Kinh tế xã hội hôm nay

Có phải cứ tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook là bị xử phạt?

Những ngày qua, nhiều thông tin cho rằng từ ngày 15/4/2020 sẽ xử phạt đến 20 triệu đồng nếu ai đó tự ý đăng ảnh của người khác lên mạng xã hội. Để mọi người hiểu rõ về quy định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.

PV: Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt hành vi tự ý đăng ảnh của người khác lên mạng xã hội với mức phạt lên đến 20 triệu đồng; luật sư đánh giá như thế nào về định mới này?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Đầu tiên, tôi xin khẳng định đây không phải là quy định mới tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP; trước đây, tại điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP đã quy định rõ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật" (hình ảnh cũng là một dạng của thông tin cá nhân, tổ chức).

Về vấn đề này, điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP chỉ quy định lại nội dung cũ tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP; không hề có tính mới hay tăng mức xử phạt.

PV: Vậy có phải lúc nào đăng ảnh của người khác cũng phải xin phép họ, không xin phép mà tự đăng sẽ bị xử phạt, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Theo khoản 1, khoản 2 Điều 32 của Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

1. Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

2. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Do đó, việc phóng viên báo chí chụp ảnh nhằm đưa tin tức về các hội nghị, hội thảo hay người dân chụp ảnh tên cướp để đăng lên mạng, gửi công an truy tìm thì hoàn toàn hợp pháp, không cần phải xin phép người có hình ảnh hay người đại diện theo pháp luật của họ.

Qua đây, tôi cũng lưu ý với mọi người, nhất là các bạn trẻ, khi đăng hình của bạn bè, người yêu… lên mạng thì cần hỏi trước ý kiến của họ; trường hợp đã đăng mà họ yêu cầu gỡ bỏ thì phải gỡ bỏ ngay để đảm bảo quyền về hình ảnh của họ cũng như bản thân mình tránh rủi ro pháp lý.

PV: Nếu ai đó vi phạm quyền sử dụng hình ảnh của mình, mình đã yêu cầu gỡ bỏ mà họ không thực hiện thì mình phải làm gì, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Theo Trí Thức Trẻ

Copy link

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/co-phai-cu-tu-y-dang-anh-nguoi-khac-len-facebook-la-bi-xu-phat-20200416104301616.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY