phản chiếu một phần ước vọng, như lời kêu gọi hãy giữ gìn thiên nhiên.
Đến Kê Gà, tâm hồn tôi như lạc trong một thế giới khác, thế giới tách biệt với nhịp sống xô bồ, với bao mưu toan, vụ lợi. Thế giới không ấy hoàn toàn bằng phẳng và dịu êm như những vườn hoa rực rỡ. Trong đó có trời, có mây có nắng, có gió, cũng có sự chọn lọc tư nhiện. Hoang sơ cũng chính là do lự nhiên chọn lọc mà thành, hoang dã cũng có sự đấu tranh giữa động vật, cây cối. Như Mũi Kê Gà dù có là một phần của đất khi thủy triều rút, cũng đã hòa bình vào biển khơi để trở thành một hòn đảo biệt lập, hùng vĩ.
|